Ngày 26/4/2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có cuộc điện đàm đầu tiên kể từ khi xảy ra xung đột giữa Ukraine và Nga năm ngoái. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Bắc Kinh thường tránh liên quan đến các cuộc xung đột trên thế giới nhưng họ dường như đang tìm cách khẳng định mình là một cường quốc ngoại giao toàn cầu sau khi dàn xếp các cuộc đàm phán giữa Saudi Arabia và Iran vào tháng 3 giúp hai nước khôi phục quan hệ ngoại giao sau 7 năm gián đoạn.
Theo một tuyên bố từ Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc điện đàm hôm 26/4 rằng, một phái viên Trung Quốc là cựu đại sứ Trung Quốc tại Nga, sẽ đến thăm Ukraine và “các quốc gia khác” để thảo luận về một giải pháp chính trị khả thi.
Tuyên bố không đề cập đến Nga hay chiến dịch quân sự của nước này, cũng không cho biết liệu phái viên Trung Quốc có đến thăm Moskva hay không.
Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình - Zelensky đã được dự đoán từ lâu sau khi Bắc Kinh cho biết họ muốn đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc xung đột.
Vì sao vai trò của Trung Quốc quan trọng?
Trung Quốc là nước lớn duy nhất có quan hệ thân thiện với Nga cũng như là đòn bẩy kinh tế với tư cách là người mua dầu khí lớn nhất của Nga (sau khi Mỹ và các đồng minh châu Âu áp đặt lệnh trừng phạt Nga về dầu khí).
Coi Moskva là một đối tác ngoại giao trong nỗ lực phản đối sự thống trị của Mỹ đối với các vấn đề toàn cầu, Bắc Kinh lâu nay vẫn từ chối chỉ trích hành động quân sự của Nga ở Ukraine.
Về phía Ukraine, Tổng thống Zelensky cho biết ông hoan nghênh đề nghị hòa giải của Trung Quốc.
Khói bốc lên từ những tòa nhà bị phá hủy ở Bakhmut, miền Đông Ukraine vào ngày 26/4/2023. Ảnh: AP
Động lực của Trung Quốc
Chính phủ Trung Quốc đã theo đuổi một vai trò lớn hơn trong ngoại giao toàn cầu như một phần của chiến dịch khôi phục ảnh hưởng ngoại giao của Trung Quốc, đồng thời xây dựng một trật tự quốc tế có lợi cho Bắc Kinh.
Đó là một sự đảo ngược mạnh mẽ lập trường sau nhiều thập kỷ Bắc Kinh tránh can dự vào các cuộc xung đột của các quốc gia khác cũng như hầu hết các vấn đề quốc tế, trong khi tập trung vào phát triển kinh tế trong nước.
Hồi tháng 3, sau các cuộc đàm phán ở Bắc Kinh, Saudi Arabia và Iran đã đưa ra một thông báo bất ngờ rằng họ sẽ mở lại các đại sứ quán ở thủ đô của nhau sau 7 năm gián đoạn. Trung Quốc có quan hệ tốt với cả hai nước này với tư cách là một khách hàng dầu lớn.
Và mới tuần trước, Ngoại trưởng Tần Cương nói với hai người đồng cấp Israel và Palestine rằng nước ông sẵn sàng hỗ trợ tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán hòa bình.
Tuyên bố của Bắc Kinh hôm 26/4 cảnh báo về sự nguy hiểm của chiến tranh hạt nhân, cho thấy Trung Quốc cũng có thể đã bị thúc đẩy bởi những gì họ coi là nguy cơ ngày càng tăng của một cuộc xung đột hủy diệt hơn.
Việc đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Ukraine và Nga sẽ làm tăng sự hiện diện của Trung Quốc ở Đông Âu, nơi Bắc Kinh đã cố gắng xây dựng quan hệ với các chính phủ khác. Điều này đã khiến một số quan chức châu Âu phàn nàn rằng Trung Quốc đang cố gắng giành được đòn bẩy đối với Liên minh châu Âu (EU).
Tuy vậy, Giáo sư khoa học chính trị Kimberly Marten của trường Barnard thuộc Đại học Columbia ở New York nghi ngờ Trung Quốc sẽ thành công trong vai trò kiến tạo hòa bình. Bà nói: “Tôi rất khó tin rằng Trung Quốc có thể đóng vai trò là người kiến tạo hòa bình", đồng thời cho rằng Bắc Kinh đã “quá thân thiết với Nga”.
Về phần mình, sau cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Tập Cận Bình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng có "cơ hội sử dụng sức mạnh chính trị của Trung Quốc để củng cố các nguyên tắc và quy tắc mà hòa bình nên được xây dựng dựa trên đó."
Ông Zelensky nhấn mạnh Ukraine và Trung Quốc "quan tâm như nhau đến sức mạnh chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, cũng như tuân thủ các quy tắc an ninh quan trọng, đặc biệt là về việc không chấp nhận các mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân".
Mối quan hệ Trung - Nga
Trung Quốc là đồng minh lớn gần gũi nhất với chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin. Hai nhà lãnh đạo của hai nước đã đưa ra một tuyên bố chung trước khi Moskva đưa quân vào Ukraine, trong đó nói rằng chính phủ của họ duy trì một mối quan hệ "không giới hạn".
Bắc Kinh đã cố gắng tỏ ra trung lập nhưng vẫn nhắc lại những lời biện minh cho Nga về chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Ông Tập Cận Bình đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ ông Putin trong chuyến thăm Moskva hồi tháng 3. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc thì vừa thăm Nga trong tháng này.
Trung Quốc đã tăng cường mua dầu và khí đốt của Nga để phục vụ nền kinh tế đang thiếu năng lượng của mình, giúp Nga bù đắp doanh thu bị mất do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Đổi lại, Trung Quốc được ưu đãi giá thấp hơn.
Giáo sư Marten đánh giá rằng cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa Trung Quốc và Ukraine “cho thấy Trung Quốc đang rời xa Nga ít nhất một bước”.
Mối quan hệ Trung Quốc - Ukraine
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine trước khi xung đột nổ ra, dù ở quy mô nhỏ hơn với Nga.
Phó Vụ trưởng Vụ Á-Âu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc Yu Jun phát biểu trong cuộc họp báo ngày 26/4 sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: AP
Năm 2021, Ukraine đã công bố kế hoạch cho các công ty Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng liên quan đến thương mại.
Chính phủ của Tổng thống Zelensky dường như tỏ thái độ nước đôi với Bắc Kinh sau khi Trung Quốc không tỏ lập trường phản đối hành động quân sự của Nga, nhưng hai bên vẫn thân thiện.
“Trước cuộc xung đột, Trung Quốc là đối tác thương mại số một của Ukraine. Tôi tin rằng cuộc trò chuyện của chúng tôi ngày hôm nay sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho việc khôi phục, bảo tồn và phát triển động lực này ở tất cả các cấp", một thông báo chính thức của Ukraine về cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo cho biết.
Ngoại trưởng Tần Cương cũng đã cam kết trong tháng 4 này rằng Trung Quốc sẽ không cung cấp vũ khí cho bất kỳ bên nào, một cam kết có lợi cho Ukraine, quốc gia đã nhận được xe tăng, tên lửa và hàng loạt vũ khí khác từ Mỹ và các chính phủ châu Âu.
Tuy nhiên, Đại sứ Trung Quốc tại Pháp mới đây đã gây náo động ở châu Âu khi ông ám chỉ rằng các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ — một nhóm bao gồm Ukraine — có thể không phải là các quốc gia có chủ quyền.
Bắc Kinh sau đó trấn an các quốc gia thuộc Liên Xô cũ rằng họ tôn trọng chủ quyền của các nước này và cho biết các bình luận của vị đại sứ là quan điểm cá nhân, không phải quan điểm chính thức.