Nhiều trạm thu phí vượt thời hạn: Tiền dân vào túi ai?

Sỹ Lực |

Giới chuyên gia cho rằng, việc Bộ GTVT để Trạm thu phí Hầm Đèo Ngang (giáp ranh giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình) vượt thời hạn thu phí đến 2 năm thể hiện sự lỏng lẻo trong quản lý. Thực tế có nhiều dự án BOT khác phải giảm thời gian thu phí đến 20 năm cho thấy, việc lập dự án có sai số quá lớn, dễ phát sinh tiêu cực…

Biết nhưng để lại để thu phí cho dự án mới

Ngày 23/12, tại Hội nghị tổng kết năm 2016, Thanh tra Bộ GTVT công bố thông tin bất ngờ: Dự án xây dựng Hầm đường bộ qua Đèo Ngang theo hình thức hợp đồng BOT giảm thời gian thu phí 7 năm 10 tháng 4 ngày.

Hiện dự án được xác định đã thu phí vượt qua thời gian 2 năm.

Ngoài ra, hàng loạt trạm thu phí bị đề nghị giảm thời gian thu phí; trong đó, dự án tuyến đường tránh TP Thanh Hóa bị đề nghị cắt giảm đến 19 năm 11 tháng trong tổng số 30 năm 8 tháng được phép thu phí.

Ngoài việc yêu cầu xử lý về tài chính, Thanh tra Bộ GTVT kiến nghị xử lý nhiều biện pháp về hành chính theo đúng quy định đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra các tồn tại được phát hiện qua kết quả thanh tra.

Trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường cho hay: "Ở nhiệm kỳ trước, Bộ GTVT dự định triển khai mở thêm hầm thứ 2, song song với hầm Đèo Ngang hiện nay (Hầm Đèo ngang hiện có 2 làn đường, trong khi hầu hết toàn tuyến QL 1A đã được nâng cấp lên 4 làn xe - PV).

Việc này đã được Chính phủ cho phép. Bây giờ, chưa làm hầm ngay, Bộ GTVT mới cho dừng trạm".

Trả lời câu hỏi vì sao Bộ GTVT chỉ công bố việc trạm vượt thời hạn thu phí sau khi có kết luận thanh tra mà không phải từ công tác quản lý thu phí thường xuyên, ông Trường nói: "Chúng tôi có kiểm soát chứ không thể nói không kiểm soát.

Nếu bỏ trạm cũ, rồi tái lập để làm dự án mới rất khó khăn. Bộ GTVT đang trình Chính phủ để tiếp tục làm hầm thứ 2.

Nếu Chính phủ đồng ý sẽ đưa ngay số tiền đó làm hầm thứ 2. Nếu không được đồng ý, nhà đầu tư (Tổng Cty Sông Đà - PV) phải trả lại tiền để dùng vào duy tu quản lý hầm Đèo Ngang hiện nay".

Trước đó, thông tin về việc Hầm Đèo Ngang quá hạn thời hạn thu phí chưa từng được Bộ GTVT đề cập.

Trong văn bản mới nhất yêu cầu dừng trạm thu phí Đèo Ngang vào ngày 30/11/2016, Tổng cục Đường bộ nêu việc dừng trạm thu phí này để thực hiện công tác quyết toán dự án và chỉ đề cập đến việc nộp tiền thừa trong trường hợp "nếu có".

Nhiều trạm thu phí vượt thời hạn: Tiền dân vào túi ai? - Ảnh 1.

Trạm thu phí Hầm Đèo Ngang hoạt động vượt quá thời gian đến 2 năm. Ảnh: Bảo An.

Phân định và quy trách nhiệm rõ ràng

Bình luận về thông tin vừa được Thanh tra Bộ GTVT công bố, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho rằng: "Việc Bộ GTVT để hầm đường bộ qua Đèo Ngang thu phí quá 2 năm dù bất cứ lý do gì cũng thể hiện công tác quản lý lỏng lẻo.

Sự việc đáng ra phải được phát hiện trước, thông qua công tác quản lý thường xuyên chứ để thanh tra mới phát hiện là rất có vấn đề".

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc hàng loạt dự án BOT khác cũng được thanh tra Bộ GTVT đề nghị giảm thời gian thu phí từ vài năm lên đến gần 20 năm cho thấy việc lập dự án, dự toán cho dự án BOT dễ dãi.

"Một dự án dư đến 2/3 thời gian thu phí như tuyến tránh TP Thanh Hóa cho thấy việc lập dự án không chính xác, dự báo tăng trưởng phương tiện không sát.

Từ chỗ việc lập dự án không chính xác sẽ xảy ra nhiều vấn đề bất cập, nếu chưa muốn nói đến tiêu cực, trục lợi trong quá trình thực thi" - ông Thanh nói.

Với tình trạng cấp bách như hiện nay, ông Thanh đề nghị tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm toán các dự án BOT đã thực hiện.

Về trách nhiệm, ông Thanh cho rằng, hiện một dự án BOT cùng được Bộ GTVT và Bộ Tài chính quản lý song song nên trong quá trình thu phí nên dễ xảy ra tình trạng buông lỏng, đổ lỗi khi xảy ra sự việc.

"Đề nghị Chính phủ giao một bộ làm đầu mối quản lý để quyết liệt hơn với công việc. Khi xảy ra vấn đề, chính bộ đó phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và người dân".

Ông Thanh nhắc lại đề nghị ông nêu nhiều lần: Bộ GTVT cần nhanh chóng công khai thời gian thu phí bằng các biển thông báo ngay tại trạm thu phí; dứt điểm dừng ngay các trạm thu phí chưa quyết toán đúng thời hạn.

Thông tin từ cuộc họp Ban Cán sự Bộ GTVT mới đây cho thấy, trong tổng số 56 dự án BOT, BT đã hoàn thành vẫn còn 18 dự án chưa hoàn thiện các thủ tục để trình quyết toán, trong đó 5 dự án phải trình năm 2016, 13 dự án trình trong năm 2017.Tại cuộc họp này, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa cho hay: "Chỉ có thông qua quyết toán, chúng ta mới giải tỏa được bức xúc của xã hội. Chỉ có qua quyết toán, mọi chuyện mới được minh bạch".

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng cam kết: "Bộ đã liên tục chỉ đạo Tổng cục Đường bộ giám sát chặt các trạm thu phí và cam kết minh bạch tối đa thông tin về thu phí".

Ngoài dự án Hầm đường bộ qua Đèo Ngang và Dự án tuyến tránh TP Thanh Hóa, Thanh tra Bộ GTVT đề nghị giảm thời gian thu phí tại hàng loạt dự án.

Trên đường Hồ Chí Minh, dự án BOT đoạn Km734+600 - Km765 qua Đắk Nông giảm 10 năm 7 tháng, đoạn Km1610 – Km1667+570 (Cầu 110) qua Gia Lai giảm 8 năm 4 tháng; đoạn Km678+734 - Km704 qua Đắk Lắk giảm 3 năm 3 tháng 12 ngày. Dự án tuyến tránh TP Vinh, tỉnh Nghệ An giảm 7 năm 5 tháng.

Dự án đầu tư xây dựng Quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) theo hình thức hợp đồng BOT giảm 3 năm 8 tháng 11 ngày. Dự án cải tạo nâng cấp QL2 đoạn Vĩnh Yên - Nội Bài (Km7+880 - Km29+800) giảm 6 năm 9 tháng.

Dự án cải tạo, nâng cấp QL10 đoạn từ cầu La Uyên đến cầu Tân Đệ (Km92+900 ÷ Km98+400) giảm 2 năm 5 tháng. Dự án xây dựng cầu Yên Lệnh, QL38 theo hình thức hợp đồng BOT trong nước giảm 4 năm 3 tháng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại