Những đứa trẻ bị xâm hại (kỳ 5): Khi gia đình không là nơi trú ẩn

Theo Hoàng Xuân, Ảnh: Phạm An |

Một ngày, trước khi đi học thêm nhà cô chủ nhiệm, bé cứ dặn đi dặn lại mẹ mặc thêm thật nhiều quần cho mình. Thời tiết Sài Gòn rất nóng ẩm, mặc nhiều quần làm gì, mà bé cũng không có tật đái dầm. Mẹ ngạc nhiên hỏi thì bé nói: Cái ông đó (chồng của cô giáo) kỳ lắm, cứ cởi quần con ra hoài, mặc nhiều quần để ổng cởi không được!

Những đứa trẻ bị xâm hại (kỳ 5): Khi gia đình không là nơi trú ẩn - Ảnh 1.

Ở Việt Nam, theo thống kê của các cơ quan chức năng, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 1.200 trẻ em bị xâm hại tình dục trên tổng số hơn 2.000 vụ xâm hại trẻ em hàng năm.

Đặc biệt, số vụ xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng tăng, diễn biến phức tạp và tính chất ngày càng nghiêm trọng.

Theo báo cáo của VKSND tối cao, tính từ năm 2010 đến 2014 đã khởi tố hơn 7.500 vụ và hơn 8.000 bị can phạm phải các tội xâm hại tình dục trẻ em.

Ấy vậy mà con số trên vẫn chỉ là phần lộ diện khá ít ỏi. Phần chưa bị phát hiện, hoặc sẽ mãi mãi không bị phát hiện còn ghê gớm và nhiều hơn nhiều lần.

Hơn một tháng sau mới đưa con đi giám định

Một phần vì điều tra khá khó khăn.

Lý do thứ nhất là do lời khai của trẻ thường thiếu thống nhất.

Luật sư Đinh Quỳnh Như (Công ty An Luật, TP.HCM), từng tham gia xử lý khá nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em cho biết, không ít vụ cả công an và luật sư đều có niềm tin nội tâm là có thật, nhưng tìm chứng cứ lại gần như không thể được.

Bé khai không khớp, lúc thì bị xâm hại ba lần, lúc thì năm lần, lúc thì ở đây, lúc thì ở kia...

Điều đó cũng dễ hiểu vì bé mới học lớp một lớp hai, còn nhỏ quá, thậm chí số đếm còn chưa thuộc hết, không ý thức được đó là hành vi xấu nên không để tâm ghi nhớ.

Nhưng cư xử bất thường của trẻ, những điều cơ bản trẻ kể lại rất khớp với các diễn biến thực tế khác.

Những đứa trẻ bị xâm hại (kỳ 5): Khi gia đình không là nơi trú ẩn - Ảnh 2.

Một góc vườn trong Nhà. Trong Nhà có chó, cá cảnh, chim bồ câu, gà sao và khá nhiều hoa lá. Môi trường này giúp các con sống yên vui và học được tình yêu thương.

Ví dụ, có bé thường ngày rất sạch sẽ nhưng một hôm bé tắm rất lâu. Lâu đến nỗi mẹ lo lắng đẩy cửa vào thì thấy con đang đứng dưới vòi sen cứ xoa xà phòng lên người.

Bé xoa gần hết cả một chai sữa tắm, người lạnh cóng mà vẫn cứ đứng xoa mãi...

Hoặc, có bé buổi chiều đi học thêm bán trú ở nhà cô giáo chủ nhiệm. Đột nhiên một ngày, trước khi đi học bé cứ dặn đi dặn lại mẹ mặc thêm thật nhiều quần cho mình.

Thời tiết Sài Gòn rất nóng ẩm, mặc nhiều quần làm gì, mà bé cũng không có tật đái dầm. Mẹ ngạc nhiên hỏi thì bé nói: Cái ông đó (chồng của cô giáo) kỳ lắm, cứ cởi quần con ra hoài, mặc nhiều quần để ổng cởi không được!

Người mẹ tá hỏa, quyết tìm chứng cứ để tố cáo. Nhưng chị sợ khám ở Sài Gòn lỡ gặp mặt người quen bị đồn thổi khổ đời con mình. Bèn dắt con về quê, tìm bác sĩ quen nhờ khám cho kín đáo. Kết quả: Bé đã bị rách màng trinh.

Cùng luật sư ngồi so lịch trình và lời kể của bé, cả hai thống nhất con chị đã bị chồng của cô giáo xâm hại.

Nhưng khổ thay! Chị nghèo quá, để dành mãi mới đủ tiền đưa con về quê khám thì đã hơn một tháng trôi qua. Chứng cứ đã mất hết làm sao tố cáo?

Những đứa trẻ bị xâm hại (kỳ 5): Khi gia đình không là nơi trú ẩn - Ảnh 3.

Phòng học chung. Các con phải vào phòng này để học bài vào các giờ bắt buộc trong ngày.

Những đứa trẻ bị xâm hại (kỳ 5): Khi gia đình không là nơi trú ẩn - Ảnh 4.

Bé nào thích và có hoa tay thì thêu tranh để bán gây quỹ cho Nhà. Tranh sẽ được bán cho các ân nhân.

Vậy nên các chuyên gia tâm lý cho đến các điều tra viên, luật sư, thẩm phán... đều khuyên nếu nghi vấn hoặc phát hiện thấy bé có hành xử bất thường hãy ngay lập tức báo công an nơi gần nhất.

Các cuộc giám định y khoa được tiến hành kịp thời sẽ là một trong những bằng chứng quan trọng để tống cổ con yêu râu xanh vào tù và ngăn chặn chúng hại đời những trẻ khác.

Quan trọng hơn nữa, hãy phòng ngừa trước khi chuyện tồi tệ xảy ra. Cha mẹ và người thân cần luôn trò chuyện và quan tâm con hàng ngày để nhanh chóng phát hiện những hành xử bất thường của bé.

Cần khuyến khích và lắng nghe con để chúng có thể tin cậy kể cho cha mẹ ngay khi có sự việc bất thường.

Có bé mới năm tuổi đã thường xuyên bị đến mấy người hàng xóm xâm hại. Do ở chung trong xóm trọ, những kẻ kia biết được thói quen giờ giấc của cha mẹ bé.

Cứ canh họ dắt xe đi thì bên này mấy kẻ hàng xóm kéo qua hành hạ bé. Sự việc kéo dài đến nỗi cả xóm biết, chỉ mỗi cha mẹ bé không biết.

Những đứa trẻ bị xâm hại (kỳ 5): Khi gia đình không là nơi trú ẩn - Ảnh 5.

"Con chưa có đi học đàn ở đâu hết. Con thích đàn, con tự học đó cô!". Trong Nhà có "họa sĩ", "đàn sĩ" và cả "múa sĩ", tự biên đạo bài múa để dạy các bạn học và trình diễn trong các dịp đặc biệt.

Đánh mắng, cấm con không được kể với ai

Phương Thảo, một nhân viên của Trung tâm tư vấn tâm lý Nhịp cầu hạnh phúc (TP.HCM) kể có những lần tư vấn mà ức không chịu được. Gia đình bé sống trong vùng xa.

Cha mẹ đi làm thuê suốt, bé lang thang ra đường chơi và bị hàng xóm 50 tuổi xâm hại. Nhưng về kể với mẹ thì bị mắng chửi tàn nhẫn, thậm chí bé còn bị mẹ tát vào mặt và cấm nói với ai.

Ngay cả khi đối diện với chuyên viên tư vấn tâm lý, người mẹ vẫn mắng chửi con, không lúc nào chịu dừng lại để nghe đứa bé nói.

"Thậm chí có những bé bị mẹ chửi mắng đến độ trầm cảm, trơ lì" - luật sư Trần Thị Thu Hà, Chánh văn phòng của Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (cơ quan phía Nam) cho biết.

Những cuộc xâm hại trẻ thường diễn ra dưới hai dạng. Thứ nhất là bị dọa dẫm kèm bạo hành. Ngược lại, khó phát hiện và nguy hiểm hơn là bé bị dụ dỗ, cho quà, cho tiền, chở đi chơi, hứa sẽ làm cho bé vui thích...

Trong trường hợp đầu, trẻ vô cùng sợ hãi. Trẻ sẽ tìm cách nói với cha mẹ hoặc người nào tin cậy nhất. Nhưng nếu không bộc lộ được mà ngược lại còn bị chính mẹ mắng chửi, bé sẽ thu mình.

Bé nghi ngờ bản thân, nghĩ là mình đã có lỗi gì đó. Nhưng chính bé cũng không thể giải thích được là lỗi gì.

Cứ loay hoay tự giày vò, cả tinh thần và thể chất bé sẽ bị sa sút trầm trọng. Thậm chí có bé đã tìm cách tự tử để giải thoát.

Cần một cộng đồng yêu thương và hiểu biết

Không ít trường hợp bà mẹ cũng quan tâm đến con, nhưng lại không biết cách.

Có bà mẹ đưa con đến Văn phòng luật sư để nhờ tư vấn và tố cáo nhưng sự thiếu hiểu biết của chị lại có thể gây hại cho con mình nhiều hơn.

Ai đời trước cả hơn chục người lớn, chị cứ oang oang kể con tôi nó bị thằng cha đó làm thế này thế kia... Người tư vấn phải khéo léo mời chị vào phòng riêng và tách ngay bé ra khỏi mẹ.

Việc nhắc lại những trải nghiệm gây sợ hãi hoặc xấu hổ sẽ tác động rất xấu đến tâm lý trẻ.

Những đứa trẻ bị xâm hại (kỳ 5): Khi gia đình không là nơi trú ẩn - Ảnh 6.

Các con trong Nhà cũng được dạy vài thế võ để tự vệ.

Nếu cha mẹ không mạnh mẽ và hiểu biết để làm chỗ dựa cho bé thì với quan niệm xã hội còn lạc hậu ở nhiều người Việt, chính những người hàng xóm sẽ tiếp tục là nguồn gây chấn thương cho bé.

Không ít người đầy kỳ thị, tò mò, thương hại... với bé. Thậm chí có người còn thô bạo đến mức gọi riêng bé vào nhà hỏi, chỉ để thỏa mãn sự tò mò.

Tuy họ không ý thức được, nhưng đó cũng chính là sự độc ác.

Có những bé phải nghỉ học vì cứ đến trường là bạn bè xì xào, thậm chí trêu chọc.

Dì trưởng Nhà (xin xem từ kỳ 1) kể có lần đi cứu một bé mà đến bản thân dì còn thấy ngượng ngùng. Là bởi hàng xóm tò mò quá, cứ nhìn theo không ngớt.

"Cha thì cúi gằm mặt, mẹ thì ánh mắt thẫn thờ. Bé không thể phát triển bình thường giữa môi trường như thế" - Dì xót xa.

Tồi tệ hơn, có bé ở một tỉnh miền Tây, sau khi gã trai làng xâm hại bé bị đi tù thì gia đình bị trả thù liên miên.

Nhà bé thường xuyên bị ném đá, đi vắng vài giờ về, những con cá nuôi trong hồ chết sạch. Gia đình luôn trong tình trạng đề phòng và lúc nào cũng mở lối thoát hiểm vì sợ bị đốt nhà. Còn bé phải nghỉ học vì bị chặn đường đánh đập và hăm dọa.

Việc có mặt và ra tay của lực lượng công an trong trường hợp này là tối cần thiết.

Nhưng bên cạnh đó, hết sức cần một cộng đồng hiểu biết và có tình thương thật sự với nạn nhân, bảo vệ và che chắn những đứa trẻ con của gia đình khác cũng giống như với con của chính mình.

Như thế, chắc chắn những kẻ hung đồ cũng biết sợ mà chùn tay.

LTS: Xâm hại tình dục trẻ em đang là "bóng ma" gieo rắc nỗi sợ hãi lên nhiều mái ấm khi mà mỗi ngày lại có thêm những con "ác quỷ" lạm dụng, quấy rối trẻ em bị phanh phui, bị đưa ra xét xử. Thế nhưng...

Không ai trong chúng ta trả lời được câu hỏi: Thủ phạm lạm dụng trẻ em phải chịu hình phạt thế nào mới là xứng đáng.

Không ai trong chúng ta có thể cảm nhận được hết những tổn thương mà các em phải chịu đựng.

Không sự trả giá nào là đủ để bù đắp những gì mà các em phải trải qua.

Chính vì vậy, điều cần thiết là các bậc cha mẹ phải luôn để ý và nhạy cảm với những thay đổi hành vi, cảm xúc hàng ngày ở con mình. Hãy nhớ rằng: Không một ai quan tâm đến sự an toàn của con bạn bằng chính bạn! Đừng im lặng - Hãy chia sẻ bài viết này tới những người bạn mà quan tâm, hãy nói lên quan điểm của bạn bằng cách bình luận ngay dưới bài viết hoặc gửi thư về địa chỉ: xahoi@afamily.vn.

(còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại