Nhức nhối những khu ổ chuột “chết người” tại Hồng Kông

Mỹ Linh |

Thành phố đang phải vật lộn để kiềm chế sự gia tăng ổ bệnh mới tập trung tại các tòa nhà chung cư cũ nát ở các khu dân cư phía nam Kowloon, nơi nhiều cư dân thu nhập thấp sống trong điều kiện chật chội.

Những khu nhà đông đúc ở Kowloon là mầm mống khiến Covid-19 bùng phát ở Hong Kong. Đã đến lúc cần giải quyết vấn đề nhà ở không đạt tiêu chuẩn tại một trong những thành phố giàu có nhất thế giới.

Đại dịch Covid-19 đã tàn phá nền kinh tế Hồng Kông. Nó cũng sẽ buộc chính quyền thành phố phải giải quyết một vết nhơ dai dẳng: thực tế là quá nhiều người, ở một trong những thành phố giàu nhất thế giới, sống trong những ngôi nhà mà diện tích không lớn hơn một chỗ đậu xe.

Với các biện pháp nghiêm ngặt, thành phố đã kiểm soát được các ca nhiễm trong phần lớn năm 2020. Tuy nhiên, giờ đây thành phố đang phải vật lộn để kiềm chế sự gia tăng ổ bệnh mới tập trung tại các tòa nhà chung cư cũ nát ở các khu dân cư phía nam Kowloon, nơi nhiều cư dân thu nhập thấp sống trong điều kiện chật chội. Hiện hàng nghìn người, trong đó có nhiều người là người di cư Nam Á, đang phải tuân theo lệnh kiểm tra bắt buộc.

Nhức nhối những khu ổ chuột “chết người” tại Hồng Kông - Ảnh 1.

Sự bùng phát tại các khu ổ chuột đang kéo dài làn sóng gia tăng đột biến ca nhiễm mới ở Hồng Kông (Nguồn: Bloomberg)

Các căn hộ chia nhỏ - những căn hộ được làm từ các căn hộ hoặc tòa nhà sẵn có - là biểu tượng cho sự thất bại của chính phủ trong việc giải quyết tình trạng thiếu nhà ở của thành phố, sự thoái thác trách nhiệm đã góp phần làm gia tăng bất bình đẳng và mâu thuẫn xã hội. Thời gian chờ đợi cho một đơn vị căn hộ nhà ở xã hội là gần sáu năm, và thường lâu hơn đáng kể đối với những người không được coi là tầng lớp ưu tiên. Hàng trăm nghìn người phải trả những khoản tiền thuê cực kỳ đắt đỏ để sống trong những công trình kiến ​​trúc xiêu vẹo, với hệ thống thông gió kém và hệ thống ống nước và nước thải tạm bợ.

Những cư dân như vậy - và nhiều người khác sống trong những khu nhà ở không an toàn gần hết tuổi thọ khác - đều có ít ảnh hưởng chính trị nên thường bị bỏ qua. Sự gia tăng ca nhiễm ở khu vực Yau Tsim Mong như một lời nhắc nhở rằng việc một nhóm thành viên yếu thế hơn trong xã hội bị bỏ rơi có thể gây nguy hiểm cho cả cộng đồng nói chung. Như David Fickling, từ Bloomberg Opinion, đã quan sát thấy vào năm ngoái, việc không bảo vệ những người thu nhập thấp và thất nghiệp ở mức độ tương tự như những người khá giả đã khiến Covid-19 hoành hành trong các cộng đồng trên toàn thế giới.

Các khu nhà chật chội còn ẩn chứa nguy cơ hỏa hoạn. Chúng cũng là môi trường lý tưởng cho virus lây lan trong không khí. Theo một báo cáo năm 2016 của cơ quan thống kê và điều tra dân số của chính phủ, diện tích sàn bình quân đầu người của các căn hộ chia nhỏ ở Hồng Kông là 5,3 mét vuông (57 feet vuông), trong đó con số này so với mức trung bình trên đầu người là 161 feet vuông cho toàn bộ Hồng Kông. Trung bình ở Singapore là 323 feet vuông.

Các thảm họa đã thúc đẩy hành động trong quá khứ. Một ngọn lửa bùng lên giữa những căn nhà tạm bợ trên sườn đồi Shek Kip Mei vào ngày Giáng sinh năm 1953 đã gieo mầm cho các chương trình nhà ở xã hội lớn đầu tiên của Hồng Kông. Gần đây hơn, đợt dịch Hội chứng hô hấp cấp tính nặng năm 2003 (SARS) đã dẫn đến những thay đổi trong chính sách y tế công cộng nhằm phục vụ tốt hơn cho thành phố, ngay cả khi đợt bùng phát hiện tại cho thấy mức độ chưa hoàn thiện của chúng. Hồi đó, các đường ống được bảo dưỡng không tốt đã gây ra những hệ quả đắt giá. Tại Amoy Gardens, một khu nhà ở nơi mà virus được phát hiện đã lây lan qua các phòng tắm trong căn hộ rộng 48 mét vuông, 329 người đã bị nhiễm bệnh, hai phần năm trong số đó là cư dân trong một tòa nhà. Tổng cộng, 42 người chết, chiếm hơn 10% số ca tử vong do SARS ở Hồng Kông.

SARS đã thúc đẩy Hồng Kông quan tâm nhiều hơn đến tầm quan trọng của luồng không khí ở một trong những thành phố đông dân nhất thế giới, và thành phố này đã thông qua hệ thống đánh giá thông gió vào năm 2006. Kết quả là, kế hoạch cho thị trấn mới Tseung Kwan O đã bị thay đổi, giảm chiều cao xây dựng và mật độ phát triển, cắt giảm dân số dự kiến ​​từ 480.000 xuống 456.000 người, đồng thời tạo hành lang thông gió.

Quả thực, sự tồn tại và liên tục xuất hiện của các khu ổ chuột là một thách thức lớn. Tình trạng thiếu nhà ở bắt nguồn từ sự sụt giảm giá sau năm 1997, khi chính phủ đóng băng nguồn cung đất để hỗ trợ thị trường. Kể từ khi chạm đáy vào năm 2003, giá nhà đã tăng hơn 5 lần, biến Hồng Kông trở thành một trong những nơi nhà ở đắt đỏ nhất. Giải quyết vấn đề này đồng nghĩa với việc định hình lại nền kinh tế chính trị của Hồng Kông, vốn đang cuốn chính quyền thành phố và các nhà phát triển bất động sản vào một vòng xoay cộng sinh không lành mạnh. Đó chẳng phải là điều dễ dàng.

Nhức nhối những khu ổ chuột “chết người” tại Hồng Kông - Ảnh 3.

Với mức giá trung bình gần gấp đôi New York, những ngôi nhà ở Hồng Kông là đắt nhất thế giới (Nguồn: CBRE Global Living Report 2020)

Theo Bloomberg

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại