Ngày 26/4/1986, lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl tại thành phố Pripyat, Ukraine - khi ấy còn là một phần của Liên bang Xô viết - bất ngờ phát nổ, gây ra một trong những thảm họa hạt nhân kinh hoàng nhất lịch sử.
Vụ nổ, tương đương với động đất 2,5 độ richter, khủng khiếp đến mức bụi phóng xạ xuất hiện ở Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan, cách nhà máy hơn 1.600km. Tính toán cho thấy, lượng bức xạ phát ra từ vụ nổ Chernobyl nhiều gấp 400 lần so với sự kiện Mỹ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima năm 1945.
Hơn 350.000 người dân tại thành phố Pripyat phải di tản khẩn cấp vì lượng chất phóng xạ lên đến mức cực kỳ nguy hiểm. Đến nay, 33 năm đã trôi qua, vùng có bán kính 40km xung quanh nhà máy vẫn không có dấu hiệu sự sống, không ai dám bén mảng tới gần, biến nó trở thành "vùng đất chết chóc" không biết bao giờ mới được hồi sinh.
Bất chấp nhiều rủi ro liên quan đến sức khỏe, nhiếp ảnh gia người Nga, Igor Kostin, vẫn cố gắng tiếp cận để ghi lại những hình ảnh "đắt giá" về không khí lạnh lẽo bên trong nhà máy hạt nhân Chernobyl ngay sau khi thảm họa xảy ra.
Trong những năm sau đó, ông vẫn tiếp tục theo dõi và ghi lại câu chuyện về mảnh đời bất hạnh không may là nạn nhân của thảm họa tàn khốc nhất lịch sử. Ông còn xuất bản một cuốn sách ảnh có tên Chernobyl: Confessions of a Reporter (tạm dịch: Chernobyl: Lời giãi bày của một phóng viên).
Dưới đây chỉ là một vài trong số vô vàn bức ảnh mà nhiếp ảnh gia Igor Kostin đã ghi lại được. Chẳng cần một lời nói nào cả nhưng nhìn vào những bức ảnh ấy người ta có thể mường tượng được phần nào mức độ khủng khiếp và nỗi đau đớn mà các nạn nhân phải gánh chịu.
Ngày 27 tháng 4 năm 1986: Bức ảnh đầu tiên chụp lò phản ứng vào lúc 4 giờ chiều, 14 giờ sau vụ nổ. Ảnh chụp từ chiếc trực thăng đầu tiên bay qua vùng thảm họa để đánh giá mức độ phóng xạ. Mọi thứ bị nhòe đi không phải do chất lượng ảnh mà là do bức xạ.
Tháng 5 năm 1986: Một máy bay trực thăng phun thuốc khử trùng. Sau vụ nổ, nhà máy điện hạt nhân phủ đầy bụi phóng xạ.
Nhân viên rửa sạch bụi phóng xạ trên đường phố bằng một sản phẩm có tên là "bourda", nghĩa là mật mía.
Tháng 5 năm 1986: Trong khu vực cấm đi bộ 30km quanh lò phản ứng hạt nhân, các nhân viên đo mức độ phóng xạ ở khu vực lân cận bằng cách sử dụng bộ đếm bức xạ, mặc trang phục bảo vệ chống phóng xạ và đeo mặt nạ.
Tháng 6 năm 1986: Những con cá, trong hồ nước nhân tạo trong khu vực Chernobyl được sử dụng để làm mát các tuabin, nằm chết la liệt trên bờ do nhiễm phóng xạ.
Tháng 6 năm 1986: Phần còn lại của lò phản ứng số 4, hình ảnh được chụp từ mái của lò phản ứng số 3.
Quân đội không có trang phục đầy đủ để sử dụng trong điều kiện phóng xạ, vì vậy những người bước vào khu vực nhiễm phóng xạ phải tự trang bị quần áo làm từ những tấm chì dày 2-4mm. Những tấm này được cắt theo kích thước để che thân trước và sau, đặc biệt là để bảo vệ cột sống và tủy xương.
Tháng 9 năm 1986: Những người công nhân đang làm sạch mái lò phản ứng số 3. Ban đầu, họ dùng robot của Tây Đức, Nhật Bản và Nga để dọn sạch phóng xạ, nhưng những con robot cũng không thể đối phó với mức độ phóng xạ cực cao, vì vậy chính quyền đã quyết định sử dụng con người.
Tháng 10 năm 1986: Để đánh dấu sự kết thúc của hoạt động dọn dẹp trên lò phản ứng số 3, các nhà chức trách đã yêu cầu ba người đàn ông gắn một lá cờ đỏ lên đỉnh ống khói.
Tháng 11 năm 1986: Hans Blix (giữa), giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, cùng một số lãnh đạo Xô Viết, xem một đoạn video chi tiết các hoạt động làm sạch phóng xạ.
Tháng 1 năm 1987: Trong một đơn vị bức xạ đặc biệt ở Moscow, một công nhân tham gia làm sạch phóng xạ được bác sĩ kiểm tra trong phòng máy lạnh, vô trùng sau ca phẫu thuật.
Tháng 8 năm 1987: Ngôi làng Kopachi bị chôn vùi. Ngôi làng này nằm cách lò phản ứng Chernobyl 7km, nơi đặt phòng điều khiển và khử nhiễm trong những tháng sau thảm họa.
Mùa hè 1987: Các chuyên gia di truyền học và thực vật học lưu ý rằng nhiều loài thực vật đã bị đột biến, phát triển với kích thước khổng lồ.
1988: Người thân tham dự lễ tang của chuyên gia phóng xạ Alexander Goureïev, một trong những người tham gia dọn dẹp mái lò phản ứng số 3.
1988: Nhiếp ảnh gia Kostin đã phát hiện ra đứa trẻ dị dạng này trong một ngôi trường đặc biệt dành cho trẻ em bị bỏ rơi ở Belarus. Bức ảnh được đăng tải trên báo chí địa phương ở Belarus và cậu bé được đặt cho biệt danh là 'Đứa trẻ Chernobyl'. Sau đó bức ảnh được in trên tạp chí Stern của Đức và trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Đứa trẻ được một gia đình người Anh nhận nuôi. Cậu bé đã trải qua nhiều ca phẫu thuật và hiện đang sống một cuộc sống tương đối bình thường.
Tháng 8 năm 1989: Những người biểu tình ở thủ đô Kiev (Ukraine) yêu cầu chính phủ công khai các tài liệu bí mật về thảm họa Chernobyl.
Tháng 12 năm 1989: Cây táo bị nhiễm độc có treo tấm biển cảnh báo nằm trong khu vực cấm đi bộ 30km quanh khu vực nhà máy hạt nhân, 3 năm sau vụ nổ.
1992: Một dân làng từ chối rời khỏi nhà của bà trong khu vực cấm bất chấp việc đất đai đã bị nhiễm phóng xạ rất nặng.
Mùa hè năm 1991: Hình ảnh nhiếp ảnh gia Kostin ngồi bên ô cửa sổ của một trạm kiểm soát ở lối vào Pripyat - thị trấn ma có mức phóng xạ rất cao.
Ngày 12 tháng 10 năm 1991: Ít người biết rằng đã có một vụ nổ thứ hai tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl vào ngày 11 tháng 10 năm 1991 trong phòng tua-bin của lò phản ứng số 2.
Tháng 6 năm 1992: Kostin thăm lại phòng máy của lò phản ứng số 4.
Những cánh đồng bị ô nhiễm, bị bỏ hoang và một con đường không sử dụng nằm trong khu vực cấm xung quanh vùng Chernobyl.
(Nguồn: The Guardian)