Một ngày giữa năm 2016, Robin Woods lái xe bảy tiếng liền tới gặp một người mà ông đã giữ liên lạc trong nhiều năm liền nhưng chưa từng gặp mặt. Địa chỉ của Robin là ở Maryland, còn người bạn của ông, Mark Stevens thì ở tận Amherst, Massachusetts.
Chiếc xe dừng bước, Woods bước ra và đi tìm địa chỉ của Mark Stevens. Dè dặt gõ cửa ngôi nhà xa lạ, Woods không giấu được vẻ lo lắng xen lẫn một chút phấn khích.
Chừng vài khắc sau, một người đàn ông với mái tóc bạc trắng nhưng thân hình vẫn còn rất dẻo dai mở cửa. Đó chính là người bạn của ông, Mark Stevens.
Robin Woods và Mark Stevens.
Woods, 54 tuổi và Stevens, 66 tuổi, ngồi trong phòng khách và nói chuyện với nhau về những quyển sách. Lái xe những 7 tiếng liền chỉ để nói chuyện về những cuốn sách, cuộc đối thoại giữa hai người đàn ông này vừa vô lý, lại vừa hợp lý đến thú vị.
Mấu chốt nằm ở chỗ, vào lần đầu tiên Woods viết thư gửi Stevens, năm 2004, ông đang thụ án 16 năm tù tại Jessup, Maryland vì tội danh đột nhập và ăn cắp.
Giữa hai người đàn ông xa lạ, một cuốn sách đã tạo ra cây cầu nối đặc biệt, biến hai người thành những tri kỷ suốt 16 năm liền.
Ở Jessup, nơi bị bắt giam, Woods đã mua một cuốn Bách khoa toàn thư của Merriam-Webster, cuốn sách thuộc dạng tổng hợp 10 vạn câu hỏi vì sao trên đời và trên thực tế, nó có nhiều hơn 10 vạn điều để biết rất nhiều.
Cuốn sách xếp chương mục theo bảng chữ cái, vậy nên Woods bắt đầu đọc từ mục "Aachen" - một thành phố của Đức cho tới mục cuối cùng - "zymogen" - một tiền chất protein không hoạt động của enzyme.
Vốn đọc để giết thời gian, Woods nhanh chóng bị cuốn vào kho tàng tri thức của nhân loại được cẩn thận xếp vào 25.000 mục lớn có, nhỏ có.
Nhiều ngày sau, tâm trí của Woods bỗng bị mắc khi ông đọc một bài báo nói về chuyện một nhà lãnh đạo tên Toghril Beg đã xâm lược Baghdad vào năm 1955.
1955?
Phải là năm 1055 mới đúng, vì Woods đã từng đọc về vị chỉ huy này trong bách khoa toàn thư và biết được rằng, ông là người của thế kỷ 11. Với tâm huyết của một người yêu sự thật, ông tìm cách liên lạc với một trong các biên tập viên của tòa báo, Mark A. Stevens.
"Thưa ông Stevens, tôi viết thư này để thông báo với bạn về một sự nhầm lẫn trong số vừa rồi của tờ FINE."
Woods trình bày lại những lỗi mà ông nghĩ là sai trong tờ FINE và lịch sự góp ý, cũng không hề trông đợi gì hồi âm của tòa soạn. Ông cũng không hề đề cập rằng, việc đọc hết 25.000 chương mục trong cuốn Bách khoa toàn thư chính là đỉnh cao trong công cuộc tự bổ túc văn hóa của ông.
1. Thời niên thiếu khó khăn và những bước trượt dài của số phận
Woods sinh ra ở Maryland với một xuất phát điểm thấp. Ông từng vào tù năm 23 tuổi vì đã nổ súng vào cửa sổ một căn hộ vì những tranh chấp liên quan tới ma túy. Woods khi đó còn trẻ nông nổi và gần như mù chữ. Cho tới năm 23 tuổi, ông chưa từng đọc một cuốn sách nào trong đời.
Woods thực ra cũng từng được đi học, nhưng lại thường xuyên bị bắt nạt ở trường vì màu da "nửa mùa" của mình. Mẹ của ông là một người Mỹ gốc Phi trong khi cha lại là một người đa sắc tộc, điều này biến Woods thành tâm điểm bị bắt nạt và xa lánh bởi cả người da trắng và người da màu.
Đến lớp Hai, Woods thường bị cô giáo phạt bằng cách nhét vào tủ quần áo, sau đó bị chuyển qua học ở một lớp bổ túc đặc biệt, và cuối cùng thì gần như nghỉ học và đi làm nhiều công việc lặt vặt không tên như thu phiếu điểm danh và xếp sữa trong tủ lạnh của các quán cà phê.
Không được học hành tử tế, Woods sớm bỏ ngang việc học khi lên cấp Hai.
Sau khi vào tù năm 23 tuổi, Woods bắt đầu đi học lại. Được gửi tới nhà tù khét tiếng ở Hagerstown, Maryland, Woods thường xuyên chống đối lại quản ngục và liên tục ăn đủ án biệt giam.
Khoảng thời gian ngồi một mình trong phòng tối dài tương đương ở bên ngoài khiến Woods trở nên chán nản, và vào một ngày nọ, sự chán nản đã chiến thắng. Khi xe đẩy sách đi ngang qua, anh đã mượn cuốn Malcolm X và Người Sicil của Mario Puzo để đọc giết thời gian.
Cuốn sách thực sự rất phức tạp với một người chưa nhớ hết mặt chữ như Woods, ông đã phải bỏ qua rất nhiều đoạn không hiểu để đọc tiếp.
Mỗi trang, Woods đọc mất khoảng 5 phút và tới khi kết thúc cả hai cuốn truyện thì một tuần đã trôi qua. "Tôi nhớ rằng mình đã khóc". Woods nói, không phải vì nội dung của cuốn sách, mà là vì ông cuối cùng đã đọc sách.
Woods sau đó mua cuốn từ điển đầu tiên trong cuộc đời mình và bắt đầu học chữ bằng cách viết lại và đọc thật to. Việc học giải thoát tâm trí của ông - "Dù cho cơ thể bị giam giữ thì tinh thần tôi đã sớm bay lượn ngoài kia. Tôi đã vượt ngục trong tâm tưởng".
"Dù cho cơ thể bị giam giữ thì tinh thần tôi đã sớm bay lượn ngoài kia"
Với một tội danh không quá nghiêm trọng, Woods nhanh chóng được thả tự do (lần này là về mặt thể xác). Năm 1987, ông ra tù và chuyển về Cumberland, sống trong một túp lều và hàng ngày làm công việc dọn dẹp văn phòng.
Những cuốn sách đã làm Woods mở mang tri thức nhưng không đem lại bánh mì và thức ăn; một đêm nọ, ông lại nhúng chàm. Woods lái xe đến một trong những văn phòng mà mình thường dọn dẹp rồi đột nhập qua cửa sổ và ăn cắp một số vật dụng trị giá vài ngàn USD.
Ngày hôm sau, Woods đến một câu lạc bộ địa phương, loại điển hình với quầy bar và bàn bi-a cùng những tên bợm sẵn sàng gục xuống bất cứ lúc nào bên bàn rượu. Woods tới hòng bán đồ chôm chỉa, và ngay sau đó bị bắt.
Không hề chống cự, Woods lại trở về với chiếc máng lợn xưa - nhà tù Hagerstown. Do hồ sơ đã vấy mực, lần này Woods nhận một bản án khắc nghiệt hơn cho một tội danh ít nghiêm trọng hơn rất nhiều: 16 năm tù cho tội đột nhập tư gia và ăn cắp.
Năm 1991, sau một cuộc bạo loạn trong tù, Woods lĩnh thêm án tù 7 năm, coi như tự đốt hết phân nửa cuộc đời sau cánh cửa sắt cùng dùi cui và phòng biệt giam.
2. Tình bạn ấm áp giữa hai con người xa lạ
Nguồn sách hạn hẹp và ít được cập nhật trong tù lại trở thành thú vui tiêu khiển của Woods. Dẫu cho việc kiếm sách trong tù là khá khó khăn nhưng ông vẫn xoay sở để có được cả một thư viện thu nhỏ trong căn phòng của mình.
"Tù nhân ở đây có khá nhiều người da màu, và họ thường thích những thứ như giày thể thao hàng xịn của Nike." - Woods nói. "Tôi thì vẫn mang giày do nhà tù phát, nhưng số sách tôi mua về trong những năm xộ khám thì có trị giá đến khoảng 800, 900 USD".
Những cuốn sách này, Woods đặt mua qua bưu điện và được nhân viên an ninh nhà tù kiểm tra kỹ càng trước khi tới tay ông. Trong số đó, có cuốn Bách khoa toàn thư kể trên - cuốn sách đã kết nối ông với người bạn tâm giao xa lạ Mark Stevens.
Câu chuyện được tiếp tục khi Stevens hồi đáp cho Woods rằng, ông thật sự ấn tượng và cho rằng Woods chính là người đầu tiên phát hiện ra lỗi sai này.
Hai người sau đó liên tục thư từ cho nhau trong vòng 2 năm, bàn luận về đủ chuyện trong sách vở, từ đời tư của nữ hoàng Cleopatra cho tới việc Woods tự học khi đọc cuốn Malcolm X.
Thế nhưng, Woods không bao giờ kể về tội danh của mình, trong khi Stevens cũng không bao giờ hỏi. Tình bạn giữa họ dần được thiết lập, từ từ và vững chắc theo những lời tán dương qua lại trong suốt hai năm, khi mà Stevens dần coi Woods là "Người đáng để mình nghiêng mình học tập".
3. "Tôi sẽ tuyệt thực cho tới khi được nhận lại những cuốn sách của mình!"
Vào năm 2005, Woods bị chuyển trại mà không có một lời giải thích rõ ràng, tới một nhà tù khét tiếng khác ở Baltimore. Ông không được phép đem theo những cuốn sách của mình.
Woods kịch liệt phản đối việc này bằng cách tuyệt thực. Ông kể cho Stevens qua thư rằng "Tôi đã phát điên mất rồi, nhưng tôi sẽ không ăn cho tới khi được nhận lại những cuốn sách của mình".
Vài tuần sau, ông viết thêm một lá thư nữa, ngắn hơn, buồn bã hơn. "Tôi đã trở thành một khung xương rồi. Nhưng tôi sẽ không bỏ cuộc".
"Tôi đã phát điên mất rồi, nhưng tôi sẽ không ăn cho tới khi được nhận lại những cuốn sách của mình"
Woods sụt 32kg sau cuộc tuyệt thực ấy.
Vào khoảng cuối đợt tuyệt thực của Woods, một ủy viên tìm đến gặp ông. Sau một thoáng nhìn tò mò, vị ủy viên nọ hỏi Woods: "Mark Stevens là ai?".
Thì ra, Steven - vì muốn giúp đỡ người bạn của mình - đã viết thư gửi cho hai người giám sát trại giam, sau đó sự việc được trình bày lên vị ủy viên nọ.
Câu chuyện nhanh chóng chiếm được sự đồng cảm từ vị ủy viên này, và không lâu sau đó, ông đề nghị với Wood một thỏa thuận rằng nếu Woods đồng ý dừng việc tuyệt thực và tuân thủ nghiêm túc các nội quy của nhà tù trong vòng 1 năm, Woods sẽ được trả tự do.
Sách của Woods cũng sẽ được gửi trả về chính chủ không thiếu một quyển
"Tôi có cảm giác như mình là một thằng nhóc sắp tốt nghiệp vậy!" Woods viết cho Stevens vào khoảng cuối năm 2006. Tháng Một năm 2007, sau 18 năm ngồi tù, Woods đã được trả tự do, sớm 5 năm so với án phạt ban đầu.
Woods sau đó trở về Cumberland. Cứ vài tháng, ông lại gọi điện cho Stevens một lần để hỏi thăm và trao đổi về cuộc sống cũng như những cuốn sách. Tình bạn giữa hai người đàn ông - nay đã hít thở chung một bầu không khí - kéo dài thêm 10 năm trước khi họ chính thức gặp mặt nhau lần đầu.
4. "Tôi chưa từng gặp bạn một ngày nào trong đời, nhưng tôi biết ơn và yêu quý bạn vô cùng!"
Đó là câu mà Woods nói với Stevens sau một cái ôm dài và chặt. "Bạn là một người thật tuyệt vời." Hai người sau đó cùng đi bộ tán gẫu, dành thời gian cùng đi xem kịch và tán gẫu thêm, dù chẳng đủ nhiều để bù đắp cho gần hai thập kỷ sống trong tù của Woods.
Vào ngày Chủ Nhật tiếp đó, sau một cái ôm dài và chặt khác, họ từ biệt, Woods trở về Cumberland để tiếp tục cuộc sống của mình.
"Tôi chưa từng gặp bạn một ngày nào trong đời, nhưng tôi biết ơn và yêu quý bạn vô cùng!"
Woods giờ đây không còn đọc sách nhiều như trước, do ông phải làm việc chăm chỉ để kiếm tiền sinh sống. Cuộc đời mới đã đem lại cho ông rất nhiều - sự tự do, một người bạn tâm giao và một niềm ham thích học hỏi mãnh liệt dù cho ông giờ đã 54 tuổi.
"Điều tuyệt vời nhất xảy đến khi bạn gặp phải những chuyện buồn, đó là việc bạn sẽ học được thêm nhiều điều mới mẻ." - Woods nói. "Luôn luôn đúng, ít nhất là đối với tôi".