Trước khi có những động thái cụ thể nhằm “cố gắng giải cứu nền dân chủ của Venezuela” khỏi sự cầm quyền của Tổng thống Maduro, Washington đã có một lịch sử can thiệp lâu dài về cả quân sự lẫn chính trị tại khu vực Mỹ Latinh.
Từ lâu, khu vực Mỹ Latinh luôn chiếm vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng trên tất cả các phương diện, từ an ninh, quân sự đến kinh tế, thương mại. Do đó, giới cầm quyền Mỹ luôn tìm mọi biện pháp chi phối, đặt các quốc gia ở Nam Mỹ dưới sự kiểm soát, đảm bảo rằng đó luôn là khu vực “sân sau” của Hoa Kỳ.
Kể từ khi Học thuyết Monroe (Monroe Doctrine) ra đời vào đầu thế kỷ 19 - học thuyết nhằm bảo vệ nền “độc lập” non trẻ cho các nước Mỹ Latinh vừa mới thoát khỏi ách thực dân châu Âu với tôn chỉ “châu Mỹ là của người châu Mỹ”, Hoa Kỳ đã “tích cực” can thiệp quân sự lẫn chính trị vào các các quốc gia trên khắp bán cầu, thay mặt cho lợi ích thương mại của Bắc Mỹ nhằm hỗ trợ các lực lượng phe cánh hữu chống lại các nhà lãnh đạo cánh tả.
Dưới đây là một số cột mốc đáng chú ý đánh dấu sự can thiệp của Hoa Kỳ tại khu vực Mỹ Latinh:
1846: Hoa Kỳ xâm chiếm Mexico và tấn công thành phố Mexico vào năm 1847. Một hiệp ước hòa bình giữa hai nước được ký kết vào năm sau. Tuy nhiên, hơn một nửa lãnh thổ của Mexico hiện nay thuộc về khu vực miền Tây của Hoa Kỳ.
1903: Hoa Kỳ giúp Panama độc lập khỏi Colombia và giành chủ quyền đối với khu vực Kênh đào Panama kết nối các tuyến vận tải Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
1903: Cuba và Hoa Kỳ ký một hiệp ước cho phép Hoa Kỳ kiểm soát các vấn đề tại Cuba. Hoa Kỳ sau đó thành lập căn cứ hải quân tại vịnh Guantanamo.
Hải quân lục chiến Hoa Kỳ liên tục can thiệp vào Trung Mỹ và khu vực biển Caribbean trong suốt quý đầu tiên của thế kỷ 20, nhằm bảo vệ lợi ích giao thương trong những thời điểm bất ổn chính trị thế giới.
1914: Quân đội Mỹ chiếm đóng cảng Veracruz của Mexico trong vòng bảy tháng với nỗ lực nhằm can thiệp thay đổi sự phát triển của cách mạng ở Mexico.
1954: Tổng thống Guatemala Jacobo Arbenz bị lật đổ trong một cuộc đảo chính do Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ - CIA hậu thuẫn.
1961: Sự kiện Vịnh Con Lợn, là một nỗ lực bất thành của lực lượng những người Cuba lưu vong do CIA huấn luyện để xâm chiếm miền nam Cuba với sự hỗ trợ của quân đội chính phủ Hoa Kỳ, nhằm lật độ chính phủ của Fidel Castro do Liên Xô hậu thuẫn ở Cuba. Washington được cho là tiếp tục phát động các nỗ lực ám sát nhà lãnh đạo Cuba và đánh bật chính phủ của ông.
1964: Tổng thống cánh tả Joao Goulart của Brazil bị lật đổ trong một cuộc đảo chính do Mỹ hậu thuẫn, áp đặt một chính phủ quân sự kéo dài cho đến những năm 1980.
Năm 1965: Cuộc nội chiến tại Cộng hòa Dominica, đã kết thúc bằng sự can thiệp của Mỹ.
Đáng chú ý, vào những năm 1970, Argentina, Chile và các quốc gia Nam Mỹ đồng minh phát động chiến dịch đàn áp và ám sát tàn bạo nhằm vào những lãnh đạo cánh tả, được gọi là Chiến dịch Condor.
Chiến dịch Condor quy tụ nhiều cơ quan an ninh và mật vụ chính trị của 6 chế độ độc tài Mỹ Latinh là Chile, Argentina, Bolivia, Brazil, Paraguay và Uruguay. 35.000 người bị ám sát hoặc mất tích do mạng lưới Condor vẫn chưa phải con số cuối cùng, bởi những vụ ám sát thường diễn ra bí mật với quy mô rộng. Chiến dịch này được cho là do Mỹ hậu thuẫn.
Những năm 1980: Chính quyền của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan hỗ trợ các lực lượng chống lại chính phủ Sandinista của đất nước trung Mỹ Nicaragua. Hoa Kỳ sau đó tiếp tục ủng hộ chính phủ Salvador chống lại lực lượng Mặt trận Giải phóng Quốc gia Farabundo Martí (FMLN) - một trong hai đảng chính trị lớn ở El Salvador.
Năm 1983: Quân đội Mỹ chiếm đóng quốc đảo Grenada ở Caribbean sau khi cáo buộc chính phủ nước này liên minh với Cuba và Nga.
Năm 1989: Hoa Kỳ xâm chiếm Panama “hất cẳng” chính quyền của nhà lãnh đạo Manuel Noriega.
Năm 1994: Mỹ can thiệp quân sự vào Haiti nhằm xóa bỏ chế độ quân sự được lãnh đạo bởi một cuộc đảo chính năm 1991 của tướng Raoul Cedra nhằm lật đổ Tổng thống Jean Bertrand Aristide. Mỹ sau đó đã giúp khôi phục chính quyền cho ông Aristide.
Sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ tại khu vực Mỹ Latinh được cho đã giảm dần sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã vấp phải cáo buộc hỗ trợ ngầm cho các cuộc đảo chính ở Venezuela năm 2002 và Honduras năm 2009.
Năm 2002: Tổng thống Venezuela Hugo Chavez cùng các đồng minh chủ chốt cáo buộc Hoa Kỳ hỗ trợ ngầm cho các nỗ lực đảo chính tại nước này. Ông Chavez đã giành lại chính quyền từ các phe đối lập chỉ sau hai ngày của cuộc đảo chính.
Năm 2009: Tổng thống Honduras, ông Manuel Zelaya bị quân đội lật đổ. Hoa Kỳ đã vấp phải nghi ngờ làm xấu đi tình hình tại nước này bằng cách ủng hộ công khai các cuộc đảo chính.
Giờ đây, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã đi đầu trong việc kêu gọi công nhận Chủ tịch Quốc hội Juan Guaido là "Tổng thống lâm thời hợp pháp" của Venezuela, kéo theo sự hưởng ứng của đa số các quốc gia Mỹ Latinh khác.
Có thể nói, thời gian qua, với những mục tiêu cụ thể về kinh tế, quân sự, chính sách can thiệp trực tiếp của Hoa Kỳ vào châu Mỹ Latinh đã đưa lại nững kết quả nhất định đối với Mỹ. Nhiều nước Mỹ Latinh ngày càng phải phụ thuộc vào Mỹ trên tất cả các phương diện kinh tế, chính trị, quân sự. Điều này thể hiện rõ nét ảnh hưởng quan trọng của Mỹ tại khu vực Nam Mỹ - vốn từ lâu vẫn được coi là “sân sau” của Hoa Kỳ.