Tôi tới Nhà vào đầu buổi sáng. Trong ngôi vườn có cỏ xanh và hoa thắm, có tiếng bồ câu gù gù trong nắng, có những con gà sục sạo kiếm ăn trong một vuông đất nhỏ và cá quẫy trong bồn, dưới những đốm nắng lọc qua dàn cây xanh thả những dây hoa rơi dài trên đầu, chúng tôi ngồi trò chuyện và chờ các bé đi học về.
Chúng về như một đàn chim non. Ríu ra ríu rít, đàn chim ấy vừa bỏ cặp vào nhà xong lập tức đâm bổ ra quây quanh một chú chim thật. Một con két non, có lẽ chúng cùng lứa tuổi.
Thôi thì nhồi thức ăn, đút nước uống, và liên tục giục két ăn thật no...
Cái thiên tính nữ kỳ diệu và mạnh mẽ làm sao! Ngay cả trong những đứa trẻ non nớt nhưng trải qua bao chấn thương đau đớn này, chúng vẫn khát khao được yêu thương, chăm sóc những sinh vật khác bé nhỏ và yếu ớt hơn.
Cái điều tưởng như hiển nhiên của mọi sinh vật ấy, sao những kẻ đàn ông to lớn, mạnh bạo, hơn nữa còn là người sinh thành ra chúng, không mổ não ra mà nhét vào?
Những người bạn bốn chân
Vài hôm sau, tôi tìm mua một con chó con để thêm vào một người bạn cho chúng. Tình cờ sao, con cún tôi ưng lại cũng là một đứa trẻ đi lạc.
Cún được tìm thấy khi đã lạc chủ vài ngày, đang run rẩy núp dưới gầm chạn nhà một phụ nữ ven đường.
Một người bạn tôi biết từ vài năm trước, ngoài công việc hàng ngày tại một công ty, còn dành thời gian và tiền bạc để cứu những chú chó bị bỏ rơi, bị lạc, bị bệnh...
Phải đi đi lại lại ba ngày liền, khi đã tin tưởng vào Terry Chen (nick trên Facebook của anh), nó mới chịu để anh dắt về.
Tôi đặt tên thằng cún là Lucky. Sự sống sót của nó là một may mắn.
Tôi tìm được nó là một hạnh ngộ. Và cũng như những đứa trẻ đã được cứu thoát khỏi nạn xâm hại tình dục, tôi hy vọng cuộc đời tất cả chúng sau này gặp được nhiều may mắn.
Lucky vừa về Nhà đã ngay lập tức hòa nhập. Mặc dù lông còn chưa mọc đủ, nó nghiễm nhiên coi nó là thành viên chủ chốt của nơi này.
Mỗi lần bọn trẻ đứng thành vòng tròn để sinh hoạt tập thể, chơi trò chơi, Lucky phải chen bằng được vào đứng giữa vòng tròn, bên cạnh người quản trò, và cực kỳ thích thú với vị trí đó.
Lũ trẻ cũng hết sức thích thú. Đi học về chúng lại sà vào ôm Lucky, rượt nhau chạy quần quật trong sân. Đến nỗi, chỉ hai tuần sau Dì quản lý thông báo cho tôi, Dì mới đi tìm một chú cún nữa, để cái tổ ấm ấy ngày càng nhiều tiếng cười.
Còn những nhân vật của chúng ta, giờ chúng ra sao?
Chìm nổi đời con
Tôi chỉ muốn kể cho các bạn thật nhiều câu chuyện có hậu. Nhưng cuộc sống không như mong muốn.
Hai chị em ruột đều là nạn nhân của chính cha ruột ở tỉnh A., tôi kể trong bài đầu tiên, đã trưởng thành và rời nhà được ít lâu. Bé Chị vững vàng hơn, đã đi làm công nhân, còn bé Em sinh con gái ở độ tuổi 16 với một người ở cùng quê.
Cha của đứa trẻ không nhận, hai mẹ con trẻ con vẫn phải tiếp tục bám lấy người cha đồi bại để có miếng ăn và mái nhà che thân.
Thế rồi, chính đứa cháu gái mới hai ba tuổi lại tiếp tục là nạn nhân của ông ngoại. Nhưng nhờ mẹ bé đề phòng nên bé chỉ mới bị dâm ô, chưa xảy ra hậu quả nặng hơn.
Sau ít lâu, thấy nguy cơ ngày càng nghiêm trọng, bé Em giao con cho bé Chị bảo trợ, đưa thẳng vào Nhà chăm sóc.
Một chuyến đến thăm gia đình của nạn nhân để thuyết phục gia đình cho bé cách ly môi trường nhiều nguy cơ, đưa bé về Nhà để chăm sóc.
Lần khác, tôi đến lúc vừa qua giờ trưa. Bọn trẻ đang ngủ. Bỗng nhiên một bé gái lẫm chẫm bước ra vòng tay chào. Bé con má phính tròn, khuôn mặt ngây thơ xinh như búp bê.
Tôi ôm bé đặt lên lòng. Từ lúc ấy, bé nghiễm nhiên coi vị trí ấy là của riêng bé. Nó thiếu hơi mẹ.
Tội nghiệp, con còn bé quá. Ở cái tuổi này, con cần được hàng ngày rúc trong bầu vú mẹ để tin cậy lớn lên.
Được các chị và "bà ngoại" (bé gọi Dì quản lý như vậy) thay nhau chăm sóc, nhưng không ai có thể thay thế một người mẹ thực sự cho con được cả.
Bé Ngọc Lan (xem lại kỳ 2) sau khi được chạy chữa đã thuyên giảm những cơn bùng phát nhưng chứng bệnh tâm thần vẫn không lành.
Bé được chuyển đến một mái ấm khác, sống với những người lớn hơn để được chăm sóc và không gây ảnh hưởng đến các em ở Nhà.
Một ngôi nhà của nạn nhân ở Hà Nội.
Hàng năm, Dì quản lý đều đến thăm bé vài lần. Lần gần đây nhất, bé phổng phao, lớn hơn nhiều nhưng Dì vẫn rất lo vì bé không thể tự lập.
Tiểu Bạch là trường hợp đặc biệt nhất. Sau khi bé ở Nhà được một năm, đến Tết gia đình lên đón về, hứa qua tết đưa lên lại. Một tháng sau không thấy bé đâu, Dì sốt ruột đi thăm thì bắt gặp bé trong tình trạng tồi tệ.
Lại thuyết phục, lại đưa lên Nhà, lần này có cả em gái của Tiểu Bạch cũng mới vừa năm sáu tuổi. Nhưng hai chị em ở mới được ba tháng lại bị gia đình nằng nặc bắt về.
Cách đây một tháng, Dì quản lý đi thăm hai chị em Tiểu Bạch. Hỡi ơi, bé em bây giờ lặp lại tình trạng y như chị.
Tám, chín giờ đêm, một bé gái năm tuổi tay ôm con gấu đi một mình tận vài cây số ra bến cảng, nơi bà nội đang làm thuê ở đó. Vẫn không được chăm sóc, không được làm vệ sinh cá nhân đầy đủ, huống gì cho đi học.
Nhưng Nhà chỉ là một cơ sở chăm sóc trẻ em của một tổ chức tư nhân, hoạt động trên cơ sở thiện nguyện.
Không thể ép buộc gia đình đứa trẻ giao con để được nuôi dưỡng, dù đứa trẻ ấy sẽ được nuôi nấng, cho đi học... hoàn toàn miễn phí.
"Buồn lắm cô ơi. Mình đã cố gắng buộc gia đình làm giấy cam kết với địa phương là về nhà sẽ cho hai bé đi học, thế nhưng họ có làm đâu.
Họ cũng gửi hai đứa cho một bà giữ trẻ ở trong xóm tháng vài trăm ngàn đó, nhưng bà ấy không cho hai đứa nó vào nhà, bắt ngồi ngoài gốc cây ấy chò hõ cả ngày. Vì hai đứa nó bẩn thỉu quá đi" - Dì quản lý kể.
Hai chị em Tiểu Bạch rồi sẽ ra sao?
Hay rồi chúng cũng như Ái Thư, một em gái đã "mất tích", một trường hợp khó khăn không thể gỡ nổi của Nhà. Ái Thư bị cha ruột xâm hại lúc 13 tuổi.
Em cũng không dám kể cho ai. Ba năm sau, bà chủ tiệm uốn tóc, nơi em đi làm thấy cô bé luôn luôn ủ rũ, nhiều buổi sáng đi làm trong trạng thái rất mệt mỏi thì hỏi thăm nên mới phát hiện.
Nhưng hành trình đưa con về với cuộc sống bình thường mới gập ghềnh làm sao!
Các bé và các tình nguyện viên trong một trò chơi.
"Con chỉ muốn đi học thôi, cô ơi!"
Bạn hãy đọc tâm sự của bà Nguyễn Yên Thảo, giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý Nhịp cầu hạnh phúc:
"Con đã đến nhà hơn 1 tháng, hỏi nguyện vọng là gì, con nói tha thiết muốn đi học lại.
Con 16 tuổi rồi, mới học có lớp 2 thôi. Cha mẹ con không thể gặp vì nếu gặp họ thì con lại gặp nguy hiểm, cha sẽ lại xâm hại, mẹ lại không thể bảo vệ con, nguy cơ lại bị xâm hại và bán đi rất cao.
Con lại không có bất kỳ mảnh giấy tuỳ thân nào. Vậy phải làm gì giúp con? Thứ con cần bây giờ duy nhất là tờ giấy khai sinh để con đi học lại.
Thế mà năm lần bảy lượt đi đến địa phương nơi con sinh ra vẫn không lấy được bản sao giấy khai sinh ấy.
Bác sĩ tình nguyện đến khám răng cho các con.
Theo đúng nguyên tắc là có người thân của con mới cho nhận giấy khai sinh. Nhưng người thân con là ai, ở đâu con cũng không nhớ, thế là từ ủy ban lại qua công an để tìm địa chỉ người thân con.
Sau khi hỏi đủ chuyện và nhớ ra con là trường hợp trước đây thì mới cho được cái địa chỉ của cậu con, người mà con cho là con tin tưởng nhất.
Những tưởng tìm được tới nhà thì cậu con giúp con đi lấy giấy tờ.
Nhưng mọi chuyện không dễ như vậy, vì khi đưa con đến nhà dù mới giữa trưa nhưng cậu con đã say khướt và nhất định không nghe bất cứ lời trình bày nào, thậm chí còn thoá mạ và nhất định giữ con lại vì sợ con bị mang đi bán!
Không còn cách nào đành chờ cậu con tỉnh rượu, nhờ các chị em con ruột cậu động viên cho con có tờ giấy khai sinh cho con đi học lại.
Khi nào ông ta tỉnh rượu? Khi nào con được đến trường? Khi nào bi kịch cuộc đời con kết thúc? Khi nào con có tương lai? Khi nào...?”
Gia đình Ái Thư dứt khoát không cho Nhà giấy tờ để khai cho em đi học lại. Rồi họ mang bé về. Từ đó đến nay đã hơn một năm, dù cố gắng nhưng Nhà không thể liên lạc được với bé nữa.
Sáng nay, trong khi vô số đứa trẻ làm nũng với mẹ để được nghỉ một buổi học thì ở đâu đó trong góc vườn miền Tây, có một đứa trẻ khác có thể vĩnh viễn không thực hiện được ước mơ đi học...
Vẫn có những tin vui
Tuy nhiên, tin vui nhiều hơn tin buồn.
Một thông điệp: Chấm dứt lạm dụng tình dục trẻ em.
Có những em khi trưởng thành đã rời Nhà và tìm được công việc phù hợp để tự kiếm sống.
Có em vào đại học. Học giỏi.
Có những em đã đi du học.
Có em đi học nghề, tốt nghiệp xong, đã có việc làm ở Sài Gòn nhưng vẫn ở lại nhà để cùng lo cho các em.
Có em rời Nhà, làm công nhân, vừa rồi khoe đã có người yêu và tháng 11 này sẽ làm đám cưới.
Có em vừa đưa người yêu về khoe với Dì quản lý và các em.
...
Và, vẫn liên tục có thêm những bé gái nạn nhân mới được phát hiện.
Vì những con yêu tinh mất nhân tính bây giờ đâu cần phải có bộ râu xanh. Ẩn náu trong những vai trò rất tin cậy, chúng vẫn đang hòa lẫn với vô vàn khuôn mặt ngoài kia...
Với kẻ xâm hại - phạt tù là chưa đủ!
Ham muốn tình dục với trẻ em đã được các nhà khoa học nghiên cứu và xác nhận nó là một khuynh hướng tình dục thiểu số (giống như khuynh hướng ham thích tình dục đồng giới, loạn luân, hay với thú vật, với đồ vật, với tử thi, hoặc tình dục tập thể...).
Nó có căn nguyên từ yếu tố tâm lý sâu trong con người. Do vậy với nếu chỉ phạt tù những kẻ phạm tội xâm hại tình dục trẻ em thì vẫn chưa đủ hiệu lực răn đe.
Thực tế đã có những trường hợp thủ phạm xâm hại chính người thân của mình, bị bắt đi tù, được thả ra lại tiếp tục xâm hại.
Luật sư chia sẻ về thực trạng và những biện pháp răn đe đối với kẻ xâm hại
LTS: Xâm hại tình dục trẻ em đang là "bóng ma" gieo rắc nỗi sợ hãi lên nhiều mái ấm khi mà mỗi ngày lại có thêm những con "ác quỷ" lạm dụng, quấy rối trẻ em bị phanh phui, bị đưa ra xét xử. Thế nhưng...
Không ai trong chúng ta trả lời được câu hỏi: Thủ phạm lạm dụng trẻ em phải chịu hình phạt thế nào mới là xứng đáng?
Không ai trong chúng ta có thể cảm nhận được hết những tổn thương mà các em phải chịu đựng.
Không sự trả giá nào là đủ để bù đắp những gì mà các em phải trải qua.
Chính vì vậy, điều cần thiết là các bậc cha mẹ phải luôn để ý và nhạy cảm với những thay đổi hành vi, cảm xúc hàng ngày ở con mình. Hãy nhớ rằng: Không một ai quan tâm đến sự an toàn của con bạn bằng chính bạn! Đừng im lặng - Hãy chia sẻ bài viết này tới những người bạn mà quan tâm, hãy nói lên quan điểm của bạn bằng cách bình luận ngay dưới bài viết hoặc gửi thư về địa chỉ: xahoi@afamily.vn.