“Có đôi lúc mình còn hoang mang, nghi ngờ khả năng của mình, không dám tin mình sẽ mang lại hạnh phúc cho người ta thì làm sao dám trông mong gia đình người ta sẽ cảm thông, chia sẻ” – Nguyễn Thị Thơm nói như vậy khi kể cho chúng tôi nghe về những lần không trọn vẹn của cô.
Từ ba lần lận đận thi đại học
Sinh ra trong một gia đình có 6 anh chị em, năm lên 3 tuổi, trong một trận sốt rét ác nghiệt, Nguyễn Thị Thơm (29 tuổi, quê Đắk Lắk) bất ngờ bị chứng nhược cơ, cả người teo tóp lại, tứ chi yếu ớt.
Cuộc đời từ đó đẩy cô gái về phía chông gai, khi suốt những năm đi học, quãng đường từ nhà đến trường tưởng ngắn ngủi nhưng hoá ra dài thăm thẳm.
“Nhà tôi sát đường lộ, trường lại rất gần, nhưng cứ đi được một quãng lại dừng thở phì phò. Quá mệt mỏi, tôi mới nảy ra việc xin đi cùng xe các bạn.
Chẳng cần biết ai thân thiết, cứ ra đến lộ, thấy học sinh trường mình là tôi lại vẫy vẫy tay nhờ giúp đỡ” – Thơm nói.
Thơm sớm mang căn bệnh nhược cơ từ nhỏ trong một trận sốt rét.
Kể từ đó, tay chân cô yếu dần.
Mười mấy năm đèn sách, Thơm trở thành bạn bất đắc dĩ của biết bao “người dưng”.
Thấy mình không thể làm việc bình thường như các bạn đồng trang lứa, Thơm cố gắng học tập, đồng thời luôn năng nổ trong các hoạt động của trường.
Năm 2005, sau bao ngày mỏi mòn chờ đợi, Thơm vác ba lô một mình vào Sài Gòn mang theo ước mơ làm một cán bộ quản lý Nhà nước.
Nhận thất bại đầu đời khi không đậu đại học, Thơm không nản chí, bỏ thêm 1 năm dùi mài kinh sử chờ ngày trở lại.
Nhưng trớ trêu thay cũng như lần trước, cô tiếp tục “trượt vỏ chuối”. Đến nước này thì cô gái suy sụp thực sự, chán nản trở về quê, định bụng sẽ chôn vùi con đường học vấn còn dang dở.
Thơm bảo chỉ khi ra ngoài mới mang nạng, còn lúc ở phòng một mình, cô di chuyển bằng cách "bò".
Cô hiện là cán bộ tại một cơ quan thuế ở Q.1 (TP.HCM).
“Hôm ấy, mình đang ngồi thẩn thờ trong nhà thì thấy tivi phát về tấm gương vượt khó của chị Ngọc Lan. Nghe hoàn cảnh của chị, những lần chị vượt qua bất hạnh và đạt được thành công mà cảm xúc cứ lâng lâng.
Nhìn lại mình, mới chỉ có vài thất bại nhỏ đã vội nản lòng. Kể từ giây phút đó, tôi ôm đống sách vở cũ đã toan vứt bỏ, quyết tâm ôn luyện thêm một lần nữa”.
Thơm đã thành công. Năm tiếp theo, cô trở thành sinh viên của Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM vào năm 2008.
Đến ba cuộc tình dở dang, trắc trở
Chắc Thơm có duyên với con số 3. Ba lần thi đại học đã đành, đến khi yêu cũng có ba chuyện tình lận đận. Nghe hỏi về mối tình đầu, Thơm bật cười: “Chỉ là chuyện tình cảm học trò vụn vặt thôi, mà cũng vui lắm”.
Năm lớp 8, khi đang tham gia một hoạt động văn nghệ, cô chạm mặt “cây guitar” của trường. Sau vài lần “giao chiến võ mồm” kịch liệt, hai người lại thân thiết nhau. Chàng trai trở thành tài xế riêng của Thơm, thường xuyên lui tới nhà cô gái.
“Thậm chí thấy hai đứa cứ quấn quýt bên nhau, bạn bè còn đồn mình sắp chuẩn bị lấy chồng nữa” – Thơm vui vẻ kể lại.
Nhìn khuôn mặt vui tươi, ít ai biết Nguyễn Thị Thơm đã có những chuyện tình buồn.
Chính nụ cười này của Thơm đã hút hồn bao chàng trai.
Chuyện tình học trò ấy chẳng tồn tại được lâu. Khi mẹ chàng trai biết chuyện, bà nặng lời trách mắng con: “Không thấy đường hay sao mà lại đi với nó”.
Kể từ khoảnh khắc ấy, Thơm và chàng trai xa cách dần. Thi chuyển cấp xong, mỗi người đi mỗi ngả.
Thơm kể, mối tình đẹp nhất với cô là ở 4 năm đại học: “Đậu đại học, mình xin vô ở ký túc xá của trường.
Hôm ấy đang ở ngoài sân tập đi thì bỗng đâu một anh chàng nhào tới nói “để tớ giúp cậu nhé”. Lúc ấy mình hơi bất ngờ lẫn hoảng hốt, nên mỉm cười từ chối, rồi nhanh chóng chạy về phòng”.
Tưởng đã xong chuyện, ngờ đâu sáng hôm sau khi đang ngồi trên giảng đường, cô gái vô tình nhìn ra ngoài và “mắt chạm mắt” cố nhân đang thất thểu bước ngoài hành lang.
Đã không còn bỡ ngỡ, Thơm nhoẻn miệng cười tươi, đá lông nheo trêu chọc gã. Có ai ngờ đó là lý do để những buổi sáng tiếp theo, chàng trai ấy chỉ đi mỗi hành lang ấy, chỉ để được thấy Thơm cười.
“Rồi cũng trao đổi số điện thoại, rồi quen nhau. Để gặp mình mỗi ngày, anh ấy chuyển hẳn từ phòng trọ vô ký túc xá.
Hẹn hò đằng đẵng 4 năm nhưng kỳ lạ là tụi mình chưa bao giờ nắm tay nhau. Có lẽ vì cả hai quá lý trí nên chuyện tình chúng mình tuy kéo dài nhưng chẳng hề sâu đậm” – Thơm nhẹ nhàng bảo.
Và chuyện tình ấy đứt gãy khi chỉ còn vài tháng nữa, Thơm tốt nghiệp đại học.
Cho đến bây giờ, cô vẫn nhớ mãi câu nói của chàng trai: “Thơm ơi, tớ rất mến cậu, thương cậu, nhưng tớ không đủ dũng cảm để cùng cậu đi đến con đường cuối cùng. Thơm có giận tớ không?”.
Hiện tại, cô vẫn một thân một mình.
Kịch bản cũ cũng đến với chuyện tình thứ ba, khi cô hẹn hò với anh chàng chung lớp võ. Cũng lãng mạn, đẹp đẽ, nhưng tuyệt nhiên không có sự mặn nồng.
Cô gái chua chát nhận ra rào cản cơ thể là thứ khiến trái tim không thể đến gần nhau.
“Mình cũng là phụ nữ mà, cũng khao khát làm dâu như bao người phụ nữ khác chứ”
Không chỉ có vậy, việc mang trên mình một thân hình không toàn vẹn khiến đôi lần cô gái cao 1m50, nặng 34kg rơi vào những tình huống oái oăm.
“Có lần đang dừng xe trên phố, một bác trung niên chạy ngang qua rồi đột nhiên quay lại hỏi, “Ủa con tật nguyền vậy mà cũng chạy xe được hả”.
Nhiều lần Thơm cảm thấy mình bị mọi người phân biệt đối xử khi bước ra đường.
Lần khác, mình chở chị họ vô bệnh viện phụ sản khám bệnh. Khi cô điều dưỡng gọi tên, hỏi khám bệnh hay khám thai, các chị mang bầu ngồi kế thấy mình liền buột miệng: Bị vậy mà cũng có con được sao”.
Cả hai lần mình đều sững lại một lúc mới có thể bình tâm. Cũng tốt, vì nhờ vậy mình mới nhận ra, trong suy nghĩ của mọi người, phụ nữ khuyết tật không thể chạy xe, không thể làm mẹ”. – Thơm bộc bạch.
Và cô gái quyết tâm thay đổi suy nghĩ đó bằng mọi giá. Với năng lực của mình, mấy tháng sau khi ra trường, Thơm được nhận vào một cơ quan hành chính ở quận 1.
Ban ngày làm việc Nhà nước, tối đến cô gái làm thêm cho một công ty phần mềm, rồi lấy mật ong ở quê lên thành phố bán.
Buổi trưa thay vì nghỉ ngơi như đồng nghiệp, người ta lại thấy cô gái bé nhỏ dong ruổi chiếc xe ba bánh trên khắp các nẻo đường Sài Gòn để... đi giao mật ong.
Nguyễn Thị Thơm trong lần gặp gỡ Nick Vujicic. (Ảnh: NVCC)
Chưa dừng lại đó, Thơm cùng nhóm bạn của mình xin mở gian hàng bán đồ lưu niệm tại một nhà thờ để bán cho khách thập phương.
“Một phần lợi nhuận từ việc bán hàng sẽ được tụi mình trích ra chuyển đến các trung tâm nuôi dạy người khuyết tật, để họ có một cuộc sống tốt hơn.
"Vì lẽ này mà mình nhất quyết không bỏ công việc này, dù chủ nhật nào cũng dậy từ 3 giờ sáng, rất mệt” – Thơm thật thà chia sẻ.
Gần một năm nay, cô tiếp tục cho ra đời một đứa con tinh thần khác: Quán cà phê nhỏ trên đường Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận). Thơm bảo, kinh doanh chỉ là một phần, nhưng mục đích chính là để được thoả niềm đam mê ca hát của mình.
“Mình muốn tạo ra một sân chơi cho người khuyết tật, để mọi người biết rằng, chúng mình khuyết tật nhưng vẫn có thể làm việc, có thể nói cười, có thể hát, và có thể yêu”.
Cô gái hiện đang cùng bạn mở một quán cà phê trên đường Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận).
Để thoả đam mê ca hát của chính mình.
Dù cuộc sống đã ổn định, quỹ thời gian cũng hạn hẹp, nhưng đôi lần thấy cảnh người ta sánh bước bên nhau, thấy bạn bè đồng cảnh ngộ có cuộc sống gia đình viên mãn, Thơm lại chạnh buồn.
“Mình cũng là phụ nữ mà, cũng khao khát làm dâu như bao người phụ nữ khác chứ. Nhưng chắc duyên số chưa đến” – cô giải thích.
Trên đường đời ngược hướng, Nguyễn Thị Thơm vẫn đang kiếm tìm hạnh phúc cho mình.
Và cô gửi gắm nỗi niềm của mình qua những bài hát thể hiện hằng đêm, dưới 1 cái tên khác là Quỳnh Hương. Lời ca ngọt ngào, cao vút của cô như muốn nói, trái tim Thơm vẫn chưa khi nào thôi mong mỏi sẽ tìm được cho mình 1 bờ vai...