Những điều kỳ dị trên đỉnh Everest mà bạn sẽ không thể ngờ tới

KIENZERATUL SPIDERUM |

Đỉnh Everest nổi tiếng với biệt danh nóc nhà của thế giới. Hàng năm, nó thu hút sự chú ý của rất nhiều người muốn tham gia hành trình khám phá đầy mạo hiểm và thử thách này. Và đi kèm với họ là rất nhiều đồ đạc kỳ lạ, một số đã vĩnh viễn bị bỏ lại trên đỉnh núi cao tới hơn 8000 mét.

Những điều kỳ dị trên đỉnh Everest mà bạn sẽ không thể ngờ tới - Ảnh 1.

Đường lên đỉnh Everest - nóc nhà của thế giới

Nghĩa địa "bảy sắc cầu vồng"

Theo một thống kê gây nhiều sửng sốt của BBC, đỉnh Everest được coi như một trong những "nghĩa trang" lớn nhất của thế giới tự nhiên, vì ước tính có tới 200 người đã bỏ mạng tại đây.

Và phần lớn trong số đó hiện vẫn đang nằm lại trên đỉnh núi tuyết trắng này.

Những điều kỳ dị trên đỉnh Everest mà bạn sẽ không thể ngờ tới - Ảnh 2.

Tọa lạc ngay bên trong khu vực của "Vùng đất chết", "Thung lũng cầu vồng" nằm vắt ngang qua sườn phía Bắc của đỉnh Everest

Được biết đến với biệt danh "Vùng đất chết", nơi này chính là một vùng triền núi nằm ở độ cao 26,000 feet (tương đương hơn 7900 mét).

Ở đó, nồng độ ô-xi loãng đến mức không có một sự sống nào có thể tồn tại được, bất cứ ai từng đặt chân đến đây đều sẽ phải trải qua cảm giác toàn bộ cơ thể cũng như trí óc gần như rơi vào trạng thái "ngừng hoạt động", trước khi cái chết tất yếu cận kề.

Bên cạnh "Vùng đất chết", còn có một khu vực khác có cái tên vô cùng đáng nhớ là "Thung lũng cầu vồng".

Nghe qua thì có vẻ lãng mạn, nhưng trên thực tế cái tên này lại xuất phát từ việc có rất nhiều xác người mặc những bộ đồ bảo hộ cũng như những thiết bị leo núi có màu sắc sặc sỡ, khiến cả một vùng sườn núi bỗng rực sáng một cách lạ thường.

Tọa lạc ngay bên trong khu vực của "Vùng đất chết", "Thung lũng cầu vồng" nằm vắt ngang qua sườn phía Bắc của đỉnh Everest.

Việc cứu hộ và thu gom thi hài người chết ở đây gặp vô vàn khó khăn, do nhiệt độ ở khu vực này quá thấp dẫn đến việc các thi thể bị đông cứng và bám chặt lên nền đất phủ đầy tuyết trắng.

Nhận thấy đó là một công việc hết sức nguy hiểm lẫn tốn kém cả về sức người lẫn sức của, nhiều đoàn cứu hộ đã chấp nhận bỏ cuộc, biến nơi này trở thành một địa danh "khét tiếng" và gây ám ảnh nhất trên đỉnh Everest.

Từng đống, từng đống... phân

Những điều kỳ dị trên đỉnh Everest mà bạn sẽ không thể ngờ tới - Ảnh 3.

Theo thống kê của tờ Washington Post, ước tính lượng "chất thải sinh học" từ con người mỗi năm trên đỉnh Everest lên tới con số khủng khiếp: 26.500 pound (tương đương với hơn 12 tấn)

Thử tưởng tượng bạn đã trải qua được 1 nửa ngày leo núi trên đỉnh Everest, và bỗng dưng cơn đau bụng ập tới.

Với không gian xung quanh trở nên cực kỳ khô cằn với toàn đất, đá, tuyết, băng tan, thậm chí là cả những dân leo núi đồng hành cùng nữa, điều duy nhất bạn có thể làm là tự mình đào 1 cái hố để có thể "hành sự" một cách dễ chịu nhất.

Và lẽ dĩ nhiên, với tần suất số người thám hiểm Everest ngày một tăng cao, việc chiếc "nóc nhà của thế giới" này trở thành 1 chiếc bể phốt khổng lồ đang trở thành 1 hiện thực hết sức phũ phàng.

Theo thống kê của tờ Washington Post, ước tính lượng "chất thải sinh học" từ con người mỗi năm trên đỉnh Everest lên tới con số khủng khiếp: 26.500 pound (tương đương với hơn 12 tấn). Và không chỉ dừng lại ở đó.

Những đống chất thải được xếp chồng lên nhau, ùn ứ, gây ra hiện tượng ô nhiễm nguồn nước vùng hạ lưu do tình trạng xói mòn và tan chảy của tuyết.

Tình hình trở nên nghiêm trọng tới mức Chủ tịch Hiệp hội những nhà leo núi Nepal đã phải đưa ra lời cảnh báo du khách về vấn nạn này từ hồi năm 2015.

Rác, rác và… rác

Những điều kỳ dị trên đỉnh Everest mà bạn sẽ không thể ngờ tới - Ảnh 5.

Không ai có thể biết được chính xác lượng rác thải nằm vương vãi trên đỉnh Everest là bao nhiêu

Không ai có thể biết được chính xác lượng rác thải nằm vương vãi trên đỉnh Everest là bao nhiêu.

Nhưng với việc cho tới nay, tổng cộng đã có tới 16 tấn rác được con người thu gom lại theo thống kê của BBC, thì sự thật là đỉnh Everest vẫn luôn được ví như một bãi rác phế thải lộ thiên mà người ta chưa thể tìm cách đóng cửa được.

Rác có thể đến từ rất nhiều hình dạng khác nhau, từ những chiếc lều bạt rách rưới, dụng cụ leo núi, đồ ăn, đồ uống, chai lọ, giấy gói, đến cả bình ô-xi nữa.

Thêm vào đó, ở độ cao lên tới hơn 8000 mét so với mực nước biển, việc tổ chức thu gom rác theo quy mô lớn cũng trở nên đặc biệt khó khăn hơn rất nhiều so với trên đất liền.

Với việc mỗi năm tiếp đón khoảng hơn 300 khách du lịch cùng người dẫn đường ở địa phương lên tham quan và leo núi, nâng tổng số người từng đặt chân lên đỉnh Everest lên con số 4000 người, việc giữ gìn được cảnh quan tự nhiên ở ngọn núi này quả thực là điều không thể.

Nhưng điều đó không khiến chúng ta cảm thấy bớt ngạc nhiên hơn khi chứng kiến lượng rác thải bị bỏ lại trên những dãy núi phủ đầy tuyết đó. Nguy cơ Everest trở thành bãi phế thải lớn nhất thế giới đang ngày càng trở nên hiện hữu.

Đứng trước hiểm họa đó, rất nhiều biện pháp đã được đưa ra để ngăn chặn tình trạng vứt rác bữa bãi của du khách khỏi tiếp diễn.

Điển hình là việc vào năm 2012, 1 nhóm các họa sĩ đã cố gắng tuyên truyền thông điệp bảo vệ môi trường bằng cách sắp xếp 1,5 tấn rác thải trên đỉnh Everest thành 1 tác phẩm nghệ thuật đích thực.

Đến năm 2014, mỗi du khách khi leo lên đỉnh Everest phải cam kết sẽ mang theo bên mình ít nhất tối thiểu 18 pound rác (khoảng hơn 8 kg) trên đường đi xuống, nếu không họ sẽ mất trắng khoản tiền đặt cọc là 4.000 USD (tương đương 90 triệu đồng).

Đặc sản "nhện nhảy" ở Himalaya

Những điều kỳ dị trên đỉnh Everest mà bạn sẽ không thể ngờ tới - Ảnh 6.

Nhện "nhảy" có biệt tài di chuyển bằng cách nhảy từ chỗ này sang chỗ khác ở độ cao 22 nghìn feet (khoảng 6700 mét) so với mặt nước biển

Thật khó tin, phải không? Dưới cái lạnh âm hàng chục độ C, lại xuất hiện 1 loài vật có thể chống chọi được với sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Chúng ta đang nói đến nhện "nhảy", loài côn trùng chỉ dài có hơn 1 cm và được phủ đầy lông toàn thân.

Như cái tên đã nói lên tất cả, chúng có biệt tài di chuyển bằng cách nhảy từ chỗ này sang chỗ khác ở độ cao 22 nghìn feet (khoảng 6700 mét) so với mặt nước biển.

Dưới thời tiết khắc nghiệt ở Everest, hiếm có loài động thực vật nào có thể sinh sôi nảy nở được.

Vì vậy, để có thể tồn tại, nhện "nhảy" buộc phải tìm kiếm nguồn thức ăn cho riêng mình. Đó có thể là những chú côn trùng vô hại không may bị những cơn gió lớn của dãy Himalaya cuốn lên đỉnh núi.

Hoặc đôi lúc có thể là những chú vịt trời không may bị lạc đàn rơi xuống khi đang trong quá trình di cư tránh rét. Nhưng, dù gì đi nữa, nhện "nhảy" vẫn xứng đáng được coi là những cư dân sống ở nơi cao nhất trên Trái Đất.

Thi thể người có tên "Đôi ủng xanh"

Những điều kỳ dị trên đỉnh Everest mà bạn sẽ không thể ngờ tới - Ảnh 7.

Từ bao lâu nay, "Đôi ủng xanh" luôn là hình ảnh khắc sâu vào trí nhớ của từng du khách khi leo lên đỉnh Everest, nhắc cho họ nhớ về sự quý giá của mạng sống là như thế nào

Trong số rất nhiều những thi thể còn nằm lại trên đỉnh Everest, có một vài người đặc biệt thu hút sự chú ý của những người yêu mến bộ môn leo núi. Một trong số đó là xác của một anh chàng xấu số có biệt danh là "Đôi ủng xanh".

Cái tên này được lấy dựa trên đôi ủng màu xanh neon còn nằm nguyên vẹn trên đôi chân của người này.

Từ bao lâu nay, "Đôi ủng xanh" luôn là hình ảnh khắc sâu vào trí nhớ của từng du khách khi leo lên đỉnh Everest, nhắc cho họ nhớ về sự quý giá của mạng sống là như thế nào. Gần như ai cũng sẽ đi qua địa điểm có thi thể này trước khi ngồi nghỉ tại 1 hang động gần đó.

Theo phỏng đoán, người đàn ông này có thể chính là 1 tay leo núi gốc Ấn Độ có tên Tsewang Paljor, qua đời vì 1 cơn bão tuyết vào năm 1996.

Gia đình của Paljor cảm thấy vô cùng phiền lòng khi những lời nguyền cùng những câu chuyện vô căn cứ được đồn thổi xung quanh thi thể của anh này.

Tuy vậy, đến tháng 5 năm 2014, không ai còn thấy được vị trí chính xác xác Paljor là ở đâu nữa, dù rằng việc di dời nó trên độ cao hơn 8000 mét là một điều cực kỳ khó khăn.

Dấu chân của "Người tuyết"

Những điều kỳ dị trên đỉnh Everest mà bạn sẽ không thể ngờ tới - Ảnh 8.

Huyền thoại về "Yeti" – hay còn gọi là Người tuyết trong tiếng Himalaya – từ lâu đã trở thành đề tài bàn luận sôi nổi trong giới khoa học

Đây có lẽ là thứ nổi bật nhất mà bất kỳ ai cũng biết khi nhắc đến ngọn núi Everest hùng vĩ. Huyền thoại về "Yeti" – hay còn gọi là Người tuyết trong tiếng Himalaya – từ lâu đã trở thành đề tài bàn luận sôi nổi trong giới khoa học.

Cũng phải nhắc lại, khái niệm về Yeti chính thức được manh nha từ năm 1951, theo CNN.

Đó là thời điểm mà nhà leo núi mang tên Eric Shipton vô tình chụp lại được 1 dấu chân khổng lồ, có hình dạng kỳ quái mà theo ông, chắc chắn đó phải là của người tuyết.

Kể từ đó, rất nhiều những khám phá khác được diễn ra, tiêu biểu như việc có người mang tên Edmund Hillary trông thấy hình ảnh những người khổng lồ đầy lông bao phủ toàn thân đang đi lại ở độ cao 19 nghìn feet (khoảng 5800 mét) trên đỉnh Everest.

Hay vào năm 1960, người ta còn tìm ra 1 miếng da đầu tại nhà của 1 phụ nữ người Nepal được cho là của Yeti, nhưng về sau nó được lưu giữ tại 1 tu viện gần đó trước khi chính thức được tuyên bố là không phải.

Tuy rằng khoa học chưa thể chứng minh được chắc chắn sự tồn tại của Yeti, nhưng họ cũng đã rất gần với việc phản bác lại quan điểm cho rằng đây là 1 loài người có thật.

Năm 2017, người ta tiến hành 1 bài kiểm tra các mẫu ADN được cho là thu thập từ Yeti hoặc một sinh vật nào khác giống với Yeti.

Kết quả cho ra rằng mẫu ADN ấy là của loài gấu tuyết sống ở khu vực gần đó. Dù cho vậy, truyền thuyết về Yeti vẫn không ngừng lan rộng ra và còn rất lâu nữa, sự thật về loài vật khổng lồ hình "nửa người nửa gấu" này mới được làm sáng tỏ.

Nguồn: Grunge

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại