Tâm lý của người mới mua một món đồ gì đó là muốn sử dụng ngay lập tức. Tuy nhiên, bạn nên thực hiện một số thao tác trước khi dùng máy để tiết kiệm thời gian và công sức sau này. Về lâu dài, máy tính có thể hoạt động an toàn hơn, hiệu quả hơn và bền bỉ hơn.
1. Xem lại cài đặt cập nhật
Microsoft thường xuyên tung các bản cập nhật cho Windows 10, bao gồm vá lỗ hổng bảo mật hay lỗi vặt. Mỗi tháng 1 lần, thậm chí tuần 1 lần, bạn sẽ nhận được các bản nâng cấp này. Windows Update nằm trong ứng dụng Settings, truy cập vào đây bằng cách vào Update & Security > Windows Update.
Bấm vào Change active hours để tránh cho Windows tự khởi động máy tính của bạn. View update history giúp bạn xem lại lịch sử cập nhật trên máy tính. Nếu bản cập nhật gây vấn đề cho máy, bấm vào Uninstall updates và làm theo hướng dẫn.
2. Kiểm tra cài đặt điện năng
Bạn phải để mắt đến cài đặt quản lý điện năng để bảo đảm thời gian sử dụng pin lâu hơn và cân bằng nguồn lực khi thực hiện một tác vụ nặng đô nào đó.
Mở ứng dụng Settings, chọn System > Power & sleep. Thiết lập thời gian chờ trước khi màn hình chuyển sang chế độ nền tối và trước khi chuyển sang chế độ sleep.
Bấm vào Additional power settings để mở trang Power Options trong Control Panel. Bạn có thể tạo ra kế hoạch năng lượng (power plan) tùy thuộc theo nhu cầu của mình. Nó là tổng hợp của thiết lập phần cứng cũng như hệ thống (như độ sáng màn hình, thời gian chờ…).
3. Đổi tên PC
Bạn sẽ nhìn thấy tên máy tính trong OneDrive, dịch vụ Microsoft trên web… Bấm phím Windows + X rồi chọn System. Từ trang About, bấm vào Rename this PC rồi chọn tên bạn muốn. Khởi động lại máy tính.
4. Tạo Recovery Drive
Nếu máy tính gặp vấn đề và không khởi động được, một USB Recovery Drive sẽ đưa máy tính về trạng thái ban đầu. Để tạo một Recovery Drive, trước tiên, kết nối một USB trống với máy tính. Tiếp đó, nhập “recovery” trong hộp tìm kiếm, chọn ứng dụng Recovery Drive từ kết quả tìm kiếm. Nhớ bấm chọn Back up system files to the recovery drive. Bấm Next để chọn USB rồi chọn Create. Sau khi ổ được tạo, bấm Finish để kết thúc.
5. Gỡ cài đặt bloatware
Bloatware là ứng dụng được nhà sản xuất cài sẵn trên máy tính. Chúng có thể bao gồm các phiên bản dùng thử của chương trình diệt virus, game hay thậm chí Microsoft Office. Chúng sẽ chiếm dung lượng lớn và khiến trình đơn Start lộn xộn hơn.
Để gỡ bỏ, bạn chỉ cần tìm ứng dụng rồi bấm phải chuột, chọn Uninstall.
6. Tạo tài khoản người dùng tiêu chuẩn
Khi cài đặt Windows lần đầu, chương trình sẽ tạo một profile, cho tài khoản quản trị viên, cho phép bạn thay đổi cài đặt trên toàn hệ thống, chạy tất cả ứng dụng, cài đặt phần cứng mới… Tuy nhiên, bạn cũng nên tạo thêm một tài khoản người dùng tiêu chuẩn, chỉ có thể mở ứng dụng và thay đổi một số cài đặt không ảnh hưởng đến người dùng khác.
Tài khoản quản trị viên sẽ có quyền bổ sung tài khoản người dùng mới. Vào Settings > Accounts > Family & other users. Chọn Add someone else to this PC. Làm theo các bước hướng dẫn trên màn hình, chọn Add a User without a Microsoft Account. Chọn tên và mật khẩu. Cuối cùng, chọn Standard User.
7. Cài đặt bảo mật Windows
Nhiều người bỏ qua cài đặt Windows Security trước khi dùng máy tính mới. Để cài đặt, vào Update & Security > Windows Security.
Virus & Threat Protection
Dưới cài đặt Virus and threat protection, chọn Manage settings. Từ đây, bạn có thể cấu hình cài đặt Windows Security cơ bản, chẳng hạn Cloud-delivered protection.
Ransomware Protection
Bấm vào Manage ransomware protection để đề phòng các ứng dụng đáng nghi thực hiện thay đổi đối với bất kỳ tập tin nào. Bật Controlled Folder Access và chọn Protected folders để hạn chế các ứng dụng không ủy quyền truy cập thư mục.