Cứ 10 nữ phóng viên thì có hơn 8 người bị quấy rối tình dục tại Trung Quốc
Vào ngày 7/3/2018 vừa qua, nghĩa là trước ngày Quốc tế Phụ nữ, ba tổ chức là Trung Tâm Giáo dục Giới tính Quảng Châu, Tổ chức ATSH ( Anti-Sexual Harassment ) và Triển lãm ảnh phụ nữ quốc tế Trung Quốc đã hợp tác tổ chức buổi họp báo với chủ đề "Báo cáo điều tra tình trạng bị quấy rối tình dục ở các nữ phóng viên".
Trước đó, ba tổ chức này đã tiến hành điều tra trên 1762 phóng viên nữ ở đại lục (phần lớn đến từ Quảng Đông, Bắc Kinh, Thượng Hải, số ít hơn đến từ Hồ Bắc, Triết Giang, Sơn Đông…) và thu về 416 báo cáo kết quả.
Buổi họp báo với chủ đề "Báo cáo điều tra tình trạng bị quấy rối tình dục ở các nữ phóng viên" được tổ chức tại Trung Quốc vào ngày 8/3 vừa qua.
Những số liệu thực tế đã cho thấy, 83.7% nữ phóng viên bị quấy rối tình dục ở nhiều mức độ và hình thức khác nhau, nghĩa là cứ 10 người trong số các đối tượng tham gia khảo sát thì lại có tới hơn 8 người từng là nạn nhân của vấn nạn này.
42.4% trong số đó không chỉ bị quấy rối một lần, 18.2% bị quấy rối trên 5 lần.
Điều đáng lo ngại hơn là các nạn nhân bị quấy rối tình dục này phần lớn đều ở độ tuổi rất trẻ. Có tới 86,2% người đang ở độ tuổi tử 18-24 và số còn lại là từ 25-34.
Các con số được công bố này đã khiến dư luận không khỏi rúng động về thực trạng xâm hại, quấy rối tình dục mà các nữ nhà báo, phóng viên đã phải chịu đựng trong suốt thời gian qua.
Hơn một nửa trong số các nạn nhân đã ra sức nhấn mạnh rằng thực trạng này đang trở thành một vấn nạn và cần sự ngăn chặn công khai từ phía các cơ quan, tổ chức cũng như dư luận.
Đi sâu tìm hiểu về hậu quả của tình trạng quấy rối tình dục, số liệu thực tế đã chỉ ra rằng, sau khi bị quấy rối, có 61.5% nạn nhân bị hại cảm thấy tổn thương lòng tự trọng.
Cụ thể, trong 176 người bị quấy rối từ hai lần trở lên thì có 44 người cho biết việc này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc họ giao tiếp với người bình thường.
Với 22 nữ phóng viên khác, thì những vụ quấy rối tình dục có tác động nghiêm trọng đến sự nghiệp của họ, dẫn đến những quyết định như từ chức, từ chối chuyển công tác, thậm chí bỏ nghề.
Từ đó có thể thấy, nạn quấy rối trong ngành báo chí – truyền thông nói riêng cũng như quấy rối tình dục nơi công sở nói chung đã gây tổn thất nhân tài ở một mức độ nhất định.
Nghiêm trọng hơn, có 29 nạn nhân bị stress kéo dài và 10 người có khuynh hướng tự hại hoặc tự sát.
Những vụ quấy rối, xâm hại tình dục đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tinh thần của các nữ ký giả nói riêng và xúc phạm nghiêm trọng tới danh dự nghề báo. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Những phóng viên nữ này cho hay, mặc dù nghề nghiệp của họ là lên tiếng bảo vệ sự thật và lẽ phải, nhưng khi bản thân họ trở thành nạn nhân của xâm hại, quấy rối tình dục thì lại không mấy ai có dũng cảm đứng lên tố cao.
Điều này cũng phản ánh một thực trạng rõ ràng rằng, việc xử lý cũng như ứng phó với những rủi ro này đã trở thành một thách thức lớn.
Quấy rối tình dục trong làng báo - một vấn nạn tại đất nước đông dân nhất thế giới
Nhìn lại báo chí Trung Quốc nói riêng, có thể thấy rằng những vụ việc quấy rối tình dục trong ngành này dường như đã trở thành "vấn nạn".
Năm 2016, dư luận nước này đã không khỏi chấn động khi sự việc nữ thực tập sinh báo chí ở Đại học Tế Nam bị cưỡng bức bởi một nhà báo Quảng Châu, mà người này trên danh nghĩa chính là "thầy hướng dẫn thực tập" của cô bé ấy.
Đau lòng hơn, sau khi hành sự xong xuôi, đối tượng này còn lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nạn nhân để ém nhẹm vụ việc bằng cách tự ý chuyển tiền, ép cô gái lập tức tắm rửa sạch sẽ và uống thuốc tránh thai.
Từng có gần chục năm hoạt động trong nghề này, nhà báo Hoàng Tuyết Cầm cũng chia sẻ, cô đã từng phải trải qua cũng như nhiều lần chứng kiến tận mắt những vụ quấy rối tình dục này, ví dụ như nữ MC xinh đẹp bị sờ ngực, nữ phóng viên bị phó tổng biên tập sàm sỡ, hay nữ nhà báo bị quan chức địa phương chuốc rượu…
#Metoo là tên một chiến dịch được khởi xướng tại Mỹ nhằm vạch trần các hành vi quấy rối tình dục nhất là ở nơi làm việc. Tại nhiều nước trên thế giới và đặc biệt là Trung Quốc, phong trào này đã nhận được sự hưởng ứng đông đảo. (Ảnh: Nguồn Internet).
Cũng trong buổi họp báo 7/3 ấy, một nữ nhà báo giấu tên đã công khai nhiều tâm sự cay đắng khi trở thành nạn nhân của một vụ quấy rối tình dục:
"Ông ta kéo rèm cửa xuống, vừa hỏi tôi các vấn đề phỏng vấn, vừa giữ tay tôi và không ngừng sờ soạng khiến tôi vô cùng sợ hãi. Khi đang không biết phải làm thế nào thì tôi chợt nhìn thấy một cái cốc giữ nhiệt trên bàn.
Tôi đã cố tình làm đổ cái cốc rồi kêu lớn. Mấy người biên tập ở bên ngoài nghe thấy liền lập tức chạy vào hỏi thăm khiến ông ta vội buông tay, lúc đó tôi mới thoát được!"
Từ những số liệu thực tế cũng như tâm sự của nhiều người trong cuộc, có thể thấy, tình trạng quấy rối tình dục nơi công sở đang trở thành một vấn nạn đe dọa không chỉ ngành báo mà còn nhiều ngành nghề khác.
"Để bảo vệ quyền lợi cho phái nữ, cũng như làm trong sạch xã hội, việc ngăn chặn tình trạng này tuyệt đối không thể chậm trễ thêm nữa". – Đó chính là một trong những "lời kêu cứu" khẩn thiết được cất lên bởi những người trong cuộc...