Nhóm DN nhập khẩu ô tô vừa và nhỏ kêu lên Thủ tướng vụ Thông tư 20

Diệu Thùy |

Đại diện Các Doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nhỏ và vừa tại Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc bãi bỏ Thông tư số 20 của Bộ Công Thương quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người từ 09 chỗ ngồi trở xuống.

Theo các doanh nghiệp, ngày 21/7, mặc dù có rất đông các doanh nghiệp thương mại muốn được tham dự cuộc họp do Bộ Công thương chủ trì vì chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Thông tư 20 nhưng họ không có giấy mời nên đành đứng ở ngoài, chính vì vậy ý kiến đóng góp không được đầy đủ, khách quan.

Trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng và các Bộ ban ngành liên quan ngày 26/7, các Doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nhỏ và vừa cho biết, Theo quy định của Luật Đầu tư 2014, Thông tư 20/2011/TT-BCT ngày 12/5/2011 đã hết hiệu lực kể từ ngày 01/07/2016, nhưng các cơ quan nhà nước vẫn có quan điểm tiếp tục giữ lại các điều kiện kinh doanh này tại một nghị định dự kiến được ban hành, việc tiếp tục duy trì điều kiện của Thông tư 20 là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và không chính đáng bởi:

Việc quy định các điều kiện kinh doanh về nhập khẩu xe ô tô – một ngành, nghề đầu tư kinh doanh không nằm trong danh mục kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2014 – là trái với quy định của Hiến pháp về quyền tự do kinh doanh; không khuyến khích cạnh tranh bình đẳng và vi phạm Luật Cạnh tranh 2004; gây khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tham gia thị trường nhập khẩu và phân phối xe ô tô tại Việt Nam.

Đại diện các Doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nhỏ và vừa cho rằng, mặc dù theo Bộ Công Thương, Thông tư 20/2011 ra đời nhằm góp phần quản lý nhập siêu, nhưng sau 5 năm thực tiễn thì lại phản tác dụng.

Bộ Công Thương không quản lý được số lượng xe nhập vào Việt Nam mà chỉ làm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa không được nhập khẩu, trong khi đó các Hiệp hội VAMA, VIVA mới là người điều tiết thị trường nhập khẩu ô tô.

Họ có thể nhập khẩu số lượng không giới hạn tùy theo nhu cầu thị trường mà không bị một rào cản nào cả và vô tình Thông tư 20 lại trao cho họ quyền điều hành thị trường ô tô, tạo thế độc quyền, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh làm méo mó thị trường ô tô trong nước.

Cuối cùng người tiêu dùng là thiệt thòi nhất khi không chọn được cho mình sản phẩm phù hợp.

Ngoài ra Thông tư 20 ra đời còn tạo điều kiện cho các xe Trung Quốc tràn vào Việt Nam. Chỉ cần 1 giấy ủy quyền chính hãng là đã nhập được xe, trong khi các hãng xe Trung Quốc sẵn sàng cấp giấy ủy quyền cho các Doanh nghiệp Việt Nam rất đơn giản, miễn sao bán được hàng cho họ mà không có bất kỳ một ràng buộc khắt khe nào.

Các Doanh nghiệp nhỏ và vừa không nhập được xe chất lượng cao từ các nước phát triển thì sẽ sẵn sàng làm đại lý bán xe Trung Quốc, nên việc giữ lại thông tư 20 thì chỉ làm cho Việt Nam thành bãi xe ô tô con của Trung Quốc.

Nhưng trên thực tế thì xe Trung Quốc chất lượng thấp nên người tiêu dùng đã không lựa chọn, chính vì vậy thị trường Việt Nam mới vắng bóng các đại lý xe Trung Quốc.

Theo các doanh nghiệp, chỉ một cái giấy ủy quyền thôi, nhưng nó lại là cái cớ cho các hãng xe ép các doanh nghiệp Việt Nam.

“Đã có những doanh nghiệp chúng tôi làm ủy quyền cho một số hãng, nhưng họ ép chúng tôi về doanh số, về giá, về chất lượng sản phẩm.

