Voi chiến (tượng binh) là loại voi được con người đào tạo và huấn luyện để sử dụng trong thời gian xảy ra chiến tranh nhằm phá vỡ thế trận, dày xéo kẻ địch.
Theo Patrick Winn, phóng viên của "The World", cho biết, voi chiến có thể được chia thành hai loại, bao gồm voi tham gia vào các trận đánh và số còn lại được sử dụng cho mục đích hậu cần.
Ngay từ thời xa xưa, voi chiến đã được nhiều nền văn hóa khác nhau sử dụng, trải rộng từ Bắc Phi tới Ấn Độ.
Voi chiến, cỗ "xe tăng" đáng sợ trong chiến tranh thời cổ đại. Ảnh: Ancientorigins
Đội quân tượng binh ít khi sử dụng trong các trận đánh nhưng một khi đã được dùng thì uy lực và hiệu quả rất đặc biệt. Voi có thể phá thế trận của kẻ thù, kết liễu đối phương bằng cặp ngà to khỏe và cái vòi khổng lồ của mình.
Những sinh vật to lớn này trở thành đối thủ đáng gờm trên chiến trường. Chúng được coi như những cỗ "xe tăng" khổng lồ trong các trận chiến. Tượng binh rất khỏe nên việc đối mặt với chúng khiến cho không ít đạo quân mất nhuệ khí, trở nên hoảng loạn.
Dù sau này việc sử dụng voi chiến trong các trận chiến cuối cùng đã chấm dứt, nhưng chúng vẫn được dùng cho mục đích hậu cần trong chiến tranh một khoảng thời gian.
Ai là người sử dụng tượng binh đầu tiên?
Người ta tin rằng sức mạnh của loài voi được con người sử dụng lần đầu tiên ở Ấn Độ cách đây khoảng 4.000 năm. Tuy nhiên, ban đầu, sức mạnh to lớn của loài vật này được khai thác để phục vụ cho lao động thủ công, chẳng hạn như trong xây dựng, vận chuyển hàng hóa.
Voi là loài vật từ lâu đã được con người sử dụng vào việc di chuyển, vận chuyển hàng hóa,...
Và đương nhiên là cũng không mất quá nhiều thời gian để con người có thể nhận ra rằng "những gã khổng lồ" hiền lành này có thể được tận dụng nhiều vào mục đích quân sự.
Từ Ấn Độ, việc sử dụng voi vào quân sự bắt đầu lan rộng về phía Tây tới đế chế Ba Tư, sau đó lan sang Đông Nam Á, Trung Đông,... Lần chạm chán đầu tiên giữa người châu Âu và voi chiến Ba Tư có thể kể đến là trận Gaugamela năm 331 TCN.
Vua của Ba Tư lúc bấy giờ là Darius III được cho là đã ra lệnh triển khai 15 voi chiến để chống lại đại quân của Alexander Đại đế ở xứ Macedonia.
Dù đánh bại hoàn toàn quân Ba Tư, nhưng nhà quân sự lỗi lạc Alexander lại vô cùng ấn tượng với những con voi thiện chiến của kẻ thù và đã chiếm lấy "phần thưởng" đặc biệt này vào đội quân của mình.
Vua Porus sử dụng đội quân tượng binh gần 100 con để ứng phó với Alexander Đại đế trong trận Hydaspes.
Sau đó, Alexander Đại đế và đội quân hùng mạnh của ông lại một lần nữa phải đối mặt với với đội quân tượng binh lên tới 85-100 con, khi tấn công vua Porus vùng Punjab, trong trận Hydaspes. Dù giành thắng lợi, nhưng quân đội của Alexander cũng phải chịu một số tổn thất nặng nề.
Voi chiến – "Xe tăng" thời cổ đại lan rộng sang phương Tây
Ưu thế và sức mạnh của voi chiến là không thể phủ nhận và điều này thúc đẩy các lực lượng quân sự tiếp tục sử dụng loại hình "vũ khí" đặc biệt này. Theo đó, những người thừa kế đế chế của Alexander cũng sử dụng rất nhiều voi chiến (tượng binh) trên các chiến trường.
Sức mạnh khủng khiếp của voi chiến khiến chúng được ví như những cỗ xe tăng thời cổ đại. Ảnh minh họa
Đó là lý do mà những con voi chiến ngày càng được sử dụng nhiều ở phương Tây. Tuy nhiên, phương Đông vẫn phát triển tượng binh nhiều hơn, phần lớn là do có môi trường sống thích hợp cho loài voi sinh trưởng.
Không những vậy, việc sử dụng tượng binh tham chiến còn có mặt ở Địa Trung Hải. Tiêu biểu là những cuộc chiến giữa quân Carthage và quân La Mã. Người La Mã lần đầu biết tới cỗ máy đáng sợ này thông qua cuộc đối đầu của họ trong trận chiến với Pyrrhus.
Ảnh: History
Người La Mã sau đó cũng phải đối mặt với tượng binh trong các cuộc chiến Punic chống lại Carthage (quốc gia ở Bắc Phi, tự đào tạo một đội quân voi chiến của riêng mình).
Trong chiến tranh Punic lần thứ 2 (201-218 TCN), vị tướng tài ba Carthage Hanibal Barca chỉ huy quân đội Carthage đánh bại đạo quân La Mã nhờ sự tương trợ của những con voi chiến.
Tuy nhiên, sau khi người La Mã phát triển chiến thuật để chống lại voi chiến khiến "vũ khí" này trở nên không hiệu quả và dẫn tới thất bại của Hannibal tại trận chiến cuối cùng của ông ở Zama vào năm 202 TCN.
Sau khi đánh bại Carthage, người La Mã bắt đầu sử dụng voi chiến trong nhiều năm sau đó. Tuy nhiên, khi đế chế La Mã sụp đổ, voi chiến dần trở nên hiếm có ở châu Âu và việc tiếp cận và thuần dưỡng loài vật này trở nên khó khăn hơn.
Trong khi đó, Ấn Độ và một số quốc gia châu Á vẫn tiếp tục sử dụng loại hình độc đáo này cho đến những thế kỷ gần đây.
Thay đổi vai trò của tượng binh
Dần dà, việc sử dụng tượng binh trong chiến tranh gần như được vô hiệu hóa. Một trong những thế mạnh của những con voi chiến là chúng ít bị tổn thương khi bị những vũ khí thông thường như kiếm, giáo tấn công.
Hơn nữa, do được trang bị cả áo giáp nên gần như tượng binh phát huy tối đa lợi thế ở những trận đánh lớn.
Voi vận chuyển máy móc trong Thế Chiến I.
Tuy nhiên, sự phát triển vượt trội của vũ khí thuốc súng đã làm cho những con voi chiến dễ bị tổn thường và trở nên ít có giá trị hơn trên chiến trường.
Điều này có thể nhìn thấy rõ, đàn voi chiến ở Miến Điện gần như không có cơ hội chống lại được tên lửa của người Anh trong thế kỷ 19.
Những con voi chiến uy dũng ngày nào không còn được sử dụng trên chiến trường, nhưng chúng vẫn đảm nhiệm chức năng hậu cần. Người ta sử dụng voi chiến để vận chuyển súng và vật tư trên các địa hình rừng núi.
Tham khảo Ảnh/Nguồn: Ancientorigins