Nhiều sinh viên Trung Quốc muốn được học về cái chết để bớt lo sợ

Minh Thu |

Sinh viên Trung Quốc ngày càng tỏ ra quan tâm tới việc giáo dục về cái chết để có thể chuẩn bị tâm lý và vơi bớt nỗi lo sợ.

Cuộc nghiên cứu mới đây cho thấy sinh viên Đại học ở Trung Quốc hiện quan tâm chương trình giáo dục về cái chết nhiều như giáo dục về tình dục.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), hơn 56% sinh viên tham gia cuộc điều tra cho biết họ cần được học về cái chết để giảm bớt đi nỗi lo và sợ hãi. Tỷ lệ này tương đương với số lượng sinh viên bày tỏ muốn được theo học các khóa về tình dục. Đây là kết quả nghiên cứu trên 262 sinh viên tại 5 trường Đại học ở thủ đô Bắc Kinh.

Nhiều sinh viên Trung Quốc muốn được học về cái chết để bớt lo sợ - Ảnh 1.

Hơn 50% sinh viên Trung Quốc tham gia cuộc điều tra muốn được giáo dục về cái chết để chuẩn bị tốt tâm lý. (Ảnh: AP)

Trên thực tế, các khóa học về cái chết đã được giảng dạy tại một số trường Đại học ở Trung Quốc. Nội dung tiết học là giải thích về quá trình sinh học của cái chết và dạy người học một số phương pháp mang tính khoa học liên quan tới việc xoa dịu nỗi đau thương.Trong văn hóa Trung Quốc, cái chết là điều kiêng kỵ khi nhắc tới. Do đó, việc đưa chủ đề cái chết vào giảng dạy vẫn bị xem là không hợp lý hoặc bất kính.

Giáo sư Sun Yingwei tại Đại học Y Thủ đô kiêm nhà khoa học đứng đầu nhóm nghiên cứu nhận định, tỷ lệ 56% sinh viên quan tâm tới chương trình học về cái chết cho thấy đại dịch Covid-19 và sự bất ổn của thế giới đã làm thay đổi quan niệm trong thế hệ trẻ Trung Quốc.

Trong bài viết đăng trên tạp chí Health Vocational Education vào ngày 21/1, bà Sun cho rằng, “Giờ là lúc thích hợp để tiến hành giáo dục về cái chết cho giới trẻ”.

Mỗi năm Trung Quốc có hơn 8 triệu sinh viên tốt nghiệp Đại học, gấp 2 lần so với con số ở Mỹ. Lực lượng tri thức này đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế phát triển nhanh chóng, cùng sự cạnh tranh gia tăng trong ngành khoa học và công nghệ cao. Đây cũng là lý do thị trường việc làm ở Trung Quốc trở nên vô cùng khốc liệt đối với nhiều sinh viên mới ra trường.

Trong những năm gần đây, những chủ đề như “nằm yên để mặc mọi thứ” đang trở thành xu hướng tranh luận gay gắt trên mạng xã hội Trung Quốc. Nguyên nhân là do ngày càng nhiều người trẻ ở đất nước tỷ dân khẳng định họ không thể chịu đựng được thêm cuộc sống luôn phải lo lắng. Nói cách khác, thay vì đi theo công thức chung của sự thành công ở Trung Quốc gồm làm việc chăm chỉ, kết hôn và có con, nhiều bạn trẻ quyết định buông bỏ để sống chậm và tận hưởng giá trị cuộc sống cá nhân.

Một số nghiên cứu gần đây cũng cho thấy khoảng 1% sinh viên Đại học Trung Quốc có ý định tự sát và một yếu tố quan trọng dẫn tới hành vi tự tử chính là mối lo về cái chết.

Bà Sun và các đồng nghiệp cho hay những chương trình giáo dục về cái chết có thể giảm bớt nỗi sợ và lo lắng về sự ra đi vĩnh viễn trong giới trẻ.

Theo bà Sun, sự chêch lệch trong tỷ lệ cung và cầu của các khóa học về cái chết làm dấy lên câu hỏi liệu các trường Đại học Trung Quốc “có làm tốt công tác giáo dục sinh viên" trong khi họ mang trọng trách là niềm hy vọng và tương lai của đất nước.

Cũng trên tạp chí Health Vocational Education, một nghiên cứu chung được các nhà khoa học ở Đại học Y Thủ đô và trung tâm y tế đặc biệt của Lực lượng Tên lửa thuộc quân đội Trung Quốc tiến hành chỉ ra rằng, xã hội Trung Quốc nói chung chưa sẵn sàng đối mặt với những cái chết hàng loạt.

Trong cuộc điều tra với gần 300 người trong độ tuổi từ 30 – 95 sinh sống ở 2 thành phố không được nêu tên, họ đều tỏ ra lo lắng về gia đình nhiều hơn là cho bản thân. Phần lớn những người tham gia cuộc điều tra cho hay họ cảm thấy khó nói về cái chết với người khác ngay cả với những người thân thiết nhất. Theo các nhà nghiên cứu, điều này chứng minh người dân Trung Quốc gặp khó khăn tâm lý nghiêm trọng khi đối mặt với cái chết.

Một nghiên cứu của Đại học Thanh Hoa vào năm 2017 cũng cảnh báo khi một sự kiện chết chóc bất ngờ xảy ra ở Trung Quốc, sự bùng nổ cảm xúc sẽ lan truyền nhanh trong xã hội và dẫn tới những hậu quả không thể ngờ tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại