Ý tưởng thai nghén trong một chuyến tàu
Trên chuyến tàu điện rời văn phòng tại thành phố New York để trở về nhà nghỉ ngơi sau giờ tan tầm, anh Andreas Tjeldflaat, một kiến trúc sư người Na Uy, vô tình ngồi cạnh một người vô gia cư. Hai người nhanh chóng làm quen với nhau.
Sau vài lời chào hỏi xã giao, câu chuyện chuyển sang việc người này đã từng phải sống tạm bợ tại khu nhà dành cho người vô gia cư của thành phố, trước khi ông quyết định sẽ chuyển ra sống vạ vật trên đường phố.
"Điều đó khiến tôi trăn trở, rằng những mái ấm tình thương như vậy đang hàng ngày phải vật lộn với việc giữ gìn điều kiện vệ sinh, sự an toàn, thoải mái và trên nhất là riêng tư cho những người không may mất đi nhà cửa", Tjeldflaat cho biết.
Và đó cũng là điều thôi thúc chàng kiến trúc sư trẻ tuổi này thành lập studio sáng tạo mang tên Framlab, có trụ sở tại New York và Oslo.
Andreas Tjeldflaat, một kiến trúc sư người Na Uy, là người đứng đằng sau dự án nhà ở đầy tính nhân văn dành cho người vô gia cư.
Ước tính mỗi đêm, có khoảng 63.000 người vô gia cư sống tại các cơ sở nhân đạo và mái ấm tình thương tại thành phố New York, phần lớn trong điều kiện sinh hoạt được mô tả là "đầy rủi ro và vô cùng bẩn thỉu" – thậm chí mỗi khi đèn điện tắt là lũ chuột từ đâu tới có thể bò lúc nhúc quanh giường.
Ngoài kia, hàng ngàn người đang phải nằm vạ vật tại những con hẻm tối tăm. Nhận thấy sự nghiêm trọng của vấn đề, chính quyền thành phố cũng cố gắng đầu tư nhằm nâng cấp và xây dựng thêm những cơ sở mái ấm tình thương.
Nhưng vấn đề cũng tương tự như nhà dành cho người thu nhập thấp, chi phí xây dựng thường bị đội vốn lên khủng khiếp và đất đai thì ngày càng khó để quy hoạch.
Chính những điều trên khiến Tjeldflaat quyết định chọn hướng đi khác. "Ý tưởng về việc tận dụng không gian theo chiều thẳng đứng bỗng xuất hiện trong đầu vào một buổi chiều khi tôi vô tình đi ngang qua khu vực ngoại ô Manhattan.
Lúc đó tôi nghĩ rằng liệu có cách nào để tận dụng được không gian các tầng trên cao hay không", anh nói. "Giá bất động sản là một trong những yếu tố đẩy chi phí sinh hoạt ở New York lên mức cao khủng khiếp, vì thế tôi nghĩ sẽ ra sao nếu mình thử định nghĩa lại khái niệm về "bất động sản"? Có vẻ sẽ thú vị đây".
"Ý tưởng về việc tận dụng không gian theo chiều thẳng đứng bỗng xuất hiện trong đầu vào một buổi chiều khi tôi vô tình đi ngang qua khu vực ngoại ô Manhattan, thầm nghĩ rằng liệu có cách nào để tận dụng được không gian các tầng trên cao hay không", Tjeldflaat chia sẻ.
Theo mô hình của dự án thiết kế có tên gọi là Homed, anh chàng khuyến khích sử dụng phần bờ tường bên ngoài mỗi tòa nhà cao tầng để tận dụng thành nơi nghỉ chân tạm thời với không gian sạch sẽ và an toàn.
Người ta sẽ dựng 1 khung giàn giáo, trên đó sẽ bố trí một hộp ngủ dạng hình lục giác, tất cả cùng tạo nên một "tổ hợp dân cư quy mô nhỏ dưới dạng nhà ở tình thương".
Mỗi hộp ngủ như vậy được làm từ một khuôn mẫu có vỏ ngoài làm sẵn bằng chất liệu nhôm và phần không gian bên trong được in 3D hoàn toàn từ nhựa tái chế, vừa đủ để có thể nhét vừa vài thiết bị cơ bản như 1 chiếc giường đơn, 1 chiếc ghế và 1 tủ đựng đồ.
Hệ thống cách nhiệt và thông khí sẽ giúp cho hộp ngủ trở nên thoải mái hơn. Cư dân sống tại đây có thể tiếp cận hộp ngủ thông qua 1 chiếc cầu thang được xây cố định bên trong giàn giáo.
Theo một cách hiểu khác, dự án này không khác gì một tổ hợp các căn hộ đơn lẻ (SRO – Single Room Occupation), bao gồm nhiều căn phòng đơn và khu vực vệ sinh chung, từng được sử dụng để cung cấp nơi ở cho hàng ngàn người lao động thu nhập thấp sống và làm việc tại New York cũng như các thành phố lớn khác.
Đến năm 1955, đạo luật về nhà ở tại New York được sửa đổi và những dự án SRO không còn được phép tiếp tục triển khai.
Đến thập niên 1970, gần như rất ít tòa nhà dạng này còn tồn tại. Gần 175 nghìn dự án SRO đã biến mất và bị phá dỡ, số lượng nhiều gần bằng với hệ thống nhà ở công cộng tại New York. Trên toàn nước Mỹ, con số dự án SRO cũ nát bị phá dỡ lên tới gần 1 triệu.
Nhu cầu về nhà ở xã hội và nhà ở dành cho người có thu nhập thấp luôn là vấn đề cấp thiết của bất cứ quốc gia nào. Giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2014, giá tiền thuê nhà tại New York tăng thêm 20%. Cùng thời điểm đó, thu nhập trung bình của 1 hộ gia đình lại có xu hướng tụt giảm.
Trong suốt 20 năm trước đó, từ năm 1990 đến 2001, thành phố mất gần 100 nghìn căn hộ thuộc diện được phép cho thuê.
Dần dần, những người dân sống tại các cơ sở mái ấm tình thường đều có công việc của riêng mình (có người còn làm nhiều hơn 1 việc), nhưng khi mức lương mà họ nhận được chỉ là mức lương tối thiểu thì họ không còn khả năng thuê nhà ở nữa.
Một dự án táo bạo nhưng cực kỳ tiềm năng
Giống như bao người khác, Tjeldflaat nhận ra rằng điều mà thành phố này cần nhất chính là chỗ ở dành cho cư dân thu nhập thấp. Nhưng đến lúc điều đó xảy ra, một nơi trú ẩn an toàn phải được đặt lên hàng đầu.
Homed là giải pháp tạm thời nhầm xoa dịu tình trạng trên", anh nói. "Một lần nữa, nhiệm vụ cung cấp nơi trú ngụ an toàn trở thành một giải pháp tình huống, và lần này nó mang đến cho chúng ta nhiều thách thức hơn.
Với một nhóm người lạ mặt thường phải chia sẻ không gian sống với nhau, việc đảm bảo được sự riêng tư cá nhân là điều xa xỉ và nhiều người phải vật lộn để được sống với chính mình trong một môi trường tạp nham đó.
Sự khác biệt lớn nhất mà dự án này mang lại so với các công trình hỗ trợ an sinh xã hội khác chính là tạo cho cư dân cảm giác được sở hữu không gian riêng cho bản thân".
Sự khác biệt lớn nhất mà dự án này mang lại so với các công trình hỗ trợ an sinh xã hội khác, đó chính là tạo cho cư dân cảm giác được sở hữu không gian riêng cho bản thân.
Một khi ai đó đi vào hoặc rời khỏi hộp ngủ, họ có thể tự khóa cửa phòng lại được. Bởi vì mỗi chiếc hộp ngủ này có thể được sản xuất nhanh chóng, người dùng có thể tự mình thiết kế không gian nội thất 3D bên trong theo sở thích cá nhân.
Lớp kính ốp tường có thể mang thêm ánh sáng và view đẹp ra bên ngoài, nhưng vẫn đảm bảo sự riêng tư nhờ sử dụng thủy tinh thông minh đi kèm với lớp phim đi-ốt có thể biến đổi thành dạng không trong suốt.
Nó cũng có thể được sử dụng để trưng bày ảnh nghệ thuật cho người xem bên ngoài – có thể là những tác phẩm do chính cư dân ở đây tự làm ra – và được bán dưới dạng triển lãm.
Số tiền thu được sẽ được sử dụng làm quỹ đóng góp cho việc nhân rộng số lượng các khu nhà tình thương, cũng như là nguồn kinh phí hỗ trợ cho những nhân viên an sinh xã hội trong việc hỗ trợ công việc cũng như nơi ở cố định cho người vô gia cư.
Bởi vì dự án mới chỉ đang ở dạng ý tưởng giai đoạn đầu, Tjeldflaat không nắm được chi phí mỗi tòa nhà an sinh kiểu mới này sẽ tốn bao nhiêu. Nhưng chắc chắn chúng sẽ rẻ hơn rất nhiều so với những cơ sở mái ấm tình thương được chính quyền New York xây dựng trên những thửa đất đắt đỏ.
Anh ước tính mỗi hộp ngủ dạng này sẽ có chi phí từ 10.000 USD đến 15.000 USD (tương đương 227-340 triệu đồng một căn).
Để so sánh, một nhà an sinh xã hội mới được xây dựng và khai trương tại khu Bronx vào tháng 2 vừa qua, tiêu tốn đến 62,5 triệu USD (khoảng hơn 1.400 tỷ đồng) và dự kiến có thể chứa được 200 giường (bên cạnh 135 căn hộ dành cho người có thu nhập thấp). Nếu chia đều bình quân theo từng giường thì nó đắt hơn đến 30 lần.
Nếu được triển khai, dự án sẽ mang đến các căn hộ với mức giá rẻ hơn rất nhiều so với những cơ sở mái ấm tình thương được chính quyền New York xây dựng trên những thửa đất đắt đỏ.
"Đây là cách hiệu quả và tiết kiệm hơn nhằm tận dụng được nguồn lực để hỗ trợ người vô gia cư thay vì phải tốn tiền cho những chung cư được xây một cách chậm chạp và đất đỏ. Một thực trạng đáng lo ngại nữa là những chung cư đó thường được bán cho những người có nhu cầu ổn định cuộc sống với cái giá cắt cổ hơn nhiều".
Đó là ý kiến của ông Andrew Bales, giám đốc điều hành của tổ chức thiện nguyện Union Rescue Mission tại Los Angeles, thành phố có lượng người vô gia cư tăng đột biến trong 6 năm qua (lên tới 75%), mặc cho nỗ lực của thị trưởng thành phố trong việc hạn chế bớt tình trạng này.
Ông bổ sung thêm: "Với thực trạng này, nếu không dùng đến các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến cũng như phương pháp in 3D như cách Homed và các dự án khác đang được triển khai, chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể ngăn chặn được tình trạng vô gia cư diễn ra tràn lan như hiện nay, chứ chưa nói đến việc chấm dứt hẳn nó".
Mô phỏng không gian bên trong một chiếc hộp ngủ hình lục giác theo thiết kế của Tjeldflaat.
Bales cũng lưu ý rằng dự án này còn tồn tại nhiều điểm bất cập. Hiện tại, kiến trúc sư chính của dự án đang mường tượng rằng cư dân sẽ sử dụng khu vực bếp nấu, phòng ăn và phòng tắm chung theo kiểu cộng đồng.
"Nếu có thể thiết kế thêm phòng tắm riêng cho từng căn hộ mini, thậm chí là thêm vào 1 bếp ăn cá nhân loại nhỏ nữa, thì nó sẽ làm tăng đáng kể cảm giác riêng tư hơn, dù rằng có thể mức giá của căn hộ sẽ phải đẩy cao hơn một chút", ông nhận xét.
"Phần nhiều những người vô gia cư có một khoản thu nhập trong tay và hoan nghênh ý tưởng này bằng cách trả thêm tiền thuê nhà hoặc các loại phí dịch vụ khác chỉ để có thêm tiện nghi cho căn phòng mình đang ở."
Tjeldflaat cho rằng việc lắp đặt thêm 1 phòng tắm riêng bên trong từng căn phòng là điều hoàn toàn khả thi – bằng việc sử dụng hệ thống tái chế nước sạch và toilet khô giống với loại được sử dụng trên các chuyến bay dân dụng – không cần đến hệ thống bơm nước. Mô hình này cũng có thể được thiết kế rộng rãi hơn nhằm cung cấp nơi ở cho 1 cặp vợ chồng hoặc cả 1 đại gia đình.
Tjeldflaat hiện đang trong quá trình thương thảo với các đối tác tiềm năng cũng như những nhà đầu tư tại thành phố New York nhằm biến dự án trở thành sự thật. Với cách thiết kế linh hoạt, chỉ cần bộ khung giàn giáo gắn lên bất cứ bức tường trống nào, cũng như có thể tháo gỡ một cách dễ dàng, dự án hoàn toàn có thể triển khai theo quy mô lớn ở bất kì đâu trong thành phố.
Tjeldflaat tin rằng: "Thay vì hi vọng người vô gia cư chấp nhận di chuyển qua lại giữa các quận hoặc qua thành phố khác chỉ để tìm nơi trú ngụ, dự án sẽ giúp những người này có cơ hội được kết nối với cộng đồng địa phương và tận dụng được sự giúp đỡ từ các mối quan hệ thân thiết như người thân, bạn bè, hàng xóm, giáo viên...".
Nguồn: fastcompany