Từ nhỏ đến lớn, trẻ luôn phải đối mặt với nhiều lựa chọn. Điều cha mẹ cần làm không phải là nói cho con biết lựa chọn mà dạy con cách lựa chọn. Tôn trọng trẻ chính là việc nuôi dưỡng nhân cách tốt, giúp trẻ lớn lên hạnh phúc, tự tin trước những lựa chọn của mình.
Tiểu Ly (Trung Quốc) có con gái 6 tuổi rất yêu thích nhảy hiện đại. Cô bé cũng đạt được vô số giải thưởng ở bộ môn này. Tiểu Ly nhớ lại trước đây, khi con gái ngỏ lời xin phép mẹ cho học một môn nghệ thuật, cô muốn gửi con đến lớp múa ba lê. Nhưng cô bé tỏ ra không hào hứng và thích nhảy hiện đại hơn. Dù không hài lòng nhưng Tiểu Ly vẫn tôn trọng quyết định của con.
Tiểu Ly cũng giúp con phân bổ thời gian hợp lý, đến lớp học nhảy luyện tập nhưng không để ảnh hưởng đến quá trình học tập trên lớp. Sau một thời gian, cô ngạc nhiên trước kết quả của con. Con gái cô không chỉ học giỏi mà còn đạt vô số giải thưởng trong các cuộc thi ở môn nhảy hiện đại.
Điều này giúp Tiểu Ly nhận ra: Chỉ có niềm đam mê mới duy trì được sự bền bỉ, giúp chúng ta đạt tới thành công. Cô cũng cảm thấy may mắn khi không dùng nhận thức hạn chế của mình để ép buộc con thay đổi lựa chọn.
Bàn về quyền lựa chọn, nhà tâm lý học Winnicott (người Mỹ) từng nói: "Mỗi đứa trẻ đều có ngọn lửa đam mê để tồn tại và phát triển". Một số cha mẹ biết cách giúp con duy trì ngọn lửa ấy, nhưng không ít người sẽ dập tắt đi ngọn lửa đam mê trong con.
Lại có một câu chuyện khác như sau: Một bé trai nọ rất thích học võ nhưng bị cha mẹ ngăn cấm. Cha mẹ em cho rằng học võ không tốt, khiến em có xu hướng bạo lực, thích sử dụng nắm đấm khi giải quyết mọi chuyện. Từ đó, tính cách đứa trẻ có thể thay đổi theo chiều hướng xấu như: Hay nổi nóng, khó kiểm soát cảm xúc,…
Tuy nhiên, đây là suy nghĩ sai lầm của phụ huynh. Bởi võ thuật là môn thể thao rất tốt cho sự phát triển của trẻ. Bộ môn này giúp trẻ nâng cao sức khỏe, cải thiện phản xạ và đặc biệt là giúp trẻ biết kiềm chế cảm xúc.
Quay trở lại câu chuyện, bé trai nọ vì bị cha mẹ cấm đoán việc học võ nên luôn trong trạng thái buồn phiền, giận dỗi. Cậu bé cảm thấy lựa chọn của mình không được tôn trọng, chấp thuận nên dần xa cách cha mẹ. Sau này, mỗi khi có việc gì xảy ra, cậu không muốn tâm sự, thổ lộ với cha mẹ nữa.
Ảnh minh họa.
Theo nhiều nghiên cứu tâm lý, những đứa trẻ bị tước đoạt quyền lựa chọn thường có 2 tính cách trái ngược: Một kiểu sẽ ngoan ngoãn chấp thuận, nhu nhược nghe theo; kiểu còn lại thì nổi loạn, chống đối. Đứa trẻ nhu nhược luôn dựa vào cha mẹ trong mọi việc thường mất đi khả năng tự lập, khó thành công trong cuộc sống. Còn đứa trẻ nổi loạn làm mọi việc theo ý thích mà không nghĩ tới hậu quả. Bởi trẻ muốn chứng minh với mọi người: Mình có nhận thức độc lập. Đây đều là 2 hướng phát triển độc hại mà cha mẹ cần lưu ý khi giáo dục trẻ.
Nếu một đứa trẻ không có quyền lựa chọn cuộc sống của mình, trẻ sẽ thấy mọi thứ xung quanh đều là kết quả của những suy nghĩ, mong đợi từ người khác. Trẻ thấy mình tồn tại không có giá trị, không được tôn trọng. Ngược lại, nếu trẻ được đưa ra quyết định thì dù kết quả ra sao, trẻ cũng rất vui vì được tôn trọng. Tất nhiên trong quá trình trẻ lựa chọn, cha mẹ cần đưa ra lời khuyên ở mức độ vừa phải để trẻ có thể đi đúng hướng.
Đâu là cách cha mẹ giúp con đưa ra lựa chọn khôn ngoan?
Cha mẹ tôn trọng quyền lựa chọn sẽ truyền cho con nguồn cảm hứng bất tận, giúp con tự tin tạo dựng cuộc sống cho chính mình. Qua nghiên cứu, các nhà tâm lý học phát hiện khả năng phán đoán, đưa ra quyết định và nắm bắt phương hướng cuộc sống của chính mình là yếu tố quan trọng để người đó có được sự hạnh phúc lâu dài.
Biết lựa chọn là một loại năng lực quý giá. Vậy làm thế nào để cha mẹ từng bước trau dồi kỹ năng này cho con trong cuộc sống? Nếu còn đang trăn trở, các bậc cha mẹ có thể tham khảo những phương pháp dưới đây để việc nuôi dạy con trở nên nhẹ nhàng hơn.
1. Cho trẻ quyền lựa chọn và khiến trẻ cảm thấy được trao quyền
Một trong những sai lầm lớn nhất mà người lớn mắc phải là luôn đưa ra yêu cầu, thay vì cho con quyền lựa chọn. Chẳng hạn như trong giờ giấc sinh hoạt của con, nếu muốn con đi ngủ sớm, cha mẹ nên hỏi: "Con muốn đi ngủ bây giờ hay sau 10 phút nữa". Với những đứa trẻ lớn hơn, hãy để con tự quyết định giờ đi ngủ vì trẻ phải chịu trách nhiệm trước việc dậy đúng giờ đi học cho sáng hôm sau.
Sự lựa chọn đi đôi với trách nhiệm và kết quả. Vì thế, cha mẹ cần trao quyền để trẻ hiểu lựa chọn này có ý nghĩa gì, kết quả ra sao và cần thực hiện thế nào. Trao quyền cũng là cách giúp trẻ hình thành tư duy tích cực, từ đó đưa ra những quyết định sáng suốt hơn trong tương lai.
Trao quyền cũng là cách giúp trẻ hình thành tư duy tích cực, từ đó đưa ra những quyết định sáng suốt hơn trong tương lai. (Ảnh minh họa)
2. Bắt đầu từ những công việc nhỏ để phát triển khả năng cho trẻ
Trong giáo dục gia đình, một điều đặc biệt quan trọng là khả năng lựa chọn, phán đoán. Việc này cần được thực hiện từng bước. Khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ có thể cho trẻ tự chọn quần áo, đồ chơi. Khi trẻ vào bậc Tiểu học, bạn có thể thảo luận với con mình xem nên học thêm môn gì, phát triển kỹ năng gì. Khi trẻ học bậc THCS, THPT, bạn có thể hỏi con về ngành nghề yêu thích, dự định tương lai và cả mẫu người bạn đời lý tưởng.
Trên thực tế trong nhiều trường hợp, không phải trẻ không biết lựa chọn mà do không có cơ hội lựa chọn. Cha mẹ không nên kìm hãm, bắt con nghe theo sự sắp đặt của mình mà hãy trao quyền cho con. Có thể lúc đầu, lựa chọn của trẻ chưa phù hợp nhưng sau nhiều lần luyện tập, trẻ sẽ đưa ra quyết định sáng suốt hơn.
3. Khi trẻ phân vân lựa chọn, cha mẹ hãy là người cố vấn thông thái
Nếu thấy trẻ đang phân vân, loay hoay khi phải đưa ra quyết định, cha mẹ hãy hướng dẫn, giúp đỡ con. Mọi thứ trong cuộc sống đan xen nhau và điều quan trọng là trẻ phải học cách đưa ra lựa chọn hợp lý. Chỉ với điều này mới giúp trẻ tháo gỡ rắc rối, cảm thấy hài lòng.
Lựa chọn tạo nên cuộc sống. Con trẻ phải đối diện với vô vàn những lựa chọn lớn nhỏ trong cuộc đời. Cha mẹ hãy dạy con kỹ năng lựa chọn càng sớm càng tốt để khi một mình đối diện với khó khăn, trẻ không cảm thấy hoang mang, lo sợ mà sẽ đưa ra quyết định khôn ngoan.