Họ cho gì chúng tôi được nhập đấy, không có sự lựa chọn. Nếu doanh nghiệp làm tốt họ đòi góp vốn, các doanh nghiệp không cho thì họ lại chỉ cần ủy quyền cho người khác là doanh nghiệp không nhập khẩu được.

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ luôn bị động và phụ thuộc hoàn toàn vào các hãng xe ô tô nước ngoài, họ mặc nhiên có quyền sinh quyền sát đối với các doanh nghiệp Việt Nam”, đại diện các Doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nhỏ và vừa tại Việt Nam bày tỏ.

Theo các doanh nghiệp, nếu duy trì các điều kiện kinh doanh của Thông tư 20 không bảo đảm được việc thực hiện thành công Chiến lược, Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô.

Qua vài chục năm, các mục tiêu của Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ đã ban hành vẫn chưa đạt được, mặc dù Nhà nước đã cấp khá nhiều các ưu đãi (như ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, đất đai…) cho các doanh nghiệp lắp ráp ô tô kiêm nhập khẩu, kinh doanh ô tô.

Các điều kiện kinh doanh của Thông tư 20 đã tạo nên một ưu đãi kép (lập hàng rào phi thuế quan) cho các doanh nghiệp lắp ráp xe ô tô trong khi họ không nỗ lực thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, phát triển ngành công nghiệp ô tô lẫn ngành công nghiệp cơ khí.

“Không có bất kỳ một bảo đảm nào về mối quan hệ của việc hạn chế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc với sự phát triển thành công của Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô.

Ngược lại, việc mở rộng nhập khẩu xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống sẽ tác động tới việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa để giảm giá thành của xe ô tô lắp ráp trong nước.

Như thị trường xe máy Trung Quốc giá rẻ tràn vào bắt buộc các hãng lắp ráp xe máy phải nâng cao tỷ lệ nội địa hóa để dành lại thị phần”, đại diện các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nhỏ và vừa phân tích.

Cũng theo các doanh nghiệp, việc mở rộng tự do nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc chở người từ 9 chỗ trở xuống không ảnh hưởng nhiều tới tình trạng nhập siêu của Việt Nam như một số ý kiến đã nêu. Thông tư 20 không làm giảm nhập khẩu mà chỉ trao quyền cho một vài doanh nghiệp nước ngoài được độc quyền nhập khẩu.

Cụ thể, theo thống kê thì tỷ trọng của giá trị nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc năm 2010 (trước khi Thông tư 20 được ban hành), chiếm 1,15% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong khi năm 2015, tỷ lệ này có tăng lên là 1,81%.

Năm 2011, trị giá nhập khẩu xe ô tô dưới 9 chỗ là: 1,02 tỷ USD số lượng là: gần 35,000xe, nhưng sau 4 năm từ khi Thông tư 20 có hiệu lực thì đến năm 2015 tổng giá trị nhập khẩu xe ô tô dưới 9 chỗ là: 2,99 tỷ USD và số lượng xe nhập khẩu là 125,600 chiếc.

Các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nhỏ và vừa cho biết, trong 5 năm qua, hơn 200 các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp muôn vàn khó khăn do không thể nhập khẩu được.

“Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều tiền vào các showroom, thuê nhân viên, đầu tư các gara sửa chữa để bảo hành cho khách, khi Thông tư 20 có hiệu lực, các doanh nghiệp chúng tôi cũng cố cầm cự nhưng không được, do phải trả chi phí mặt bằng và lương nhân viên, nhân viên thì không có việc làm nên cũng xin nghỉ việc hết, các showroom không có hàng bán phải dỡ bỏ, hàng nghìn nhân viên mất việc làm, còn các doanh nghiệp thì phải đóng cửa”, các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô bày tỏ.

Chính vì thế các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nhỏ và vừa bày tỏ mong muốn sẽ không gặp rào cản như Thông tư 20, có một môi trường kinh doanh lành mạnh, không phân biệt doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp vừa và nhỏ, cùng cạnh tranh dưới sự quản lý của Nhà nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại