*Dưới đây là bài chia sẻ trên Zhihu (nền tảng hỏi đáp và cung cấp kiến thức)
Giáo viên của tôi và vợ ông là tri kỷ của nhau. Cả hai đều sinh sau năm 70, khi mới gặp gỡ đã ngay lập tức đắm say và sánh bước cùng nhau hơn hai mươi năm trời. Họ có cùng sở thích và đam mê, vợ thì mải mê với hội họa, chồng thì đắm chìm trong võ thuật, mỗi ngày đều luyện quyền tại gia.
Tôi từng hỏi thầy tại sao lại chọn cuộc sống không con cái. Ông bình thản trả lời, cứ để mọi việc thuận theo tự nhiên. Họ luôn nói rằng, tu hành giữa trần thế đã là việc khó khăn, nếu không có đủ khả năng, họ sẽ không dám mạo hiểm đưa một sinh linh vào thế giới này.
Khi còn trẻ, hai vợ chồng đã đi rất nhiều nơi trong nước, thậm chí những vùng cao khó khăn họ cũng không ngần ngại.
Căn nhà hai phòng của họ, một gian là phòng ngủ với một chiếc giường, rèm cửa cũng màu trơn. Phòng khách chỉ có một tấm thảm yoga, một bàn ăn và một bộ giá sách đồ sộ.
Họ không có tủ lạnh, không có tivi, chỉ nấu cơm cho ngày hôm đó, thực phẩm cũng chỉ mua đủ dùng nên không cần tủ lạnh hay lò vi sóng. Ghế sofa chỉ có một bộ, do vợ thầy tự làm từ vải tìm được ở chợ nhờ có kỹ năng chuyên ngành thiết kế thời trang.
Điều họ thích nhất là sau giờ làm việc, cùng nhau ngồi trong phòng uống trà và trò chuyện.
Khi còn trẻ, vợ đam mê hội họa, thầy để vợ ở nhà vẽ mỗi ngày, còn mình đi làm. Vài năm sau, vợ trở lại công việc, làm việc cho một nhà xuất bản, chuyên vẽ minh họa cho sách giáo khoa học sinh. Vợ chồng họ luôn ủng hộ lẫn nhau trong sở thích và đam mê.
Tôi cũng từng hỏi họ một câu hỏi rất thực tế, sau này sẽ ra sao?
Ông nói, thầy và vợ mỗi ngày đều luyện quyền, sức khỏe rất tốt. "Nếu thật sự không khỏe thì chúng tôi sẽ đi khám bệnh, nếu bệnh không thể chữa được, chúng tôi cũng không cố sống. Cuộc sống là chất lượng trong từng khoảnh khắc, không phải số ngày trôi qua, thầy không tranh đấu với người khác".
Vì quen biết thầy đã lâu, tôi cũng biết một số chuyện của ông. Ông sinh ra trong một gia đình giàu có, là con cả, từ nhỏ học cái gì cũng rất nhanh. Nhưng mẹ ông thích em trai thành đạt hơn, bà gần như không còn liên lạc gì với thầy sau khi bố ông mất.
Vài năm trước bà đột nhiên liên lạc chỉ để yêu cầu ông từ bỏ quyền thừa kế căn nhà. Thầy và vợ đều không quan tâm đến những thứ này nên đã đồng ý. Nhưng vài năm sau, mẹ ông bệnh nặng nhập viện, em trai rất ít xuất hiện, nhưng mẹ cũng không còn mặt mũi để gọi thầy đến chăm sóc. Sau thì vợ khuyên thầy rằng hai vợ chồng nên đến chăm mẹ, ông mới nghe theo.
Vợ thường khích lệ thầy rằng con người ta cần học cách buông bỏ trước, sau đó mới nắm lấy.
Khi còn trẻ, vợ thầy đã hết lòng với mẹ chồng. Nhưng mẹ chồng lại không thích bà, lúc nào cũng so sánh với người em trai. Vợ thầy không than vãn, chỉ làm những gì mình cần làm. Bà không tính toán, cũng không cãi cọ, luôn bình thản làm điều mình cho là đúng, những thứ bên ngoài hay người khác rất ít ảnh hưởng đến bà.
Vợ ủng hộ thầy trong mọi chuyện. Bà chưa bao giờ nói về tiền, cũng không quá lo lắng bởi bà luôn có khả năng kiếm tiền bất cứ lúc nào. Bà chưa bao giờ khuyến khích thầy phải cật lực kiếm tiền, không để áp lực cuộc sống đẩy ông vào thế tục, bà rất rõ ràng về tính cách của người bạn đời mình.
Thế giới này mọi người đều cúi đầu vì lợi ích, nhưng họ vợ chồng đã cố gắng hết sức để giữ mình không lao theo vòng xoáy này. Tình cảm vợ chồng hòa thuận, là một phần của việc tuân theo tự nhiên.
***
Vài năm gần đây, tôi mới hiểu được nhiều điều từ cuộc đời của vợ chồng thầy - hai con người giản dị và bình thường trong xã hội ngoài kia.
Chọn lựa không con cái chỉ là một hình thức, không thể định hình một người. Dù lựa chọn ra sao, thầy nói hài lòng với quyết định của mình mới là quan trọng nhất.
Giữ vững sơ tâm, bảo vệ tốt thân thể (sức khỏe), bạn mới có thể bảo vệ người mình yêu thương.
Bản chất của sự giản dị là sự buông bỏ. Trái tim mở rộng và bình yên, dù quý nhân không đến cũng không sao, bạn chính là quý nhân cứu rỗi đời mình.
Mong bạn không vội vàng, không nóng nảy, bình tĩnh và nhẹ nhàng trong thời gian về sau của cuộc đời.