Nhìn chặng đường 30 năm, tỷ phú Trần Đình Long khẳng định "Hòa Phát không chọn lối dễ đi"

Huyền Trang |

Theo ông Trần Đình Long, "Hòa Phát không chọn lối dễ đi, chọn làm sản xuất công nghiệp là ngành nhiều vất vả, phải đổ mồ hôi thực sự mới tạo ra thành phẩm. Nhưng gánh nặng ấy là gánh nặng êm vai khi nhìn lại chặng đường 30 năm qua."

Trong báo cáo thường niên năm 2021, chủ tịch CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã CK: HPG) - ông Trần Đình Long đã có đôi lời gửi đến các cổ đông và nhà đầu tư khẳng định vị thế và uy tín của Hòa Phát trong suốt chặng đường 30 năm phát triển.

Khởi nghiệp năm 1992 bằng hoạt động mua bán máy móc xây dựng, Hòa Phát đã từng bước mở rộng sang lĩnh vực nội thất, ống thép, sản xuất thép xây dựng, điện lạnh, bất động sản, thép cuộn cán nóng, tôn mạ nông nghiệp. Và gần đây nhất là sản xuất hàng điện máy gia dụng và vỏ container rỗng.

Theo ông Trần Đình Long, "Hòa Phát không chọn lối dễ đi, chọn làm sản xuất công nghiệp là ngành nhiều vất vả, phải đổ mồ hôi thực sự mới tạo ra thành phẩm. Nhưng gánh nặng ấy là gánh nặng êm vai khi nhìn lại chặng đường 30 năm qua."

Nhìn chặng đường 30 năm, tỷ phú Trần Đình Long khẳng định Hòa Phát không chọn lối dễ đi  - Ảnh 1.

Năm 2021 là một năm khó khăn với nhiều biến động về cả mặt kinh tế, xã hội, chính trị do ảnh hưởng của dịch covid-19, tuy nhiên Hòa Phát vẫn luôn phát triển ổn định trên tất cả mọi lĩnh vực, mở rộng thêm lĩnh vực điện máy gia dụng; tăng cường công tác quảng cáo, bán hàng; khởi công xây dựng nhà máy tại Hà Nam với công suất 1 triệu sản phẩm/năm. Tháng 4/2021, Hòa Phát cũng đã khởi công nhà máy sản xuất Container tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hiện nay, Hoà Phát đang tập trung phát triển tại các lĩnh vực như thép, sản phẩm thép, nông nghiệp, bất động sản, điện máy gia dụng và đã gặt hái được nhiều thành công.

Năm 2021, doanh thu và lợi nhuận của Hòa Phát đạt mức 150.865 tỷ đồng và 34.521 tỷ đồng, cao gấp hơn 4 lần so với trước khi Hòa Phát bắt tay xây dựng Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất 1 cách đây 5 năm. Đây cũng là lợi nhuận ở mức kỷ lục trong lịch sử của Tập đoàn cũng như của một công ty sản xuất công nghiệp tại Việt Nam.

Nhìn chặng đường 30 năm, tỷ phú Trần Đình Long khẳng định Hòa Phát không chọn lối dễ đi  - Ảnh 2.

Nguồn: Báo cáo thường niên Tập đoàn Hoà Phát

Trong đó, lĩnh vực thép (bao gồm gang thép và sản phẩm thép) vẫn đóng vai trò chủ đạo và là mảng kinh doanh cốt lõi của Hoà Phát. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của mảng này lần lượt chiếm 94% và 96% toàn Tập đoàn. Thép xây dựng và ống thép Hòa Phát tiếp tục duy trì thị phần số 1 trên thị trường lần lượt là 32,6% và 24,7%.

Lợi nhuận sau thuế lĩnh vực nông nghiệp đạt 718 tỷ, đóng góp 5% doanh thu và 2% lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn. Bò Úc giữ thị phần số 1 Việt Nam, heo an toàn sinh học, trứng gà sạch của Hòa Phát cũng thuộc top đầu của thị trường.

Doanh thu lĩnh vực bất động sản tăng 126% so với năm 2020, các khu công nghiệp liên tục mở rộng, tỷ lệ lấp đầy trên 90%, mở rộng nghiên cứu triển khai các khu đô thị và đại đô thị hiện đại trên tại nhiều vùng kinh tế trọng điểm.

Về kế hoạch kinh doanh sắp tới, ngay trong năm 2022, Tập đoàn sẽ triển khai Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, nâng sản lượng thép của Hòa Phát lên 14 triệu tấn vào năm 2025. Hòa Phát cũng đang từng bước đặt nền móng trở thành top 3 nhà phát triển bất động sản ở Việt Nam và trở thành nhà sản xuất hàng gia dụng hàng đầu, đón đầu làn sóng chuyển dịch sản xuất của thế giới.

"30 năm tới Hòa Phát sẽ tiếp tục khẳng định uy tín trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh của mình, là xe lu nghĩ rất lâu nhưng làm rất nhanh và liên tục chuyển mình, liên tục đổi mới. Hòa Phát vẫn sẽ là chàng trai trưởng thành, bản lĩnh và nói thật làm thật bằng tinh thần hòa hợp cùng phát triển với đối tác khách hàng, với cán bộ nhân viên và với cộng đồng.", ông Trần Đình Long chia sẻ.

Nhìn chặng đường 30 năm, tỷ phú Trần Đình Long khẳng định Hòa Phát không chọn lối dễ đi  - Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại