Theo một báo cáo đăng trên CNBC, những người mua sắm hàng xa xỉ đang ngày càng trẻ hơn, với lượng mua hàng của một số người tiêu dùng mới nhất dự kiến sẽ tăng nhanh gấp ba lần so với thế hệ cũ trong thập kỷ tới.
Theo báo cáo từ công ty theo dõi thị trường Bain & Co, chỉ riêng năm 2022, thế hệ Millennials và GenZ chiếm toàn bộ mức tăng trưởng của thị trường hàng xa xỉ. Trong số đó, người tiêu dùng thuộc thế hệ GenZ đang bắt đầu mua hàng hiệu ở tuổi 15, sớm hơn từ 3-5 năm so với thế hệ Millennials.
Tuy nhiên, rắc rối xảy đến khi người trẻ không có đủ tài chính nhưng vẫn chi tiêu nhiều tiền cho hàng hóa xa xỉ.
Theo tờ Nhân Dân Nhật báo, tiêu dùng đã trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra khi triển vọng đầy hứa hẹn này một phần được thúc đẩy bởi nợ nần? Theo đó, nhiều người trẻ tại quốc gia này đang chật vật khi phải trả trước cho các khoản vay ngân hàng, tổ chức tín dụng và cả những dịch vụ cho vay nhỏ lẻ vì thói quen mua sắm hàng hiệu. Với họ, khi có tâm lý mong muốn sự hài lòng ngay lập tức, việc mắc nợ để sở hữu trước một món đồ xa xỉ cao cấp mà họ chỉ có thể mua được trong tương lai chắc chắn là điều có thể chấp nhận được.
Khảo sát của dịch vụ cho vay Rong 360 cho thấy 53% sinh viên đại học vay tiền để mua sắm các vật dụng đắt tiền như điện thoại iPhone, túi xách và mỹ phẩm. Nhiều sinh viên xem đây là “những vật dụng cơ bản cần có để hòa nhập với bạn bè”.
Tại Hàn Quốc và một số quốc gia châu Á khác, tình trạng tương tự cũng đang diễn ra. Ngày càng nhiều người trẻ tạm gác chuyện chuẩn bị tài chính cho tương lai để tìm cách chiều chuộng bản thân bằng những món hàng hiệu. Tình trạng tiêu dùng quá mức ở giới trẻ cũng xảy ra tại Úc, khi các chuyên gia cảnh báo về xu hướng “mua trước, trả sau” đang khiến các khoản nợ mua hàng hiệu gia tăng.
Tại sao người trẻ sẵn sàng gánh nợ để mua hàng hóa xa xỉ?
Điều gì thúc đẩy những người trẻ ưa chuộng mua sắm hàng hóa xa xỉ với số lượng cao, bất chấp gánh nặng nợ nần?
- Ảnh hưởng bởi mạng xã hội và người nổi tiếng
Một trong những cách tiếp cận mới để sản phẩm xa xỉ đến gần hơn với nhóm đối tượng trẻ tuổi là thông qua các nền tảng mạng xã hội và người nổi tiếng. Lý do khiến các thương hiệu không thể không tham gia chiêu bài này bởi sức thu hút mạnh mẽ đối với người tiêu dùng. Sự ảnh hưởng từ phong cách thời trang của các ngôi sao từ mạng xã hội mang đến cho các người trẻ một hình mẫu về lối sống xa xỉ.
Ở diễn biến khác, dưới sự phát triển của mạng xã hội và tâm lý peer pressure, nhiều người tăng nhu cầu “flex" sự giàu có và sang trọng của họ lên mạng xã hội. Càng lâu dần, người dùng có xu hướng đăng những thứ họ nghĩ bạn bè thích và điều chỉnh bản thân theo những gì người xem mong muốn và khát khao.
- Việc vay nợ dễ dàng hơn bao giờ hết
Theo Business Insider, sở dĩ người trẻ có thể mua sắm không phanh vì 3 động lực là thu nhập gia tăng, mạng xã hội và tín dụng tiêu dùng. Dưới thời đại của thẻ tín dụng như hiện nay, chưa bao giờ người trẻ lại dễ dàng “thanh toán trước trả tiền sau” với mọi mặt hàng, kể cả hàng hóa xa xỉ. Bên cạnh đó, công nghệ số đã giúp họ thuận lợi tiếp cận hơn với những khoản cho vay tín dụng, đáp ứng nhu cầu và mong muốn tiêu dùng tức thời.
Mặt khác, thế hệ này còn trẻ, tiếp cận được với nhiều cơ hội việc làm và là lực lượng lao động chủ chốt mà các tổ chức, doanh nghiệp ưa thích. Do đó, họ không ngại chi tiền mua đồ hiệu dù vượt quá khả năng chi tiêu vì quan điểm còn nhiều sức khoẻ và thời gian để đi trả nợ.
Bên cạnh thẻ tín dụng, một hình thức thanh toán được bắt nguồn từ các nước châu Âu và đang lan sang châu Á là mua ngay trả sau (Buy Now Pay Later - BNPL). Các thương hiệu xa xỉ đang thúc đẩy BNPL để nhắm đến đối tượng trẻ tuổi. Họ có thể đáp ứng nhu cầu mong muốn sở hữu túi hiệu nhanh, nhưng được kéo dài thời gian chi trả.
Marie Driscoll (Giám đốc điều hành về thời trang và xa xỉ tại Coresight Research, New York) chia sẻ: “Việc chia một lần mua hàng giá cao thành nhiều lần thanh toán cho phép khách hàng mua các sản phẩm họ muốn mà không gây áp lực lên các nhà bán lẻ”.
- Mua hàng xa xỉ giúp khẳng định vị thế xã hội
Các mặt hàng có giá cao luôn dễ dàng thu hút người tiêu dùng. Cho dù đôi khi tài chính không cho phép, nhiều người vẫn có thể quyết định mua một mặt hàng bằng mọi cách để đạt được cảm giác nhất định, ví dụ như sự tự thưởng hay thành tựu, hoặc tạo tâm lý mình đang giàu sang.
Theo McKinsey, Gen Z sẵn sàng chi tiền cho những thứ xa xỉ nhằm sở hữu những món đồ độc đáo giúp họ trở nên khác biệt và chứng tỏ sự độc bản của bản thân. Sasha Skoda (Giám đốc chuyên mục Phụ nữ tại The RealReal) cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến sự tăng trưởng giữa những người mua và người gửi hàng cao cấp thuộc Gen Z nhiều hơn bao giờ hết, đặc biệt khi những người mua sắm này săn lùng những món đồ độc đáo hơn để thể hiện phong cách cá nhân của họ”.