Hình ảnh mô phỏng xác tàu U-boat số hiệu U-864. Ảnh: RT
Theo RT, tàu ngầm U-boat 2.400 tấn của Đức Quốc xã bị Hải quân Anh tấn công cách đây hơn 60 năm ở khu vực ngoài khơi bờ biển Na Uy.
Trải qua nhiều thập kỉ nằm ở độ sâu 152m dưới đáy biển, tàu ngầm U-boat – hay còn gọi là “Chernobyl dưới đáy biển” vẫn tiếp tục thải chất độc thủy ngân từ 1.800 thùng chứa gỉ sét ra môi trường.
Ước tính khoảng 4 kg thủy ngân bị rò rỉ ra ngoài mỗi năm, gây ô nhiễm cho 30.000 mét vuông đáy biển cùng các loài cá sinh sống trong khu vực này.
Để đảm bảo an toàn, chính quyền Na Uy buộc phải ban hành lệnh cấm đánh bắt tại khu vực 2 dặm ngoài khơi bờ biển Bergen.
Mới đây, một công ty Hà Lan có tên Van Oord đã được chính phủ Na Uy thuê để tiến hành đổ 100.000 tấn sỏi đá vụn xuống biển, nhằm vùi lấp xác tàu ngầm U-boat cùng khu vực đáy biển nhiễm hóa chất độc hại rộng hơn 44.000 mét vuông.
Dự án chôn vùi xác tàu U-boat tiêu tốn khoảng 32 tỉ USD, và dự kiến sẽ được tiến hành từ đầu năm 2019 đến khoảng năm 2020.
Kỹ thuật này sẽ giúp phong tỏa được khoảng 30 khu vực bị nhiễm độc thủy ngân trầm trọng.
Tuy nhiên, Cục Quản lý Bờ biển Na Uy cho biết đây không phải là giải pháp lâu dài, mà chỉ là phương pháp trì hoãn ngăn không cho 65 tấn thủy ngân tiếp tục rò rì ra biển trong nhiều thập kỉ tới.
Trước đó, nhiều người từng bày tỏ mong muốn được trục vớt xác tàu và đưa lên bờ. Nhưng các nhà chứng trách lo ngại việc này có thể khiến các thùng thủy ngân bị vỡ tung.
Tàu ngầm mang số hiệu U-864 của phát xít Đức bị tấn công hồi năm 1945 khi đang trên đường đến Nhật Bản. Vụ tấn công khiến toàn bộ 73 thành viên thủy thủ đoàn trên tàu thiệt mạng.
Xác tàu được phát hiện vào tháng 3/2003 bởi một máy quét của Hải quân Hoàng gia Na Uy.
Theo RT