Những bài học sâu sắc từ chiến thắng Điện Biên Phủ trong ký ức của lãnh đạo TP Saint Petersburg

Tâm Hằng |

Phóng viên TTXVN tại Nga có cuộc trò chuyện với ông Evgeny Grigoriev - Chủ tịch Ủy ban đối ngoại thành phố Saint Petersburg, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những bài học từ chiến thắng Điện Biên Phủ.

Những bài học sâu sắc từ chiến thắng Điện Biên Phủ trong ký ức của lãnh đạo TP Saint Petersburg- Ảnh 1.

Chủ tịch Ủy ban đối ngoại thành phố Saint Petersburg trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại LB Nga. Ảnh: TTXVN phát

70 năm qua, Điện Biên Phủ đã trở thành danh từ phổ biến được quốc tế biết đến, với một chiến công của bên yếu trước bên mạnh nhờ vào chính nghĩa, mưu trí và quyết tâm. Ông Evgeny Grigoriev - Chủ tịch Ủy ban đối ngoại thành phố Saint Petersburg của LB Nga đã đến Việt Nam công tác khi còn là nhà ngoại giao trẻ. Và cuộc gặp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đại biểu thanh niên đã trở thành một kỷ niệm khó quên. Phóng viên TTXVN tại Nga đã có cuộc trò chuyện với ông về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những bài học chung cũng như bài học cho riêng cá nhân ông từ chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trong chuyến công tác tới Việt Nam khoảng năm 1990, ông Grigoriev có dịp gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc gặp gỡ của Đại tướng với đại biểu thanh niên. Cho đến giờ, ông vẫn gọi đây là dịp may hiếm có. Ông Grigoriev được gặp vị anh hùng của Quân đội Việt Nam, lắng nghe Đại tướng trả lời các câu hỏi thú vị của đại biểu thanh niên và cảm nhận ông là một nhân cách lớn.

Ông Grigoriev chia sẻ, chính từ ấn tượng về Đại tướng mà ông bắt đầu đọc và tìm hiểu sâu hơn về cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam và về chiến dịch Điện Biên Phủ. Bài học đầu tiên mà ông cảm nhận đó là bài học về sức mạnh của ý chí. Ông Grigoriev nhắc lại câu nói hóm hỉnh của Đại tướng khi được hỏi về tổn thất của hai bên trong chiến dịch. Khi đó, Đại tướng nói: “Chúng tôi không thiệt hại một chiếc xe tăng nào cả, vì chúng tôi không có xe tăng, nhưng chúng tôi có ý chí”. Và sau này khi nói về chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng nói: “Chúng tôi không mất một chiếc B-52 nào cả, vì chúng tôi không có B-52, nhưng chúng tôi có ý chí”.

Một quân đội không có xe tăng đã chiến thắng đội quân hiện đại có cả không quân. Điều đó chỉ có thể giải thích bằng sức mạnh của ý chí. Người đứng đầu Ủy ban đối ngoại của thành phố Saint Peterrsburg khẳng định, chiến thắng Điện Biên Phủ cho thấy không có khó khăn nào không thể vượt qua nếu có quyết tâm, có ý chí. Ý chí và quyết tâm, sự ủng hộ của nhân dân đã làm được những điều mà ngay cả tiền bạc, vũ khí hay sức mạnh không thể làm được.

Ông Grigoriev cũng chỉ ra rằng tinh thần Điện Biên Phủ đã được tiếp nối ở Chiến dịch Hồ Chí Minh. Bộ đội Việt Nam đã dùng xe đạp và cõng trên lưng qua đường mòn Hồ Chí Minh vận chuyển vào chiến trường miền Nam vũ khí, đạn dược, xe máy, lương thực, thực phẩm. Ông Grigoriev gọi đây là điều không tưởng và đây chính là sức mạnh giúp Việt Nam chiến thắng.

Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Saint Petersburg so sánh trận đánh Điện Biên Phủ với trận chiến Stalingrad (tên gọi cũ của Saint Peterburg) trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, khi người dân thành phố vượt qua hàng trăm ngày đêm bị phong tỏa để đánh bại đội quân phát xít, tạo nên bước ngoặt của cuộc chiến. Nhắc đến sự tương đồng này ông Grigoriev nói, mỗi dân tộc đều có cuộc chiến của mình. Và bên tham chiến nào cũng đều có kế hoạch, phương tiện, lực lượng..., song có thắng được hay không thì phụ thuộc vào việc dân tộc đó có ý chí chiến thắng hay không.

Một bài học khác của chiến thắng Điện Biên Phủ với ông Grigoriev là bài học quốc tế. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã khích lệ các dân tộc, trước hết là các nước lân cận, đứng lên giành độc lập, vững tin vào sức mạnh ý chí và khát vọng độc lập để chống lại chủ nghĩa thực dân đô hộ. Sau này, ông Grigoriev đã có nhiều chuyến công tác đến các nước khác ở khu vực như Lào và Campuchia, gặp gỡ nhiều lãnh đạo ở đây. Qua trò chuyện, ông hiểu thêm rằng chiến thắng Điện Biên Phủ là nguồn cảm hứng để chiến thắng ở những nước này.

Bài học thứ ba đối với cá nhân ông Grigoriev đến từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng đã khiến nhà ngoại giao Nga nhớ đến câu nói ở Việt Nam “ra ngõ gặp anh hùng”. Ông Grigoriev hoài niệm: “Tôi còn nhớ lần đó tôi đã rất ấn tượng về Đại tướng. Thật khó tin người đàn ông thấp nhỏ, có vẻ bề ngoài hiền lành giống như một người làm nông ấy lại là người chỉ huy quá trình chuẩn bị và rồi làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng năm 1954".

Ông Grigoriev kể lại rằng hôm đó Đại tướng có những nhận định rất sắc, rõ ràng, thể hiện tư duy rất minh mẫn dù tuổi đã cao. Và sau này khi đã nghiên cứu sâu hơn, ông hiểu mình đã gặp một người dành trọn cuộc đời để đấu tranh cho lợi ích của Tổ quốc và dân tộc.

Về ý nghĩa của việc giáo dục lịch sử cho thanh niên, ông Grigoriev nhắc lại rằng chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng từng nhấn mạnh, không bao giờ được quên lãng lịch sử và phải giáo dục cho thanh niên điều đó. Riêng cá nhân ông trong  hợp tác với Việt Nam sau này cũng luôn nhớ lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đó nói rằng trong kinh tế quân sự có giới hạn, song không có giới hạn trong quan hệ con người, trong tình cảm con người và trong nhân dân.

Lãnh tụ Hồ Chí Minh có câu “Không có gì quý hơn độc lập tự do!” và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cống hiến hết mình để làm nên tự do ấy. Chủ tịch Ủy ban đối ngoại thành phố Saint Petersburg kết luận như vậy về vị Đại tướng kính mến của Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại