Những điều luật mà các quốc gia phải tuân thủ khi thám hiểm không gian vũ trụ

Aozora |

Trong kỉ nguyên sôi sục những cuộc chạy đua chinh phục không gian, vẫn tồn tại những quy tắc bất khả xâm phạm mà nhân loại không được phép lãng quên, để vũ trụ sâu thẳm mãi là “chốn bình yên” cho những tâm hồn yêu khoa học chân chính.

Những điều luật mà các quốc gia phải tuân thủ khi thám hiểm không gian vũ trụ - Ảnh 1.

Câu chuyện trong The Martian đã minh họa một vài luật lệ quốc tế trong không gian

Kể từ khi người Nga đưa vệ tinh nhân tạo đầu tiên lên quỹ đạo vào năm 1957, cộng đồng quốc tế đã rộ lên mối quan tâm về một khuôn khổ pháp lí nhằm kiểm soát những hành động thám hiểm vũ trụ.

Và vấn đề đã lên đến đỉnh điểm vào thời kì Chiến tranh Lạnh, khi cả thế giới đều lo ngại việc Mĩ và Nga có thể sẽ "chiếm đóng" không gian và thiết lập các căn cứ vũ khí hạt nhân ở đó, dẫn đến sự ra đời của Hiệp ước Không gian Vũ trụ (Outer Space Treaty) của Liên Hợp Quốc vào năm 1967.

Hiệp ước này là cơ sở khơi nguồn cho các luật lệ, hiệp định và thỏa thuận quốc tế khác. Sau đây là những điều khoản chính có tầm quan trọng sống còn đối với tham vọng chinh phục vũ trụ của con người.

1. Không gian vũ trụ là lãnh thổ chung và tất cả mọi người đều được phép thám hiểm khám phá nó.

Những điều luật mà các quốc gia phải tuân thủ khi thám hiểm không gian vũ trụ - Ảnh 2.

Vũ trụ luôn là của chung

Hiệp ước Không gian Vũ trụ đã ghi rõ: "Không gian vũ trụ sẽ được thám hiểm và sử dụng một cách tự do bởi tất cả các quốc gia."

2. Song bất kì ai thám hiểm không gian đều phải làm việc đó trong hòa bình.

Những điều luật mà các quốc gia phải tuân thủ khi thám hiểm không gian vũ trụ - Ảnh 3.

Không gian vũ trụ sẽ chỉ được nghiên cứu vì hòa bình

Hiệp ước quy định: "Mặt trăng và các thiên thể khác sẽ được sử dụng hoàn toàn chỉ cho mục đích hòa bình."

3. Điều đó nghĩa là sẽ không có các căn cứ quân sự trong không gian.

Những điều luật mà các quốc gia phải tuân thủ khi thám hiểm không gian vũ trụ - Ảnh 4.

Không ai được phép sử dụng không gian vào mục đích quân sự

Không một quốc gia nào được phép đưa vũ khí hạt nhân vào quỹ đạo hoặc thiết lập căn cứ quân sự bên ngoài phạm vi Trái đất.

4. Và không chỉ là căn cứ quân sự - không quốc gia nào có thể tuyên bố chủ quyền với bất kì vùng lãnh thổ nào trong không gian.

Những điều luật mà các quốc gia phải tuân thủ khi thám hiểm không gian vũ trụ - Ảnh 5.

Quốc kì của Mĩ không đồng nghĩa với chủ quyền của họ trên mặt trăng

Việc Hoa Kì cắm cờ trên mặt trăng vào năm 1969 không có nghĩa là họ có bất kì quyền gì đối với các vùng đất trên mặt trăng.

Mọi thứ trong không gian về cơ bản đều được xem là lãnh thổ quốc tế.

Điều này đã được minh họa sống động trong cuốn tiểu thuyết bestseller về sau được dựng thành phim – The Martian. Nhân vật chính là phi hành gia Mark Watney bị bỏ rơi trên sao Hỏa đã làm theo luật pháp của Mĩ khi ở trong con tàu của NASA, nhưng ngay khi bước ra ngoài môi trường sao Hỏa là anh đã ở trong vùng lãnh thổ quốc tế rồi.

Sau đó khi cần dùng một tàu của NASA để trở về Trái đất, Watney lại buộc phải "tiếm quyền" nó bởi hệ thống liên lạc đã bị hỏng nên NASA không thể chuyển lời cho phép anh lên tàu. Và theo chính lời của nhân vật này, hành động đó đã biến anh thành một tên "cướp biển không gian".

5. "Thỏa thuận Mặt trăng" làm rõ thêm ý tưởng rằng không một quốc gia nào có thể sở hữu bất kì thiên thể nào.

Theo Thỏa thuận Mặt trăng, thì "Cả bề mặt lẫn phần dưới bề mặt của mặt trăng hay bất kì phần nào của nó hoặc các nguồn tài nguyên tự nhiên tại đó đều sẽ không thể trở thành tài sản riêng của bất kì quốc gia, tổ chức quốc tế liên chính phủ hay phi chính phủ, tổ chức thuộc quốc gia, hoặc các thực thể phi chính phủ hoặc bất kì con người cá nhân nào."

Thỏa thuận này cũng nhấn mạnh ý tưởng rằng không ai có thể sử dụng mặt trăng như một căn cứ quân sự hoặc duy trì kho vũ khí hạt nhân trên quỹ đạo của nó.

Những điều luật mà các quốc gia phải tuân thủ khi thám hiểm không gian vũ trụ - Ảnh 6.

Sẽ không bao giờ tồn tại một cuốn “sổ đỏ” mặt trăng như thế này (ảnh minh họa)

6. Bất kì thứ gì được phóng vào không gian đều phải được đăng kí.

Các điều luật của Hiệp định Đăng kí cũng giống như một kiểu đăng kí phương tiện giao thông đối với các tàu vũ trụ vậy. Nhưng ngoài kiểu dáng mẫu mã, thời gian sử dụng và các chi tiết về quyền sở hữu, người ta còn phải kê khai cả quỹ đạo bay của tàu, nơi phóng lên và nó sẽ làm gì trong không gian nữa.

7. Nếu có xảy ra va chạm tàu vũ trụ, quốc gia sở hữu phương tiện đó sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Những điều luật mà các quốc gia phải tuân thủ khi thám hiểm không gian vũ trụ - Ảnh 7.

Va chạm trong không gian tuy hiếm gặp nhưng vẫn có khả năng xảy ra trong tương lai

Theo Hiệp ước, chính phủ của nước sở hữu phương tiện sẽ chịu trách nhiệm cho mọi thiệt hại cũng như mọi hoạt động trong không gian, bất kể phương tiện đó thuộc về chính phủ hay tổ chức phi chính phủ.

8. Trên thực tế, người ta đã lập ra hẳn một hiệp ước có tính pháp lí về vấn đề này.

Nếu vệ tinh của nước nào đâm vào vệ tinh khác và làm hỏng nó, thì nước đó sẽ chịu trách nhiệm cho những thiệt hại, theo Hiệp định Trách nhiệm Pháp lí.

Điều luật tương tự cũng áp dụng cho một vệ tinh, tàu vũ trụ hoặc trạm không gian đâm vào Trái đất. Ai làm ra nó sẽ chịu trách nhiệm chi trả đền bù cho mọi thiệt hại mà nó gây ra.

9. Không ai được phép làm "ô nhiễm" không gian vũ trụ.

Những điều luật mà các quốc gia phải tuân thủ khi thám hiểm không gian vũ trụ - Ảnh 8.

Các mầm sống từ Trái đất phải được kiểm soát nghiêm ngặt khi đưa lên hành tinh khác

NASA và các cơ quan không gian khác luôn phải làm mọi cách để tránh "vấy bẩn" không gian vũ trụ. Bởi nếu các vi sinh vật Trái đất được đưa tới hành tinh khác, chúng có thể lấn át và tiêu diệt các mầm sống bản địa cũng như đánh lừa chúng ta trong cuộc tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất.

Để thực hiện điều này, bất kì phương tiện nào dự kiến đáp xuống bề mặt hành tinh khác đều sẽ được cọ rửa và tiệt trùng thật kĩ càng, dù không thể tẩy hết "bụi trần" của Trái đất đi được. Đồng thời các phi hành gia cũng không được phép tống xác sinh vật chết ra ngoài không gian vũ trụ.

10. "Thỏa thuận Giải cứu"

Những điều luật mà các quốc gia phải tuân thủ khi thám hiểm không gian vũ trụ - Ảnh 9.

Giải cứu phi hành gia là một trách nhiệm quốc tế

Đây là điều tuyệt vời nếu chúng ta thực sự phải đối mặt với tình huống như của Mark Watney trên sao Hỏa. Thỏa thuận này ghi rõ: "Các quốc gia sẽ phải làm mọi việc trong khả năng để giải cứu và hỗ trợ các phi hành gia gặp nạn và nhanh chóng đưa họ trở về đất nước đã phóng họ lên."

11. Công dân Mĩ giờ đây có thể khai thác khoáng sản từ các tiều hành tinh.

Những điều luật mà các quốc gia phải tuân thủ khi thám hiểm không gian vũ trụ - Ảnh 10.

Tài nguyên trong vũ trụ là vấn đề cực kì nhạy cảm

Hiệp ước Không gian Vũ trụ cấm bất kì ai sở hữu tài sản riêng trong không gian, nhưng Chương trình Hành động Không gian năm 2015 của Mĩ lại có một đoạn gây tranh cãi vì nghe như đang công nhận quyền sở hữu của các cá nhân đối với các tài nguyên khai thác được trong không gian vậy.

Dù vẫn có những ý kiến trái chiều, nhưng rõ ràng Mĩ đã từng mang về những mẫu đá mặt trăng mà chẳng ai tranh cãi về việc họ là người sở hữu chúng cả.

Có lẽ chúng ta sẽ cần một hệ thống cấp phép khai thác để giải quyết vấn đề này, cũng như rất nhiều quy định mới để bắt kịp công cuộc khai phá vũ trụ với tốc độ tên lửa như hiện nay.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại