Những điều kỳ lạ về mắt bão - con mắt đáng sợ của "hung thần tới từ biển cả"

Hoa Hướng Dương |

"Con mắt là cửa sổ tâm hồn" và điều này thậm chí cũng đúng với cả những cơn bão.

Khi nói về sự đáng sợ của một cơn bão thì ngoài sức gió, bán kính hoạt động thì có một điều đáng sợ không kém, đó chính là mắt bão và con mắt này nói lên rất nhiều điều về cơn cuồng phong kia.

Mắt bão - con mắt đáng sợ của "hung thần tới từ biển cả"

Khi bão hình thành với sự nhiễu động của khí quyển (quay theo hình xoắn ốc), một vùng có khí áp thấp sẽ hình thành ở tâm bão do không khí xung quanh chuyển động rất nhanh tạo nên và người ta gọi khu vực này là mắt bão.

Một khi mắt bão được "mở ra", đó cũng chính là lúc cơn bão "tỉnh giấc" và phát huy bản năng đáng sợ của mình. Hãy tìm hiểu những điều thú vị và kỳ lạ diễn ra đối với mắt bão của một cơn bão để có thể hiểu hơn về bão và sự đáng sợ của nó.

1. Thay thế mắt bão

Mắt bão thường có đường kính từ 30 đến 65 km, dù là một cơn bão yếu thì vẫn có mắt bão nhưng nhỏ, không sắc nét hay có thể khó nhìn thấy từ vệ tinh do bị mây che phủ.

Đối với các con bão này (thường có đường kính nhỏ hơn 19 km), thường có một hiện tượng xảy ra gọi là chu trình thay thế mắt bão, bắt đầu bằng việc xuất hiện thêm một mắt bão bao bọc bên ngoài cái ban đầu.

Khi mắt bão thứ hai đủ lớn, nó sẽ bao quanh cái ban đầu tạo thành hai mắt bão đồng tâm và chỉ ít lâu sau con mắt bên ngoài sẽ "nuốt trọn" cái ban đầu để trở thành duy nhất. Quá trình hợp nhất này sẽ tạo nên một mắt bão lớn, ổn định hơn!

Quá trình này có thể tiếp tục diễn ra nhiều lần đối với một cơn bão.

2. Cơn bão lại có tới hai mắt!

Đa số các trường hợp, bão chỉ có một mắt hoặc nếu như ở trên, con mắt thứ hai đồng tâm với con mắt ban đầu (và chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn) thì có những cơn bão lớn lại có tới hai mắt bão (rất hiếm gặp), ví dụ hình ảnh dưới đây là cơn bão có mắt kép:

Những điều kỳ lạ về mắt bão - con mắt đáng sợ của hung thần tới từ biển cả - Ảnh 1.

Siêu bão Wilma (2005) với mắt kép. Ảnh NASA.

Đây là hiện tượng xảy ra do sự phức tạp của chuyển động khí quyển của cơn bão và khác với hiện tượng "mắt trong mắt" ở trên, hiện tượng mắt kép lại xảy ra với các siêu bão có sức mạnh khủng khiếp mà siêu bão Wilma là một trong số đó.

Siêu bão này có sức gió cao nhất lên tới 295 km/h và được phân loại là siêu bão cấp 5 (cấp cao nhất trong thang đo châu Âu), chỉ những cơn bão có sức gió và lượng mưa "siêu khủng" mới xuất hiện tượng kỳ lạ này.

Những điều kỳ lạ về mắt bão - con mắt đáng sợ của hung thần tới từ biển cả - Ảnh 2.

Một cơn bão khác gần Iceland với hai mắt bão. Ảnh Alamystock.com

Nhà khí tượng học và dự báo thời tiết Tom Sater của đài CNN khi nói về cơn bão Wilma cho hay: "Có một con mắt thứ hai có nghĩa là sẽ có gió rất mạnh và mưa nặng hạt". Do đó, sự xuất hiện con mắt thứ hai có thể là một dấu hiệu không tốt cho con người.

3. Mắt bão có thể lớn tới mức nào?

Mỗi cơn bão lại có một mắt bão to nhỏ hay cả hình dáng khác nhau, kích thước mắt bão cũng thay đổi liên tục trong quá trình hình thành đến lúc bão tan.

Có những cơn bão chỉ có mắt bão khoảng 3 km (như bão Wilma), có cơn bão lại có đường kính tới 320 km (bão Carmen năm 1960 - theo dữ liệu radar từ Okinawa, Japan) và đây là kỷ lục mắt bão lớn nhất từng được ghi nhận.

Thông thường thì một cơn bão mạnh lại có mắt bão rất rõ ràng (sắc) nhưng không có đường kính rộng (ví dụ bão Wilma đề cập ở trên), ngoại lệ với những cơn bão hình khuyên. Ví dụ:

Cơn bão Isabel mạnh thứ 11 từng được ghi nhận tại Đại Tây Dương (Theo sách North Carolina's Hurricane History) và là siêu bão cấp 5, có con mắt rộng từ 65 đến 80 km được duy trì trong nhiều ngày.

Thời gian gần đây, những cơn bão lớn bao gồm cả các siêu bão đã liên tục xuất hiện và tấn công con người. Và chưa dừng lại ở đó, mùa bão vẫn còn kéo dài và diễn biến phức tạp khiến nhiều người lo sợ những cơn bão lớn sẽ lại ập đến bất cứ lúc nào.

Bài viết tổng hợp từ các nguồn: Noaa.gov, Express.co.uk, Washingtonpost.com

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại