Trong những ngày gần đây, nhiều đoàn công tác của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tới làm việc tại các địa phương để kiểm tra hoạt động hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch trên cả nước.
Những kết quả thu được từ các buổi làm việc đã được phản ánh trong cuộc họp kiểm tra và đánh giá lại tình hình triển khai việc rà soát, lên danh sách và chi trả tới người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 vừa diễn ra do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chủ trì.
Trong cuộc họp, đại diện các đoàn công tác đã báo cáo khái quát quá trình thực hiện và kết quả đạt được của các địa phương sau hơn nửa tháng triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỉ của Chính phủ.
Nhìn chung, ngay sau khi Nghị quyết số 42/QĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, các địa phương đều tích cực, chủ động nhập cuộc để chung tay trợ giúp những trường hợp gặp khó khăn, bị giảm sâu thu nhập, không đảm bảo về đời sống do tác động nghiêm trọng và kéo dài của dịch bệnh.
Mặc dù thời gian triển khai tương đối gấp gáp nhưng các ban, ngành, đoàn thể ở các cấp đã phối hợp đồng bộ và thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao. Công tác rà soát, xác minh đối tượng được xúc tiến với tinh thần nhanh chóng, khẩn trương nhưng thận trọng để hạn chế trùng lặp hoặc bỏ sót đối tượng.
Có những địa phương đã xây dựng phần mềm riêng để quản lý dữ liệu và sàng lọc đối tượng như Hà Tĩnh, Bình Định…, góp phần đảm bảo ngân sách được sử dụng hiệu quả, tránh những sai sót không đáng có.
Bộ LĐ-TB&XH họp để đánh giá kết quả sau hơn nửa tháng triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỉ tại các địa phương. Ảnh: TL
Tính đến nay, phần lớn các tỉnh, thành phố đã hoàn thành việc chi trả tiền hỗ trợ cho bốn nhóm đối tượng: người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo. Ngoài ra, một số nơi như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh… còn cân đối ngân sách địa phương để hỗ trợ người bán vé số, giáo viên các trường tư thục…
Với các nhóm đối tượng còn lại như hộ kinh doanh cá thể có thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm, người lao động bị nghỉ việc không hưởng lương, lao động tự do, người sử dụng lao động không có nguồn tài chính để trả lương ngừng việc cho người lao động…, đội ngũ cán bộ thực hiện chính sách ở các tỉnh thành đang gấp rút rà soát và hoàn thiện danh sách để trình lên cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Một số địa phương như Lạng Sơn, Bình Phước… dự kiến sẽ thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ cho các nhóm đối tượng này trong những ngày tới.
Tuy nhiên, ở một số nơi, hoạt động chi trả còn diễn ra tương đối chậm, chưa nghiêm túc. Đã xuất hiện những biểu hiện của "bệnh thành tích" ở một vài cán bộ, khiến những cá nhân thực sự cần được giúp đỡ trong thời gian này chưa được tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ.
Bên cạnh đó, sự thiếu trách nhiệm, thái độ quá thận trọng, cầu toàn và những hạn chế về nguồn kinh phí là các nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm trễ trong công tác giải ngân, khiến tiền hỗ trợ không kịp thời đến tay các trường hợp khó khăn, làm giảm đi ý nghĩa nhân văn của chính sách an sinh xã hội này.
Ghi nhận các kết quả đã đạt được của các địa phương sau hơn nửa tháng triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỉ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao sự cố gắng của tập thể lãnh đạo, cán bộ các cấp ở 63 tỉnh thành trong việc rà soát, lên danh sách và chi trả cũng như những nỗ lực, sáng tạo để công tác hỗ trợ diễn ra hiệu quả, đồng bộ, nhanh chóng.
Bộ trưởng cũng biểu dương sự giám sát chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức đoàn thể và nhân dân để đảm bảo quá trình thực hiện gói hỗ trợ chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam diễn ra nghiêm túc, công khai và minh bạch.
Đánh giá chung về công tác triển khai gói 62.000 tỉ trong thời gian qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: "Trong quá trình thực hiện, các cơ quan chuyên môn đã tăng cường việc trao đổi và phối hợp giải đáp. Các kiến nghị, thắc mắc trực tiếp của người dân, doanh nghiệp tới Tổng đài 111 cũng như đường dây nóng của Bộ cũng được giải đáp kịp thời.
Qua tổng hợp số liệu từ các địa phương, kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dự kiến nằm trong tổng kinh phí đã được Chính phủ phê duyệt, không phát sinh ngân sách Trung ương. Đến nay, chưa phát hiện trường hợp nào trục lợi, chia chác tiền hỗ trợ của người dân".
Tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị của các địa phương về công tác hỗ trợ những trường hợp bị ảnh hưởng bởi đại dịch, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã giao cho các đơn vị hướng dẫn cụ thể tới cán bộ cấp cơ sở về thủ tục và nghiệp vụ để đẩy nhanh tiến độ rà soát, xác minh và chi trả tiền trợ cấp cho các nhóm đối tượng còn lại.
Cũng tại cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội gửi lời cảm ơn tới các cơ quan báo chí, truyền thông đã phối hợp với Bộ để phổ biến thông tin về gói 62.000 tỉ tới đông đảo quần chúng nhân dân cũng như góp phần ngăn chặn những hành vi sai trái làm ảnh hưởng tới ý nghĩa tích cực của chính sách an sinh xã hội này.