Một giáo sư đại học ở Nam Carolina đang gióng lên hồi chuông cảnh báo sau khi bắt gặp một sinh viên sử dụng ChatGPT — chatbot (chương trình kết hợp với trí tuệ nhân tạo để tương tác với con người) được coi là thông minh nhất thế giới hiện nay – để viết một bài luận cho lớp triết học của mình.
Được phát triển bởi OpenAI, ChatGPT có thể trả lời mọi câu hỏi về kiến thức chuyên sâu của người dùng như "Giải thích định luật chuyển động của Newton", cho đến những đề tài mang tính triết học kiểu "Ý nghĩa cuộc sống là gì?", hay thậm chí là vấn đề cá nhân như "Hôm nay tôi nên mặc gì khi nhiệt độ ngoài trời 40 độ?". Thậm chí, ChatGPT còn có thể lập trình hoặc sửa lỗi những đoạn code ở đủ loại ngôn ngữ lập trình phổ biến, hay viết các luận văn học thuật nếu được yêu cầu.
Sự đa tài của ChatGPT, cũng như việc công cụ này được ra mắt rộng rãi cho công chúng, lại được coi là một đòn giáng mạnh vào ngành giáo dục bậc cao, vốn đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng gian lận tràn lan.
Được đào tạo dựa trên một cơ sở dữ liệu khổng lồ, ChatGPT có thể trả lời mọi câu hỏi dựa trên đề bài mà người dùng đưa ra - Ảnh: Internet.
"Giới học thuật gần như không thể ngờ đến việc này. Vì vậy, chúng tôi gần như bị che mắt bởi nó," Darren Hick, phó giáo sư ngành triết học của Đại học Furman nói.
"Ngay sau khi tôi chia sẻ điều này lên Facebook, những đồng nghiệp [trong giới học thuật] của tôi đã nói, 'Vâng, tôi cũng phát hiện được một trường hợp'".
Đầu tháng này, ông Hick đã hướng dẫn cả lớp viết một bài luận dài 500 từ về nhà triết học thế kỷ 18 David Hume và nghịch lý của sự kinh hoàng, trong đó xem xét cách mọi người có thể tận hưởng điều gì đó từ thứ mà họ sợ hãi. Các sinh viên sẽ làm bài luận tại nhà và nộp lại cho giảng viên sau đó.
Tuy nhiên, trong quá trình chấm điểm, ông đã phát hiện một bài luận có dấu hiệu sử dụng AI để làm bài.
"Đó là một văn phong khá mạch lạc và trôi chảy. Nhưng nó vẫn có thể bị nhận ra. Tôi muốn nói rằng nó giống như một bài luận được viết bởi một học sinh lớp 12 vốn rất thông minh", Hick nhận xét về bài luận được cho là 'chấp bút' bởi ChatGPT.
"Có một cách dùng từ trong bài tương đối lạ. Nó không sai, chỉ khác thường… nếu bạn đang dạy ai đó cách viết một bài luận, thì đây là cách bạn bảo họ viết ra nó trước khi họ tìm ra phong cách viết của riêng mình."
OpenAI mới công bố công cụ gây tranh cãi. Tuy nhiên, người dùng tại Việt Nam vẫn chưa được dùng thử ChatGPT - Ảnh: GettyImage.
Khó xử lý hình thức gian lận bằng AI
Đáng nói, việc kỉ luật sinh viên kia về tội gian lận không hề dễ dàng. Mặc dù có rất nhiều kinh nghiệm về vấn đạo đức đằng đau luật bản quyền cũng như kinh nghiệm xử lý các trường hợp 'đạo văn', phó giáo sư Hick tin rằng việc chứng minh bài luận được viết bởi ChatGPT gần như bất khả thi.
Đầu tiên, vị giáo sư này đưa bài luận bị nghi ngờ vào một phần mềm kiểm tra đạo văn, vốn cũng được phát triển bởi chính 'cha đẻ' của ChatGPT, để xác định xem liệu đoạn văn bản này có được viết bởi AI hay không.
Kết quả được trả lại là 99,9%, đồng nghĩa với việc bài luận thực sự được viết bởi AI. Tuy nhiên, không giống như các phần mềm phát hiện đạo văn tiêu chuẩn – hoặc một bài luận được viết rất công phu – phần mềm này không đưa ra bất kì trích dẫn nào để làm dẫn chứng cho kết quả nó đưa ra.
Ông Hick sau đó đã thử tạo ra một bài luận tương tự bằng chính ChatGPT, dựa trên một số đề bài mà ông tưởng tượng sinh viên của mình đã hỏi. Cách làm này đã mang lại các câu trả lời tương tự. Tuy nhiên, nội dung của nó lại không hề trùng khớp hoàn toàn với nội dung của bài luận bị nghi ngờ. Lý do là bởi, ChatGPT tạo ra các câu trả lời độc nhất, không lặp lai.
Cuối cùng, ông Hick quyết định chất vấn trực tiếp với sinh viên (được cho là) đã sử dụng ChatGPT để gian lận. Kết quả, sinh viên này bị đánh trượt bộ môn đó, đồng thời cũng bị chịu hình thức xử lý từ hiệu trưởng trường.
Darren Hick, phó giáo sư ngành triết học của Đại học Furman lo ngại về mối nguy mà ChatGPT mang lại cho ngành giáo dục
Tuy nhiên, ông Hick cũng bày tỏ sự lo ngại về việc khó có thể chứng minh được các trường hợp gian lận khác. Một thời điểm nào đó, ông cùng các đồng nghiệp của mình sẽ bị gặp khó khăn bội phần khi tình trạng gian lận bằng AI phổ biến hơn. Đây là một sự lo ngại có cơ sở, trong bối cảnh trường đại học Furman đang gặp khó trong việc thiết lập các quy định để chống lại việc gian lận bằng công nghệ.
Hiện tại, ông Hick đang áp dụng phương pháp kiểm tra miệng đột ngột với các sinh viên bị nghi ngờ, khi những người này sẽ không thể được hỗ trợ bằng AI.
"Điều khó khăn ở đây là, không giống như việc thuyết phục một người bạn hoặc trả tiền cho một ai đó trên mạng để viết bài luận hộ cho bạn, việc sử dụng AI vừa nhanh vừa miễn phí", ông Hick ngậm ngùi nói.
Chưa dừng lại ở đây, ông Hick lo ngại rằng, việc phát hiện điểm bất thường trong các bài luận được viết bởi AI sẽ ngày một ít hơn, trong bối cảnh ChatGPT tiếp tục học hỏi và hoàn thiện công nghệ của mình,
"Đây là phần mềm học tập — trong một tháng, nó sẽ thông minh hơn. Trong một năm nữa, nó sẽ thông minh hơn", ông nói. "Bản thân tôi cảm thấy lẫn lộn giữa nỗi kinh hoàng khủng khiếp và ý nghĩa của nó đối với công việc hàng ngày của tôi — nhưng nó cũng rất hấp dẫn, nó vô cùng hấp dẫn".
Tham khảo New York Post