Bão số 10 hay có tên quốc tế là Doksuri đã tiến vào đất liền nước ta. Đây là cơn bão đầu tiên của Việt Nam được cảnh báo nguy hiểm cấp độ 4 (màu đỏ) - theo Trung tâm Khí tượng thủy văn trung ương.
Vậy cơn bão này có gì khác biệt so với các cơn bão từng đổ bộ trước đó, mà được đánh giá nguy hiểm như vậy?
Để trả lời câu hỏi này, hãy cùng tìm hiểu về cơ chế hình thành và những nguyên nhân có thể làm gia tăng sức mạnh của một cơn bão, cũng như điều gì có thể làm nó suy yếu. Từ đó, về mặt khoa học, chúng ta có thể hiểu không chỉ về cơn bão số 10 này mà còn lý giải được về những cơn bão khác trên thế giới.
Bão là gì và nguyên nhân hình thành, lý do suy yếu của nó?
1. Bão là gì?
Dù bão là hiện tượng vô cùng quen thuộc đối với bất cứ ai, nhưng để trả lời câu hỏi này một cách chính xác câu hỏi trên thì không phải ai cũng biết và nói ngay được.
Có rất nhiều loại bão như bão nhiệt đới, bão lốc xoáy (vòi rồng)... nhưng nhìn chung thì bão là một trạng thái nhiễu động của khí quyển theo hình xoắn ốc.
Hãy hình dung việc bạn khuấy một ly nước theo một chiều nhất định, khi đó tại khu vực trung tâm xuất hiện một khoảng trống nhỏ (tương ứng với mắt bão), gần khu vực này dòng không khí chuyển động rất nhanh (nhanh nhất trong cơn bão) và giảm dần khi đi xa mắt bão.
Nếu bạn khuấy ly nước càng mạnh thì dòng nước chuyển động càng nhanh và lỗ hổng này càng lớn ra, điều này cũng tương tự với 1 cơn bão (bão càng mạnh mắt bão càng to, do đó nếu nhìn hình ảnh vệ tinh từ trên cao chúng ta cũng có thể nhận thấy cơn bão lớn tới mức nào).
Có thể đánh giá sơ bộ sức mạnh cơn bão thông qua mắt bão. Ảnh khoahoc.tv.
Điều thú vị là nếu đi từ ngoài vào trong tâm bão thì sức gió càng mạnh lên (mạnh nhất là khu vực bao quanh mắt bão gọi là thành mắt bão) nhưng tâm bão lại gần như "tĩnh lặng", vì đây là môi trường có khí áp thấp.
Điều này là do lực ly tâm khiến mật độ không khí ở trung tâm rất thấp vì bị giãn nở, dẫn tới khí áp gần mức thấp nhất.
Cấu trúc một cơn bão. Ảnh Đài Khí Tượng Thủy Văn Khu Vực Nam Trung Bộ.
2. Nguyên nhân hình thành bão
Khí quyển luôn diễn ra hiện tượng là không khí gần mặt đất nhận được lượng nhiệt cao hơn phía trên cao, tạo ra hiện tượng đối lưu theo chiều thẳng đứng, với không khí nhẹ và loãng ở phía dưới đi lên trên còn không khí bên trên bị đẩy xuống dưới.
Sự đối lưu (hay vòng tuần hoàn) này càng diễn ra nhanh và mạnh thì càng có khả năng hình thành bão.
Nhưng để duy trì cơ chế này cần một điều kiện nữa là luồng gió thổi ngang có cùng vận tốc với luồng gió theo chiều thẳng đứng, nếu không thì cơn bão sẽ biến mất ngay sau đó.
Quá trình này liên tục hút hơi nước để tạo mây, quá trình này sẽ giải phóng nhiệt lượng gọi là năng lượng ẩn nhiệt ngưng kết để tăng cường sức mạnh (điều này cũng giải thích tại sao bão chỉ sinh ra ở biển, tại các vĩ độ thấp từ 5 đến 20 vĩ độ quanh xích đạo nơi có nền nhiệt cao).
Cơn bão càng mạnh thì bán kính bão càng lớn, phạm vi ảnh hưởng càng tăng lên. Vì thế trên đường đi, cơn bão gặp các vùng biển ấm thì đây là một điều kiện thuận lợi để "tiếp thêm nhiên liệu" cho sức mạnh của nó!
Tóm lại, có 3 điều kiện hình thành bão là: Nhiệt, độ ẩm và động lực để tạo xoáy.
Tốc độ di chuyển và hướng di chuyển của bão lại phụ thuộc rất nhiều vào vị trí mà nó được sinh ra (thuộc bán cầu nào) vì có một lực có tên Coriolis (lực sinh ra do sự tự quay quanh trục của Trái Đất) đóng vai trò không nhỏ trong quá trình bão hình thành.
Theo đó, nếu bão sinh ra ở Bán Cầu Bắc thì sẽ có xu hướng di chuyển lệch về bên phải, còn bão hình thành ở Nam Bán Cầu luôn di chuyển lệch về bên trái, điều này giải thích tại sao các cơn bão ở biển Đông thường đi vào Việt Nam.
3. Điều gì khiến cơn bão suy yếu?
Trên báo Kiến Thức, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, cho biết "tuổi đời" của một cơn bão thường chỉ kéo dài từ 3 đến 10 ngày.
Vậy lý do gì khiến một "quái vật" khủng khiếp như nó lại tồn tại trong thời gian ngắn như vậy?
Sự suy yếu này có hai nguyên nhân chính:
- Bão đi vào vùng biển lạnh như đi vào vũng vĩ độ cao (ngoài vùng xích đạo) khiến gradient áp suất giảm, tốc độ gió chậm lại, khi đó nó không được tiếp "nhiên liệu" và dần tan biến.
- Bão đi vào đất liền sẽ bị mất nguồn cung cấp độ ẩm (nguồn này là nước biển bốc hơi nếu nó di chuyển trên biển), kết hợp với địa hình không bằng phẳng làm giảm tốc độ gió, khiến tốc độ bão chậm lại và dần thu hẹp diện tích vào tâm bão cho tới khi biến mất).
Điều này giúp chúng ta hiểu được tại sao sau khi đi vào đất liền thì cơn bão sẽ tất yếu suy yếu chứ không thể tiếp tục mạnh hơn để đi sâu vào bên trong.
Từ những kiến thức cơ bản trên, hãy nhìn lại cơn bão số 10 được đánh giá là cơn bão mạnh đầu tiên được đưa ra cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp độ 4 đi vào Việt Nam.
Lý giải vì sao bão số 10 tăng cấp khi vào gần Việt Nam
Trả lời phỏng vấn của phóng viên VTC14, ông Trần Quang Năng - Trưởng phòng dự báo hạn ngắn thuộc Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, cho biết nguyên nhân khiến bão số 10 đổi hướng và mạnh lên một cách nhanh chóng là do sự tương tác giữa cơn bão số 10 và bão Talim trước đó.
Tuy nhiên, sau đó thì tách xa nhau nên sự ảnh hưởng này cũng không còn nên hiện đã di chuyển ổn định hơn theo hướng Tây Tây Bắc.
Trong quá khứ, đã có nhiều trường hợp bão đổi hướng hay đi chệch hướng so với quỹ đao ban đầu như trường hợp bão Ketsana (2009) hay thậm chí quay ngược trở ra như bão Hagibis (2007).
Ảnh chụp từ màn hình. Nguồn ảnh: VTC14.
Hai cơn bão đang hoành hành là Doksuri và Talim. Nguồn ảnh: VTC14.
Về nguyên nhân khiến cho bão gia tăng cường độ khi tới gần đất liền Việt Nam và đẩy nhanh tốc độ di chuyển, đó là do nền nhiệt nước biển ấm mà cơn bão đi qua đã "tiếp thêm nhiên liệu" cho bão số 10 - ông Năng lý giải.
Nhiệt độ nước biển ấm sẽ tạo điều kiện cho hơi nước bốc hơi nhanh hơn, cung cấp nguồn năng lượng đáng kể cho cơn bão như "thêm dầu vào lửa" trước khi đổ bộ vào đất liền. Do đó, lượng mưa và sức tàn phá của cơn bão này lại càng trở nên đáng sợ.
Đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nhiệt độ bề mặt nước biển cao chính là lý do khiến cho một cơn bão trở nên mạnh hơn. Bạn có thể đọc thêm về vấn đề này tại đây.
Sự tác động của nhiệt độ làm tăng lượng hơi nước bốc lên. Ảnh việt hóa từ nguồn Global For Life. Việt hóa: Hoa Hướng Dương
Kết quả là bão mạnh hơn khi đi qua vùng nhiệt ấm. Ảnh việt hóa từ nguồn Global For Life. Việt hóa: Hoa Hướng Dương
Bài viết tham khảo các nguồn: Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, VTC14 Ieyenews.com, Qmt.vn