Eo biển Malacca là eo biển ngăn cách Malaysia và Indonesia, trải dài 890km, nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đây được xem là một trong những tuyến thương mại lớn nhất bằng đường biển trên thế giới.
Mỗi năm, có gần 120.000 tàu thuyền đi qua eo biển hẹp khiến nó trở thành cửa ngõ trị giá hàng tỷ đô la. Nhưng nơi đây cũng ẩn chứa nhiều bí mật trong bóng tối mà cho đến tận ngày nay vẫn chưa được vén màn.
Theo Tạp chí Quan hệ Quốc tế Stanford đánh giá: "Eo biển là một trong những tuyến vận chuyển quan trọng nhất trên thế giới, chiếm 1/3 thương mại của thế giới và 1/2 số lô hàng dầu mỏ".
Tuy nhiên, gạt sự ảnh hưởng lớn của nó đến thương mại toàn cầu sang một bên, eo biển này được biết đến với lịch sử đáng sợ hơn rất nhiều. Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, đến nay, eo biển Malacca được biết đến với vô số tàu bị mất tích và những câu chuyện khủng khiếp vây quanh.
Khởi nguồn của những vụ tai nạn bí ẩn
Năm 1948, tàu SS Ourang Medan của Hà Lan tiến vào eo biển Malacca và đột nhiên biến mất không lý do. Người ta chỉ nhận được một tin nhắn khó hiểu và đáng sợ cuối cùng từ con tàu xấu số: "Tất cả các thuyền viên cấp cao bao gồm cả thuyền trưởng đều đã chết, họ nằm trong phòng họ và cả ở trên đài. Có thể toàn bộ đoàn thuỷ thủ cũng đã chết... Tôi chết".
Ngay sau khi nhận được thông báo SS Ourang Medan gặp nạn, mặc dù các thuỷ thủ từ một con tàu Silver Star gần đó đã cố gắng tiếp cận lên tàu nhanh nhất có thể. Nhưng cảnh tượng duy nhất mà họ nhìn thấy là một "nghĩa địa nổi".
Thi thể của những thành viên trên con tàu xấu số nằm la liệt khắp nơi trong trạng thái ghê rợn và tay họ đều dang ra như đang cố cầu cứu. Nhưng đặc biệt là không một ai có dấu hiệu thương tích gì trên cơ thể.
Bức ảnh chụp tàu SS Ourang Medan của Hà Lan đang đi dọc eo biển vào năm 1948, trước khi gửi một tin nhắn đáng sợ cuối cùng trước khi nó mất tích
Đáng tiếc là trước khi lực lượng chức năng kịp đưa con tàu này trở lại cảng, tàu SS Ourang Medan bốc cháy một cách bí ẩn rồi chìm xuống đáy biển.
Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là khi đội cứu hộ cố trục vớt, tìm kiếm vẫn không thể tìm ra được bất cứ tung tích nào của con tàu, khiến người ta thậm chí nghi ngờ rằng không biết liệu nó có thực sự tồn tại hay không.
Lực lượng bảo vệ bờ biển sau đó cũng đã không báo cáo về sự việc cho đến tháng 5/1954. Một số người cho rằng cuộc giải cứu không hề diễn ra, vì không có bất cứ ghi chép chi tiết về nỗ lực giải cứu SS Ourang Meda. Nhiều người khác thì cho rằng một số quốc gia đã làm việc song song với nhau để che đậy thảm kịch kỳ bí này.
Năm 1959, trợ lý giám đốc của CIA Allen Dulles - CH Marck J đã từng viết một bức thư với nội dung: "Tôi cảm thấy chắc chắn rằng sự việc SS Ourang Medan nắm giữ câu trả lời cho nhiều vụ tai nạn máy bay và những bí ẩn chưa được giải đáp trên eo biển". Và đó chính là khởi nguồn của những vụ mất tích và cái chết bí ẩn dọc theo eo biển Malacca.
Những con tàu, thuỷ thủ và cả kho báu dưới lòng biển sâu
Trong trận chiến eo biển Malacca trong Thế chiến II, tàu tuần dương Haguro của Nhật Bản đã bị đánh chìm trong trận hải chiến kéo theo sự mất tích của 900 người.
Đến tháng 12/2018, lại phát hiện được các thi thể đã bị phân huỷ được tìm thấy trôi nổi ở vùng biển ngoài khơi đảo Bengkalis, Rau. Một phát ngôn viên của Bệnh viện Cảnh sát Bhayangkara nói với truyền thông địa phương vào thời điểm đó: "Dựa trên điều tra của chúng tôi, ước tính rằng các thi thể đã trôi nổi trong nước khoảng hơn một tháng".
Sau đó, cảnh sát xác nhận một số nạn nhân là của các công nhân Indonesia đã thiệt mạng trên một con tàu khi nó đâm vào một con sóng lớn và chìm vào đầu tháng, nhưng họ vẫn không thể xác định được các thi thể khác từ đâu đến.
Bên cạnh thảm kịch, eo biển Malacca cũng được cho là nơi "yên nghỉ" của hàng loạt hòm kho báu giá trị. Quay trở lại năm 1511, khi tàu Bồ Đào Nha Flor de la Mar chìm xuống đáy biển. Con tàu đã gặp sự cố xui xẻo khi đâm vào rạn san hô ngoài khơi Sumatra trong một cơn bão.
Nó không chỉ mang theo 400 người xuống đáy biển mà còn cả kho báu khổng lồ trị giá đến 3 tỷ USD, với hơn 60 tấn vật thể bằng vàng và 200 rương chứa đầy đá quý với kim cương và hồng ngọc. Tất cả những thứ đó đã bị đánh cắp từ cung điện của sultan ở Malacca.
Quay lại lịch sử vào năm 1511, đã từng có con tàu Flor de la Mar của Bồ Đào Nha cũng chìm xuống đáy biển ở eo biển Malacca
Cướp biển hoành hành
Do tầm quan trọng của nó đối với sự phát triển thương mại toàn cầu cùng số lượng tàu thuyền ra vào đông đúc, những chiếc tàu chở hàng nhanh chóng trở thành mục tiêu của các vụ tấn công cướp biển và các vụ khủng bố .
Theo thống kê, số lượng các vụ cướp biển tại eo biển Malacca chiếm tới 1/3 tổng số trên thế giới và tăng gấp ba lần trong ba thập kỷ qua. Năm 1994 xảy ra 25 vụ tấn công thì đến năm 2000, con số này đã nhảy vọt lên đến 220 vụ tấn công được ghi nhận. Nhưng có những con tàu gặp nạn tại đây chưa hẳn là do cướp biển gây ra.
Một bài viết đăng trên Time năm 2014 gọi Eo biển Malacca là "vùng nước nguy hiểm nhất thế giới". Đã từng có một vụ việc, cướp biển đã lấy lượng lớn nhiên liệu trị giá 2,6 triệu đô la từ tàu chở dầu Orapin 4 khi nó đang trên đường từ Singapore đến Borneo.
Thời điểm đó, 10 tên cướp biển có vũ trang xông lên tàu và nhốt các thuỷ thủ dưới boong tàu. Chúng tìm cách hút hết 3.700 tấn nhiên liệu từ tàu này sang tàu khác.
Theo thống kê, có đến 41% các cuộc tấn công cướp biển của thế giới đã xảy ra ở khu vực miền nam châu Á trong giai đoạn 1995 - 2013 và 43 báo cáo về các vụ bạo lực đã được thực hiện ở vùng biển xung quanh Indonesia vào năm 2017.
Mặc dù những câu chuyện về con tàu ma và kho báu dưới đáy biển vẫn còn nhiều bí ẩn chưa được xác thực, nhưng cướp biển vẫn là một mối đe dọa vô cùng thực tế tại eo biển Malacca
Đến thảm kịch bí ẩn bậc nhất trong ngành hàng không
Thảm kịch không lời giải nổi tiếng nhất gắn liền với eo biển Malacca trong suốt những năm gần đây là vụ việc chuyến bay mang số hiệu MH370 chở 239 hành khách, trong đó có hai trẻ sơ sinh, cùng với 16 thành viên phi hành đoàn thuộc hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích bí ẩn năm 2014.
Theo lộ trình đã định, MH370 sẽ khởi hành từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh vào ngày 8/3. Tuy nhiên, chiếc máy bay bất ngờ mất liên lạc chỉ 1 phút trước khi vào vùng thông báo bay Hồ Chí Minh, thuộc không phận Việt Nam.
Tuy nhiên, radar theo dõi chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines cho thấy máy bay có thể đã đột ngột quay ngược hành trình trước khi mất tích. Các nhà điều tra hàng không Mỹ thì nói rằng dữ liệu động cơ từ chiếc máy bay tự động gửi về mặt đất cho thấy chiếc máy bay này đã bay thêm 4 giờ sau khi biến mất khỏi màn hình radar.
Trong thời gian điều tra vụ việc, quân đội Malaysia cũng đã từng tiết lộ thông tin rằng tín hiệu cuối cùng họ dò tìm được từ MH370 là ở khu vực eo biển Malacca. Vì vậy, rất có khả năng máy bay đã thay đổi hành trình sau khi đi qua Kota Bharu và bay ở tầm thấp hơn rồi đi vào Malacca.
Mặc dù thông tin này chỉ là một trong rất nhiều nghi vấn liên quan đến hướng đi của chiếc máy bay trước khi gặp nạn, nhưng đã làm tăng thêm một nghi vấn trong số hàng loạt những điều kỳ bí bủa vây eo biển quan trọng trong lĩnh vực thương mại bậc nhất hành tinh này.
Nổi tiếng nhất trong tất cả những bí ẩn vây quanh eo biển là sự biến mất của chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines
(Theo Dailymail)