Những đứa trẻ tại đây đang phải trải qua tuổi thơ trong điều kiện vô cùng khốn khó, không có trường học, không có nơi để vui chơi giải trí và dường như không có cả sự quan tâm của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết tình trạng hiện nay của chúng.
Chỉ có một nguồn duy nhất đã và đang “nhào nặn” nhân cách những đứa trẻ trong trại, đó là những người từng ủng hộ IS đang sống cùng chúng. Chính quyền người Kurd và những nhóm hoạt động nhân đạo biết rõ về nguy cơ này, họ lo ngại chính khu trại sẽ là cái nôi để tạo ra một thế hệ chiến binh mới . Họ khẩn cầu các nước là quê hương của những người phụ nữ và trẻ em đang tập trung trong trại đưa những người này trở về. Đau đớn thay, chính quyền các nước thường coi những đứa trẻ này là mối nguy hiểm hơn là những số phận đáng thương cần bàn tay cứu giúp.
“Những đứa trẻ này là nạn nhân đầu tiên của IS”, Sonia Khush, Giám đốc ứng phó của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Syria cho biết. “Một cậu bé mới chỉ 4 tuổi không thật sự có ý thức hệ. Nó có nhu cầu được bảo vệ và học hỏi mà thôi”.
Khush nói thêm: “Các khu trại không phải là nơi để trẻ em sinh sống và trưởng thành. Ở đây các em không có điều kiện học hành, giao tiếp xã hội... Môi trường sống ở đây không tạo điều kiện thuận lợi để các em có thể chữa lành tất cả những vết thương đã phải trải qua”.
Khu trại có hàng rào bảo vệ, ở bên trong, nhiều gia đình thường phải chen chúc nhau trong những lều bạt tạm bợ, cơ sở vật chất y tế, vệ sinh còn thiếu thốn, khả năng tiếp cận nguồn nước sạch cũng bị hạn chế.
Theo ước tính, có khoảng 50.000 người Syria và Iraq đang sinh sống trong khu trại chính, trong số đó có khoảng gần 20.000 trẻ em. Trong một khu riêng biệt, được biết đến là khu phụ và được bảo vệ nghiêm ngặt nhất trong khu trại có 2.000 phụ nữ khác đến từ 57 quốc gia, họ được cho là những người ủng hộ IS kiên định nhất, những người này sống cùng với con cái của họ, khoảng 8.000 người.
Các phóng viên AP đã có dịp tận mắt chứng kiến ảnh hưởng của IS trong khu trại này. Khoảng một chục thanh thiếu niên trong khu phụ đã ném đá về phía đoàn phóng viên, một số khác giơ những mảnh kim loại sắc nhọn đe dọa.
“Chúng tôi sẽ giết các người vì các người là những kẻ vô đạo”, một đứa trẻ hét lên. “Chúng tôi là Nhà nước Hồi giáo”.
Khi đoàn phóng viên di chuyển gần khu chợ bên trong tòa nhà phụ, một người phụ nữ hô lớn: “Nhà nước Hồi giáo trường tồn” – khẩu hiệu của IS.
Tương lai của trẻ em trong trại al-Hol là... không có tương lai
Trong suốt gần 5 năm thống trị phần lớn lãnh thổ Syria và Iraq, IS đã xây dựng ảnh hưởng của mình bằng cách truyền dạy cho trẻ em thông qua cách giải thích tàn bạo về luật Hồi giáo . Chúng đào tạo trẻ em thành chiến binh, dạy trẻ em cách hành quyết con tin thông qua các video tuyên truyền.
Một phụ nữ nói tiếng Nga sống trong khu nhà phụ, tự nhận mình là Madina Bakaraw, cho biết bà cảm thấy vô cùng lo lắng cho tương lai của những đứa trẻ, bao gồm cả con trai và con gái của mình.
“Chúng tôi muốn con mình được học hành. Con cái của chúng tôi nên biết đọc, biết viết, biết đếm. Chúng tôi muốn về nhà và cho con cái của mình có được tuổi thơ”, ngượi phụ nữ này chia sẻ.
Những người phụ nữ sống trong khu nhà phụ không phải ai cũng có tư tưởng như Bakaraw, có những người là nạn nhân, họ vướng vào rắc rối do bị chồng hoặc gia đình làm liên lụy nhưng cũng có những người “thề sống thề chết” cống hiến cho IS.
Trại al-Hol bắt đầu được sử dụng làm nơi ở cho gia đình của các chiến binh IS vào cuối năm 2018, khi lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn chiếm lại được lãnh thổ ở miền Đông Syria từ tay lực lượng phiến quân. Tháng 3/2019, họ giành quyền kiểm soát những ngôi làng cuối cùng bị IS chiếm giữ. Kể từ đó, các nhà quản lý người Kurd đã gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc hồi hương cho những người sống trong trại bởi họ không nhận được sự chào đón trở về quê hương nơi mà họ đã rời bỏ.
Đầu năm nay, hàng trăm gia đình Syria đã rời trại sau khi đạt được thỏa thuận với các bộ lạc của họ để chấp nhận cho những người này trở về. Tháng trước, 100 gia đình Iraq đã được hồi hương nhưng việc này vẫn vấp phải sự phản đối gay gắt của các nước láng giềng.
Một số quốc gia thuộc Liên Xô cũ đã cho hồi hương số ít công dân của họ, nhưng các quốc gia Arab, châu Âu và châu Phi khác chỉ cho hồi hương với số lượng tối thiểu hoặc đã từ chối.
Ted Chaiban, Giám đốc phụ trách khu vực Bắc Phi và Trung Đông của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF nói với AP: “Đó không phải lỗi của những đứa trẻ, chúng không có quyền lựa chọn cha mẹ và không nên để chúng phải gánh chịu hậu quả”.
Shixmus Ehmed, người đứng đầu cơ quan người tị nạn của chính quyền người Kurd cho rằng nếu các nước liên quan không nhận hồi hương những công dân của họ thì ít nhất cũng nên trợ giúp thiết lập các cơ sở để cải thiện cuộc sống của trẻ em trong trại.
“Chúng tôi đã đề nghị mở trường học, xây dựng các chương trình phục hồi chức năng, các khóa học thể thao... Nhưng cho đến nay vẫn không hề có bất kỳ thứ gì được triển khai”, Ehmed nói.
Trong khu vực chính của trại, UNICEF và chính quyền người Kurd đã thiết lập 25 trung tâm học tập, nhưng các trung tâm này đã bị đóng cửa kể từ tháng 3/2020 vì Covid-19. Ở khu phụ, chính quyền sở tại vẫn chưa thể thiết lập các trung tâm giáo dục. Thay vào đó, trẻ em phần lớn được mẹ của chúng dạy dỗ, chủ yếu theo hệ tư tưởng của IS.
Amal Mohammed, một phụ nữ Iraq 40 tuổi, sống trong trại, cho biết mong muốn của cô là trở về Iraq để các con gái của cô có thể sống một cuộc sống bình thường.
"Tương lai của những đứa trẻ này là gì?", Mohammed nói. "Chúng sẽ không có tương lai... Ở đây, chúng không học được gì cả"./.