Những đứa trẻ cư xử "lệch chuẩn" nơi công cộng và câu hỏi nhức nhối: Đằng sau chúng là kiểu bố mẹ nào?

Minh Nguyệt |

Thực ra chính cha mẹ chứ không phải con cái mới là người cần được giáo dục.

Có lần, tôi cùng mẹ vào một trung tâm thương mại khá lớn để mua quần áo. Lúc vừa thay đồ xong, mở cửa ra ngoài thì thấy mẹ đang lời qua tiếng lại với một phụ nữ tầm 40 tuổi. Hỏi nguyên nhân mới biết, trong lúc tôi thử đồ, con của người này (tầm 8-9 tuổi) đã lén nhìn qua khe cửa.

Trước phản ánh của mẹ tôi, người phụ nữ vẫn bênh con chằm chặp: "Thằng bé còn nhỏ mà cô ơi, 8-9 tuổi nó biết gì đâu, nó không cố ý. Chắc tò mò chút thôi". Đứa bé không hề tỏ ra hối lỗi, mặt nhìn tôi đầy thách thức. Sau một tràng cãi qua lại, không muốn làm lớn chuyện, tôi ấm ức cho qua. Với thái độ của phụ huynh này, tôi chắc mình không phải là nạn nhân cuối.

Những ngày này, cộng đồng mạng cũng tranh cãi câu chuyện một người phụ nữ bị 2 đứa trẻ liên tục dùng lời lẽ khó nghe chửi mắng, de dọa, thậm chí liên tục có hành vi phá quấy khi chị này dẫn con gái giải trí trong phòng hát karaoke thu nhỏ. Trong một vài bình luận, nhiều người còn dẫn chứng, cũng những đứa trẻ này từng quấy rối mình bằng lời lẽ và hành động thô tục.

Những đứa trẻ cư xử "lệch chuẩn" nơi công cộng và câu hỏi nhức nhối: Đằng sau chúng là kiểu bố mẹ nào?- Ảnh 1.

2 đứa trẻ liên tục dùng lời lẽ khó nghe chửi mắng, de dọa, thậm chí liên tục có hành vi phá quấy

Mọi chuyện càng "căng như dây đàn" khi một người tự nhận là người nhà của một trong những đứa trẻ khẳng định "cháu mình ở nhà rất ngoan ngoãn lễ phép với người lớn, đi học hòa đồng với bạn bè, rất nghe lời thầy cô".

Người này cũng cho rằng cháu còn nhỏ, chuyện không có gì to tát nhưng bà mẹ kia đã hành động không đúng chuẩn mực. Cô không quên vào nhắn tin riêng, "dọa dẫm" người đăng câu chuyện lên mạng nên gỡ bài trước khi có chuyện lớn hơn bởi "cha mẹ của đứa trẻ rất tức giận, muốn tìm nói chuyện".

Những đứa trẻ cư xử "lệch chuẩn" nơi công cộng và câu hỏi nhức nhối: Đằng sau chúng là kiểu bố mẹ nào?- Ảnh 2.

Mọi chuyện càng "căng như dây đàn" khi một người tự nhận là người nhà của một trong những đứa trẻ khẳng định "cháu mình ở nhà rất ngoan ngoãn lễ phép với người lớn, đi học hòa đồng với bạn bè, rất nghe lời thầy cô".

Dưới phần bình luận, hàng ngàn cư dân mạng đều bức xúc trước thái độ xấc xược, thô tục của những đứa trẻ miệng còn hôi sữa. Phần bài viết giải thích của "người nhà" cũng hứng bão phẫn nộ.

Có thể thấy, cậu bé hôm đó nhìn lén qua khe cửa hay những đứa trẻ hôm nay hỗn láo với người lớn ở trung tâm thương mại đều nói lên một điều: Phía sau một đứa trẻ "hư", rõ ràng có những bậc phụ huynh nhiều vấn đề.

Con mắc "bệnh", cha mẹ cần "đi khám và uống thuốc"

Trước đó, có một cuộc khảo sát trực tuyến cho kết quả: 72% trong số hơn 28.000 cư dân mạng tham gia tin rằng phía sau những đứa trẻ "hư" thì gia đình, nhà trường, xã hội đều có trách nhiệm, nhưng trách nhiệm chính thuộc về cha mẹ.

Người xưa dạy "nhân chi sơ tính bản thiện". Đứa trẻ mới sinh là một tờ giấy trắng. Việc rèn luyện thói quen, phát triển tính cách đều được viết sau. Con thực chất là tấm gương cho cha mẹ. Nếu con mắc lỗi, trước tiên cha mẹ nên "đi khám và uống thuốc" để chẩn bệnh cho cách giáo dục của mình.

Một số cha mẹ bao che, bệnh vực bất chấp mọi quy tắc, không uốn nắn hành động lệch chuẩn của trẻ dẫn tới nhiều hậu quả xấu, ảnh hưởng tới khả năng phân định đúng sai của con. Một số người bỏ bê, để con cứ thế lớn lên như nhành cây, ngọn cỏ. Chúng không có sự quan tâm, đồng hành của gia đình trong những giai đoạn quan trọng của cuộc đời. Lại có những đứa trẻ bị ngược đãi cảm xúc, rồi chính chúng lại dùng những hành động xấu xí để xoa dịu tổn thương bên trong của mình.

Xét theo khía cạnh này, những đứa trẻ "hư" nói trên cũng là nạn nhân. Chúng bị bao quanh bởi một nền giáo dục đầy bất ổn, mà nếu không có sự níu giữ kịp thời và tình yêu thương đúng cách, chúng có thể ngày càng trượt dài, sa ngã để rồi đánh mất tương lai.

Có chuyên gia từng kể, bà nhận được phàn nàn của nhiều phụ huynh: "Tôi đã làm hết mọi thứ cho con mà sao nó vẫn hư?". Đến khi được hỏi: "Anh chị mỗi ngày dành ra bao nhiêu thời gian nói chuyện với con?" thì họ im lặng.

Nếu một đứa trẻ ngay từ khi sinh ra đã phải gánh chịu sự bận rộn, vô trách nhiệm của cha mẹ, thì việc không sinh con có thể là một lựa chọn tử tế.

Là cha mẹ, chưa nói đến vật chất sang giàu, điều đầu tiên chúng ta cần làm đó là sẵn sàng ở bên, chân thành lắng nghe và chỉ dạy con cái. Đó là khi chúng ta học cách cúi xuống để nhìn thấy tâm tư suy nghĩ của con mình, hiểu từng giai đoạn con cần gì, con tiếp xúc với ai, con thay đổi, biến động thế nào. Khi sự trưởng thành của trẻ bước vào những thời kỳ khác nhau, chúng ta có những hướng dẫn khác nhau để con không mông lung và chọn sai đường.

Đừng lúc nào cũng vin vào câu "con còn nhỏ", để phủ nhận những "mặt tối", nếu có của con cái. Có lúc cần đối diện sự thật, dù đau lòng, rằng con chúng ta có thể không ngây thơ, thuần khiết như những gì chúng "diễn" trước mặt mẹ cha. Nếu thức tỉnh đúng lúc, chúng ta sẽ là "cọng rơm cứu mạng" để con bớt lạc lối.

Nhà văn Nhật Bản Kotaro Isaka từng viết: "Ý nghĩ làm cha mẹ mà không phải vượt qua kỳ thi quả thực là đáng sợ". Không ai sinh ra đã được cấp bằng làm cha mẹ, cũng không có cha mẹ hoàn hảo. Điều này đúng với thế hệ trước giáo dục chúng ta, và cũng đúng khi chúng ta giáo dục thế hệ sau của mình. Nhưng chúng ta có thể điều chỉnh dần cách giáo dục, giao tiếp để dù không tốt nhất thì cũng phù hợp nhất với con mình.

Bởi thực ra đôi lúc, chính cha mẹ chứ không phải con cái mới là người cần được giáo dục.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại