Nhóm NĐT nước ngoài: Hàng chục triệu USD đã bị thất thoát, Huy Nhật trả lời truyền thông như vậy là sự trốn tránh trách nhiệm

Châu Cao |

Nhóm nhà đầu tư nước ngoài bao gồm bao gồm ADV Partners, AIF Capital, F&H Fenghe, Fortress Investments, Gryphus Capital và Welkin Capital cho rằng ông Huy Nhật đã đưa ra nhiều tuyên bố không chính xác và những cáo buộc sai sự thật về sự sụp đổ của thương hiệu Món Huế.

Nhóm các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng ông Huy Nhật đã trốn tránh không tiếp xúc với các nhà đầu tư kể từ khi ông chỉ đạo gây ra sự sụp đổ không cần thiết cho doanh nghiệp, cũng như trốn tránh các nhà cung cấp mà hiện ông Huy Nhật đang nợ hàng triệu đô la. Tuy nhiên, ông Huy Nhật lại đồng ý trao đổi với giới truyền thông.

Sau bài trả lời phỏng vấn gây bão truyền thông cuối tuần qua của nhà sáng lập Món Huế Huy Nhật, nhóm các nhà đầu tư nước ngoài đã ngay lập tức phản pháo lại các thông tin gây tranh cãi giữa hai bên.

Theo lời ông Huy Nhật, ông này đã bị nhóm nhà đầu tư nước ngoài ép loại ra khỏi công ty mà mình sáng lập (Huy Việt Nam) mà "không hề hay biết" khi nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã đơn phương lập Nghị quyết Hội đồng quản trị hông hợp pháp, không có chữ ký của Chủ tịch (là ông Huy Nhật), không có con dấu của công ty để mang về Việt Nam và nộp lên Sở kế hoạch đầu tư TP.HCM để thay đổi người đại diện pháp nhân Huy Việt Nam (là ông Nguyễn Quỳnh Anh).

Đồng thời Huy Nhật cũng cho rằng vì không còn là người đại diện pháp luật của Huy Việt Nam nên dù tài sản công ty còn nhiều cũng chỉ trả nợ các nhà cung cấp theo đúng tỷ lệ góp vốn (ông Huy Nhật đang nắm 30% công ty).

Trước thông tin này, nhóm nhà đầu tư nước ngoài bao gồm bao gồm ADV Partners, AIF Capital, F&H Fenghe, Fortress Investments, Gryphus Capital và Welkin Capital cho rằng ông Huy Nhật đã đưa ra nhiều tuyên bố không chính xác và những cáo buộc sai sự thật về sự sụp đổ của thương hiệu Món Huế.

"Nhiều chi tiết trong cuộc phỏng vấn không chỉ rõ ràng sai sự thật mà còn là sự bịa đặt có tính toán nhằm hạ uy tín của nhóm các nhà đầu tư trong khi nhóm các nhà đầu tư đang làm việc để giành lại quyền kiểm soát doanh nghiệp và giải quyết các vấn đề hiện tại. 

Những chi tiết này còn là sự trốn tránh trách nhiệm của ông Huy Nhật trong việc giải quyết các khoản nợ cho các nhà cung cấp.

Đây là động thái mới nhất trong một chuỗi các hành động liên tiếp nhằm lừa dối các nhà đầu tư, nhà cung cấp, đối tác kinh doanh và nhân viên của ông Huy Nhật. Công chúng không nên tin vào những điều hư cấu của ông Huy Nhật.

Thực tế là hàng chục triệu đô la bị thất thoát khỏi doanh nghiệp và ông Huy Nhật là đối tượng điều tra của nhóm các nhà đầu tư liên quan đến h ành vi lừa đảo.

Trong bối cảnh đó, ông Huy Nhật đã trốn tránh không tiếp xúc với các nhà đầu tư kể từ khi ông chỉ đạo gây ra sự sụp đổ không cần thiết cho doanh nghiệp, cũng như trốn tránh các nhà cung cấp mà hiện ông Huy Nhật đang nợ hàng triệu đô la. 

Tuy nhiên, ông Huy Nhật lại đồng ý trao đổi với giới truyền thông", thông cáo của nhà đầu tư nước ngoài cho biết.

Theo nhóm nhà đầu tư nước ngoài, rõ ràng ông Huy Nhật là người đã khởi xướng cho những sai phạm ở quy mô lớn, có chủ đích và có hệ thống. 

Những vụ kiện chống lại ông Huy Nhât đã được nhóm các nhà đầu tư và nhà cung cấp tiến hành và được thụ lý bởi các tòa án ở thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh các lệnh ban hành bởi các cơ quan tài phán ở Hồng Kông và Singapore. Điều này cho thấy rõ đây là một vấn đề nội bộ mà ông Huy Nhật là người phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Nhóm các nhà đầu tư, đại diện cho nguồn vốn đầu tư đến từ khắp nơi trên toàn thế giới, bao gồm Úc, Liên minh châu Âu, Hồng Kông, Malaysia, Singapore và Hoa Kỳ, đã không thể tiếp cận cũng như kiểm soát doanh nghiệp.

"Trong khi chúng tôi đang cố gắng khắc phục sự đi xuống của các thương hiệu của Huy Việt Nam, ông Huy Nhật lại cố tình thành lập doanh nghiệp mới của riêng mình, thể hiện sự coi thường các nhà cung cấp, nhân viên và khách hàng của ông".

Nhóm các nhà đầu tư nước ngoài kịch liệt bác bỏ những cáo buộc mà ông Huy Nhật đã đưa ra và cho biết sắp tới sẽ tiết lộ thêm thông tin về mức độ hành vi lừa đảo của ông Huy Nhật và các hành động pháp lý chống lại ông Huy Nhật trong thời gian sắp đến.

Mâu thuẫn về thông tin đưa ra giữa hai bên

Rõ ràng đã có các mâu thuẫn trong thông tin được đưa ra giữa hai bên và điều này cho thấy giữa nhóm nhà đầu tư nước ngoài và founder công ty đã không thể ngồi nói chuyện với nhau. Cả hai bên đều nói với truyền thông rằng "không biết gì về tình hình tài chính công ty". 

Huy Nhật cho rằng mình là cổ đông lớn nhất nhưng lại "chưa thể xác nhận" thông tin Món Huế lỗ 50 tỷ các năm trước và lũy kế nợ phải trả lên tới 800 tỷ vì "không thể tiếp cận về thông tin tài chính", trong khi nhóm nhà đầu tư nước ngoài cũng bỏ ngỏ việc xác nhận thông tin về báo cáo tài chính và khẳng định "họ không biết được thực tế này.

 Ông Huy Nhật đã cung cấp cho các nhà đầu tư các báo cáo tài chính cho thấy việc kinh doanh đang tăng trưởng và thu về lợi nhuận".

Nhóm NĐT nước ngoài: Hàng chục triệu USD đã bị thất thoát, Huy Nhật trả lời truyền thông như vậy là sự trốn tránh trách nhiệm - Ảnh 2.

Ông Huy Nhật chia sẻ thông tin với truyền thông sau 1 tháng Món Huế sụp đổ.

Thứ hai, Huy Nhật cho rằng "Hiện nay tôi không còn điều hành, không còn là đại diện pháp lý nên không biết lấy tư cách gì để thanh toán cho người ta. 

Tôi nói chuyện với luật sư, họ nói dù muốn thanh toán công nợ cho những nhà cung cấp hay trả nợ lương nhân viên thì cũng cần dựa trên pháp lý", nhưng công nợ tồn đọng từ năm 2018, thậm chí đến 26/9/2019 thời điểm đó ông Huy Nhật vẫn là đại diện pháp luật của Huy Việt Nam nhưng vẫn không trả nợ.

"Công ty tôi bị Món Huế nợ gần 800 triệu đồng. Thời điểm năm 2018 công nợ tồn đọng và không thực hiện thanh toán theo cam kết", một nhà cung cấp cho Món Huế đã tiết lộ với truyền thông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại