Hán Cao Tổ Lưu Bang sinh vào năm 256 TCN trong một gia đình nông dân ở huyện Phong (Giang Tô – Trung Quốc).
Mặc dù là Hoàng đế khai quốc của Hán triều, nhưng Lưu Bang sinh thời vốn không thích đọc sách, chữ nghĩa cũng ít, nên sau khi đăng cơ thường bị giới trí sĩ đương thời coi nhẹ.
Phàm là người có học ắt sẽ biết đạo nghĩa, đạo hiếu, nhưng Lưu Bang lại nổi danh là Hoàng đế "bất nghĩa", "bất hiếu" khét tiếng Trung Hoa. Thậm chí, vị vua này còn đem lòng thống hận cha ruột của mình vì những nhiều lý do.
Những chuyện hậu cung về Lưu Bang - Hoàng đế lưu manh, lỗ mãng của nhà Hán. Ảnh minh họa.
Bất chấp cả tình thân
Trong thời gian Hán – Sở tranh hùng, Lưu Bang từng thua trận ở Bành Thành, bị quân địch đuổi tới mức chạy trối chết.
Trên đường tháo chạy, Lưu Bang thấy xe ngựa chạy chậm, liền thẳng tay đẩy con trai, con gái của mình xuống xe. Người phu xe là Hạ Hầu Anh thấy vậy, không kìm lòng được, liền ôm tiểu thư và công tử lên xe.
Lưu Bang "ném" con 3 lần, Hạ Hầu Anh ôm chúng lên 3 lần. Lưu Bang liền quát: "Ta đang gặp nguy hiểm thế này, chẳng lẽ còn phải đèo bòng hai đứa nó? Vậy an nguy của ta thì sao?"
Hạ Hầu Anh nhịn không nổi, liền cả gan "cãi" lại chủ tử: "Đó là cốt nhục của Đại vương, sao có thể bỏ lại?"
Lưu Bang thẹn quá hóa giận, liền rút kiếm định chém Hạ Hầu Anh. Thấy vậy, Hạ Hầu Anh không dám bế 2 đứa trẻ lên xe mà đành…"cắp nách" chạy trốn.
Tục ngữ có câu "hổ dữ không ăn thịt con". Nhưng Lưu Bang tự nhận mình là "rồng", chẳng phải hổ, nên sẵn sàng chà đạp đạo lý ngàn đời này.
Cũng trong khoảng thời gian Hán Sở tranh hùng, Hạng Võ từng có lần đem phụ thân của Lưu Bang ra uy hiếp ông.
Khi ấy, Hạng Võ đẩy cha Lưu Bang lên trước đoàn quân và nói: "Nếu ngươi không rút binh, ta liền đem cha ngươi phanh thây!"
Tướng lĩnh quân Hán vô cùng khó xử, ai cũng cho rằng Lưu Bang sẽ vì bảo toàn tính mạng cho phụ thân mà hạ lệnh rút binh. Không ngờ họ Lưu này chẳng do dự mà đáp:
"Hai chúng ta từng kết nghĩa huynh đệ, cha ta cũng chính là cha ngươi, nếu ngươi nhất định muốn nấu thịt cha ngươi, thì nhớ để phần ta một bát canh thịt để ăn!"
Trước những lời lẽ tiểu nhân, vô tình của đối thủ, Hạng Võ không còn cách nào khác, đành phải hạ lệnh thả phụ thân của Lưu Bang.
Tính kế với cha ruột
Sau khi dựng nên đế nghiệp, Lưu Bang đưa phụ thân Lưu Thái Công vào trong cung, còn tặng cha một tòa cung điện. Người đời lúc bấy giờ đều xem đó là hành động tận hiếu của Hán Cao Tổ.
Lúc đầu, Lưu Bang đối với phụ thân Lưu Thái Công theo lễ "ngũ nhật nhất triều" (5 ngày đến thăm 1 lần) và phải bái kiến "giống như lễ cha con của thường dân".
Sau này, tổng quản của Thái Công cảm thấy không hợp nên đã tâu với chủ nhân:
"Hoàng đế tuy là con ngài, nhưng lại là chủ của bàn dân thiên hạ; ngài tuy là phụ thân của Hoàng đế, nhưng lại là một bề tôi, sao có thể để Hoàng đế bái kiến bề tôi? Làm như thế sẽ mất đi quyền uy".
Thái Công cho là đúng, đợi khi Lưu Bang đến thăm liền cầm chổi cung kính đứng bên cửa rồi đi giật lùi, hệt như nô bộc nghênh đón chủ nhân.
Lưu Bang thấy vậy, lúc đầu vờ tỏ ra kinh hãi, tức giận với thái giám tổng quản, nhưng sau lại vui vẻ ban thưởng cho tên hoạn quan kia năm trăm cân vàng.
Hành động này cho thấy rất có thể những lời khuyên khiến Thái Công thay đổi chỉ là một sự an bài của vị Hoàng đế "lưu manh" này mà thôi!
Giết hại công thần
Thuở hàn vi, Hán Cao Tổ Lưu Bang từng cùng "chiến thần" Hàn Tín đánh đông dẹp bắc, chia nhau từ manh áo tới bát cơm. Vậy nhưng Hàn Tín toàn tài thao lược, khiến Lưu Bang dần sinh lòng e ngại.
Trước đây, khi Lưu Bang bàn với Hàn Tín về tài năng của các tướng, ông có hỏi: Như ta thì có thể cầm được bao nhiêu quân?
Hàn Tín thằng thừng đáp: Bệ hạ chẳng qua chỉ cầm được mười vạn. Lưu Bang lại hỏi: Thế còn nhà ngươi thì cầm được bao nhiêu? Hàn Tín trả lời ngay: Thần thì càng nhiều càng tốt.
Lưu Bang cười nói: Càng nhiều càng tốt thì sao lại bị ta bắt? Hán Tín đáp: Bệ hạ không có tài cầm quân, nhưng có tài cầm tướng, vì vậy cho nên Tín mới bị bệ hạ bắt.
Sinh thời, Lưu Bang nổi danh là một vị vua thuộc vào hàng… "tiểu nhân". Thái độ của Tín đã khiến vị Hoàng đế họ Lưu này ghi thù. Đắc tội với bậc thiên tử chính là sai lầm lớn nhất của kẻ làm bề tôi như Hàn Tín.
Cũng vì câu nói ấy, Lưu Bang tìm mọi cách để trừ khử "cánh tay phải" của chính mình. Sau này, vị Hoàng đế "tiểu nhân" ấy cũng ra tay hạ sát không ít công thần như Anh Bố, Bành Việt…