Nhốt trong lồng, bắt chống đẩy: Biện pháp các nước phạt người vi phạm "giãn cách xã hội"

Minh Khôi |

Cơ quan chức năng nhiều nước đang áp dụng những biện pháp chưa từng có nhằm ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch Covid-19.

Ấn Độ: Phạt quỳ, bò, hít đất

Tại Ấn Độ, cảnh sát đã sử dụng gậy để đánh cảnh cáo những người không tuân thủ lệnh phong toả hoặc không duy trì khoảng cách an toàn tối thiểu, ngoài ra, lực lượng chức năng cũng áp dụng những cách thức để "bêu" người vi phạm ở nơi công cộng như bắt chống đẩy, bò hay lăn trên phố.

Một đoạn video ghi lại hình ảnh cảnh sát viết dòng chữ "Tôi đã phi phạm lệnh phong toả, hãy tránh xa tôi" trên trán của một người đàn ông đã được chia sẻ rộng rãi ở quốc gia Nam Á. Vivek Raj Singh, người phát ngôn cảnh sát bang Madhya Pradesh cho biết người cảnh sát trong đoạn video kể trên đã bị kỉ luật.

Không riêng gì Ấn Độ, cảnh sát ở Nam Phi cũng bắt người vi phạm lăn trên đường, hoặc đá vào người vi phạm khi họ bị phạt phải ngồi xổm.

Sau khi triển khai lệnh phong toả trên toàn quốc kéo dài 21 ngày kể từ thứ sáu tuần trước, đã xuất hiện những đoạn video ghi hình ảnh cảnh sát tại thủ đô Johannesburg dùng vòi rồng phun vào người dân hay sử dụng đạn cao su đối với những người sống ở khu ổ chuột của thành phố.

Các cảnh sát được trang bị vũ trang đã tiến hành lục soát các căn hộ chung cư để khám xét việc người dân bán thuốc lá hay rượu bia trái phép trong thời gian phong toả. Sau những thông tin này, người phát ngôn của cảnh sát Nam Phi vẫn chưa đưa ra phản hồi.

Ở Philippines, lực lượng cảnh sát và chính quyền địa phương đã bắt giữ hàng trăm người vi phạm lệnh phong toả, quy định giãn cách xã hội hay cách ly. Ở một số trường hợp, người vi phạm phải đối mặt với việc bị bêu riếu công khai hay bị nhốt trong lồng, hay phải ngồi ngoài trời vào lúc giữa trưa.

Hành động này cũng gặp phải một số chỉ trích. "Tình trạng khẩn cấp về y tế không phải là lý lẽ giải thích phù hợp cho những hành vi vi phạm quyền cơ bản của con người", Edgar San Luis, thị trưởng tỉnh Laguna, Philippines, viết trên Facebook ngày 20/3 khi nói đến việc nhốt người vi phạm trong lồng của Philippines.

"Cơ quan thực thi pháp luật có xu hướng áp dụng bất cứ phương thức nào mà họ coi là hợp lý để duy trì ổn định xã hội và chính trị", Tim Huxley, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược tại Châu Á, nói. Ở những trường hợp đòi hỏi việc tuân thủ pháp luật ở quy mô lớn trong khoảng thời gian cụ thể, "tôi không nghĩ rằng chỉ bằng việc áp dụng các biện pháp cưỡng ép sẽ mang lại hiệu quả".

Phạt tù 3 năm nếu bị bệnh mà không chịu cách ly

Trong bối cảnh hiện nay khi dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, trong khi nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp bạo lực để duy trì quy định giãn cách xã hội, một số lại triển khai những cách thức khác biệt.

Ở bang Yucatan ở miền nam Mexico, những người có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 sẽ phải đối mặt với bản án 3 năm tù nếu họ không tự cách ly. Trong khi chính phủ Peru đã công bố mức phạt vào khoảng 600 USD cho bất cứ ai "chơi khăm" nhà chức trách bằng việc gọi vào số đường dây nóng thông tin dịch bệnh, nhất là khi cơ quan chức năng phát hiện có tới 74% số cuộc gọi không đúng sự thật.

Để đối phó với việc xuất hiện những ca nhiễm Covid-19 là người dân từ nước ngoài trở về, chính quyền Hồng Kông khuyến cáo công dân cần tuân thủ quy định cách ly tại nhà và giãn cách xã hội, nếu không sẽ phải đối mặt với việc truy tố hình sự và các án phạt nghiêm trọng. Tới nay, chính quyền đặc khu đã bắt giữ hơn 70 người vi phạm các quy định trên.

Những người này sẽ phải đối mặt với các cáo buộc hình sự, Trưởng đặc khu Carrie Lam khẳng định.

"Đây không phải là thời điểm để chúng ta buông lỏng", bà Lam nói, đồng thời cho biết chính quyền sẽ không nương nhẹ cho những người vi phạm lệnh cách ly. Những người vi phạm sẽ phải đối mặt với án phạt lên tới 3.225 USD Mỹ và 6 tháng tù giam, trong khi các doanh nghiệp không tuân thủ quy định sẽ phải chịu án phạt ở mức gần 7.000 USD.

Singapore cũng áp dụng những biện pháp hà khắc đối với những người không tuân thủ quy định giãn cách xã hội. Vào tuần trước, chính phủ nước này coi hành vi tụ tập trên 10 người ở ngoài khu vực làm việc hay trường học vào khung hình sự. Ngoài ra, người dân cũng phải tuân thủ lệnh duy trì khoảng cách ít nhất 1m đối với người xung quanh. Mức phạt có thể lên tới 7.000 USD Mỹ và 6 tháng tù giam.

"Người dân cần phải có nhận thức về vấn đề sức khoẻ cộng đồng, và qua nhiều năm sẽ hình thành sự nhận thức xã hội, nhưng điều này sẽ không đến một cách tự nhiên", Gillian Koh, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu chính sách thuộc trường đại học quốc gia Singapore, nhấn mạnh khi nhắc đến những án phạt nghiêm khắc với hành vi vứt rác hoặc khạc nhổ có thể sẽ dẫn tới án phạt lên tới 10.000 đô la.

Cảnh sát tại Úc đã thực thi các án phạt nặng đối với những hành vi không tuân thủ quy định giãn cách xã hội, với mức án phạt vào khoảng 11.000 đô Úc và 6 tháng tù giam.

Tuy nhiên ở Ấn Độ, với dân số vào khoảng 1,3 tỷ người, đây là nơi nhà chức trách áp dụng những biện pháp cực đoan nhất. Kể từ ngày 24/3, quốc gia đông dân thứ 2 thế giới đã áp dụng lệnh phong toả toàn quốc kéo dài 3 tuần. Mới đây, trên mạng đã xuất hiện video ghi hình cảnh sát phun một loại chất hoá học có hợp chất tẩy trắng vào một nhóm người lao động nhập cư với mục đích khử trùng những người này, khi họ đang trên đường trở về Uttar Pradesh ở phía bắc Ấn Độ. Hiện công tố viên của thành phố đang tiến hành điều tra vụ việc.

Niranja Sahoo, một chuyên gia tại Tổ chức Người quan sát có trụ sở ở New Delhi, nhận định những biện pháp kể trên là cần thiết ở quốc gia nơi dân số lên tới hơn một tỉ. Nhưng liệu nó có mang lại hiệu quả hay không lại là một chuyện khác.

"Việc áp dụng giãn cách xã hội ở quốc gia còn tồn tại mô hình xã hội nông thôn với đa phần người dân còn nghèo là gần như bất khả thi", Sahoo nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại