Những chú mèo rừng ở Cúc Phương

Đức Anh |

Những ngày cuối năm, có dịp ghé thăm Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật - Vườn quốc gia Cúc Phương, chúng tôi được tận thấy những chú mèo rừng từng trải qua nhiều “pha” sinh tử, may mắn được đưa về đây chăm sóc, trở thành những đại sứ giáo dục.

Những chú mèo rừng ở Cúc Phương - Ảnh 1.

Hành trình về “mái nhà hạnh phúc”

Từ Hà Nội, sau khoảng hơn 2 giờ di chuyển, chúng tôi có mặt ở Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật - Vườn quốc gia Cúc Phương. Qua tìm hiểu, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật và Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam mới tiếp nhận một số cá thể mèo rừng cách đây một vài năm. Và những chú mèo rừng này được di chuyển về Chương trình Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê tại Vườn quốc gia Cúc Phương để bác sỹ điều trị, ổn định tâm lý và sức khỏe.

Những chú mèo rừng ở Cúc Phương - Ảnh 2.

Trước đó, qua điện thoại, điều phối viên Chương trình Hoàng Văn Thái nói rằng: “Muốn chạm mặt những chú mèo này phải ngủ lại buổi tối. Mèo rừng được bố trí sống trong một khu bán hoang dã để làm tăng dần các đặc tính tự nhiên. Đêm tối là lúc chúng mò đi kiếm ăn. Còn ban ngày chúng ẩn nấp trên các lùm cây nên rất khó để phát hiện”.

Chương trình Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã đã thành lập Trung tâm Giáo dục Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê đầu tiên tại Việt Nam nhằm chia sẻ về các hoạt động bảo tồn. Trung tâm được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết cho công tác giáo dục bảo tồn tại Việt Nam. 

Không gian sáng tạo và đầy tính tương tác ởđây giúp đông đảo cộng đồng khám phá, học hỏi về các loài sinh vật, hiểu được những mối đe dọa chúng phải đối mặt. Thông qua hoạt động, trung tâm sẽ huy động, khuyến khích cộng đồng cùng tham gia bảo vệ các loài vật quý hiếm này khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Và mèo rừng là một trong những loài trở thành đại sứ giáo dục với ý nghĩa đó.

Dẫn chúng tôi tham quan một vòng khu vực dành cho loài thú ăn thịt, điều phối viên Hoàng Văn Thái giới thiệu: “Hiện, ở trung tâm đang nuôi, chăm sóc 3 cá thể mèo rừng. Để tiện theo dõi và dễ bề chăm sóc, chúng tôi đặt tên một “em” là Sáng; một “em” là Đại Lải; còn em thứ ba chưa có tên. Sáng và Đại Lải không còn khả năng tái thả về môi trường tự nhiên, bởi trước khi cứu hộ về, cả hai đã bị chủ bắt và nuôi nhốt trong thời gian dài. 

Trung tâm đã quyết định nuôi để làm câu chuyện giáo dục cho các thế hệ về tình trạng nguy cấp của loài động vật này. Và một chú mèo rừng khác được giải cứu từ tỉnh Bình Định vào ngày 17/10/2022 trong tình trạng bị cụt chân. Hiện chú mèo này đang được điều trị và chăm sóc đặc biệt”.

Đại Lải là chú mèo rừng hoang dã đầu tiên sau khi người dân tìm thấy và giao nộp được đưa về Trung tâm vào ngày 18/4/2008. Lúc đó, Đại Lải mới được 3 tuần tuổi và nặng 290 gram. Vì thế, Trung tâm trở thành “mái nhà hạnh phúc” của Đại Lải. “Nhân viên trong Trung tâm chăm bẵm tỉ mỉ từ cho bú, cho ăn đến chăm sóc sức khỏe. Bởi thế, chú mèo dần mất đi khả năng tự nhiên của mình như: phân biệt kẻ thù, tìm mồi, nơi trú ẩn…”, Thái nói về lý do Đại Lải không thể tái hòa nhập với tự nhiên.

Còn chú mèo được đặt tên là Sáng được đưa về Trung tâm từ ngày 26/6/2017, là mèo cái. “Sáng được một người dân tình nguyện chuyển giao về trung tâm sau khi mua lại từ một nhà hàng tại Hà Nội. Khi được chuyển giao về trung tâm, Sáng mất gần hết cả bàn chân bên trái phía trước, chỉ còn lại duy nhất 1 ngón chân cái gắn liền với xương cẳng chân. Vết thương nặng khiến Sáng di chuyển rất khó khăn và không thể trở về với tự nhiên”, Điều phối viên Thái cho hay.

Những chú mèo rừng ở Cúc Phương - Ảnh 4.

Giáp mặt chú mèo đại sứ giáo dục

16h chiều, ngoài những điều phối viên của Trung tâm ra có xuất hiện thêm 4 bạn trẻ người Đức tại Trung tâm. Thái giới thiệu: “Đó là 4 bạn tình nguyện viên, họ ở và làm việc tại Trung tâm một năm, khi hoàn thành sẽ về nước. Công việc của họ là chăm sóc và làm những công việc hàng ngày như chúng tôi. 

Nhưng họ tự túc sinh hoạt, ăn ở, đi lại”. Theo đó, công việc mỗi ngày được chia làm hai ca, buổi sáng anh em chăm sóc, dọn dẹp chuồng trại, thiết lập không gian sống. Buổi chiều họ cùng nhau chế biến và cho động vật ăn. “Nghe thì đơn giản thế thôi, nhưng bận bịu còn hơn chăm con mọn đấy”, điều phối viên Hoàng Văn Thái cho hay.

Sau lời giới thiệu cùng cái bắt tay ấm áp các nhân viên bắt đầu với công việc “nội trợ” cho bữa ăn tối của những động vật nơi đây. Jas Mine là cô gái người Đức đọc qua bảng thực đơn trong ngày rồi nhanh chóng mở tủ lấy những đồ tích trữ. Cạnh đó, chàng trai trẻ Fren Derk thoăn thoắt chặt nhỏ từng tảng thịt và không quên đưa lên bàn cân để chia đều ra từng khẩu phần. “Suất ăn của Đại Lải và Sáng hôm nay có cá, thịt gà”, Fren Derk vừa chia phần thức ăn vào đĩa và cho biết 2 người bạn khác đồng hương của anh có nhiệm vụ cho những chú hải cẩu ăn.

Mèo rừng (Prionailurus bengalensis) là động vật nguy cấp quý hiếm, xếp trong nhóm IIB, Nghịđịnh 06/2019/NĐ-CP và Nghịđịnh 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Nhanh nhẹn, thuần thục, 2 tình nguyện viên đã chuẩn bị xong những phần thức ăn và đưa về các chuồng. Tại khu vực của 2 chú mèo Đại Lải và Sáng, Fren Derk chia thức ăn ra thành ba nơi khác nhau. Thái thấy chúng tôi thắc mắc liền giải thích: “Chia mỗi nơi mỗi phần để khi xuống mèo dễ tìm thấy thức ăn. Đặc tính của mèo rừng sau khi bị bẫy, bắt chúng luôn trong tình trạng sợ hãi. Vì thế, chúng sẽ nhanh chóng lấy miếng ăn và tha đi chỗ khác chứ không đứng ăn như mèo nhà”.

Đêm dần buông, tiếng dế ăn đêm bắt đầu rền vang, một vài chú đom đóm lạc đàn, lệch mùa bắt đầu hòa khúc ca giữa đại ngàn sâu thẳm. Thái hướng dẫn, nếu các anh muốn có những bức ảnh mèo đi ăn, hãy núp vào một góc khuất và ngồi yên tĩnh mới săn được. Gần như ngồi bất động sau gần một tiếng đồng hồ bên góc chuồng, cũng là lúc tiếng lắc của cành cây, tiếng sột soạt từ lá khô vẳng lại. Những âm thanh rất nhẹ và khẽ ấy ngày càng rõ hơn. Thái thì thầm với tôi: “Đại Lải bắt đầu xuống tìm đồ ăn đấy”. Chỉ vài phút sau, tiếng sột soạt rõ dần tiến về phía chiếc khay đồ ăn mà tình nguyện viên để lúc chiều.

Đại Lải vào ăn vài phút thì Thái bật đèn pin rọi thẳng vào mắt nó. Ánh đèn thu hút ánh nhìn và khiến chú mèo không bỏ chạy. Đại Lải với màu lông vằn vện đập vào mắt chúng tôi. Đôi mắt sáng quắc, hai chiếc tai dựng ngược, thỉnh thoảng lại rung lắc, giật giật như để lắng nghe từng âm thanh xung quanh. Chừng 10 phút đánh chén bữa tiệc Đại Lại quay ngoắt nhảy phắt lên cành cây và khuất dần trong bóng tối. Phía khu vực chuồng của Sáng, nhóm mật phục khác của chúng tôi sau hơn hai giờ đành bỏ cuộc. 

Theo giải thích của những chuyên gia ở đây, có thể khi bị thợ săn bẫy về Sáng là mèo trưởng thành, cộng với việc đã dính bẫy một lần nên chú ta khá cẩn thận. “Cái khó khăn lớn nhất đối với chúng tôi không phải là giải cứu, mà là việc sau khi giải cứu. Mỗi lần tái thả chúng về với tự nhiên sẽ phải cực kỳ bí mật, bởi nếu lộ là thợ săn có thể rình và bẫy chúng lại bất cứ lúc nào”, Thái chia sẻ sau buổi giáp mặt chú mèo Đại Lải.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại