Ông Cui Rongwei là một doanh nhân ở vùng Đông Bắc Trung Quốc, muốn thăm châu Âu nhưng lại không đủ tiền đến Paris vì thế ông ta thường xuyên đến thăm Vladivostok, một "thành phố châu Âu" cách nhà ông chỉ vài trăm cây số.
Theo ông Cui thì Vladivostok là "lãnh thổ lịch sử của Trung Quốc" và nên được gọi là "Haishenwai", New York Times cho biết.
"Trong thực tế, đất này là của Trung Quốc. Nhưng chúng tôi không phải vội đòi lại", ông Cui nói, ngay trên bến cảng của thành phố Vladivostok sau lưng là các tàu chiến của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga.
Cần biết là, lãnh thổ Primorsky, nơi có trung tâm của khu vực là thành phố Vladivostok, trước năm 1860 thuộc về triều đại nhà Thanh ở Trung Quốc.
Nhưng vùng đất này thuộc vào đế quốc Nga theo Hiệp định Bắc Kinh 1860, phân định lãnh thổ các vùng lãnh thổ theo bờ sông Amur, Ussuri của Trung Quốc, cũng như nhánh Kazakevich. Như vậy, các con sông nêu trên hoàn toàn thuộc sở hữu của Nga.
Hiệp định được Trung Quốc ký để bày tỏ sự biết ơn đối với Nga vì bá tước Nicholas Ignatiev đã cứu Bắc Kinh khỏi sự cướp bóc của binh lính Pháp - Anh sau khi Trung Quốc bị thua trong Chiến tranh nha phiến thứ hai.
Cần thấy rằng vấn đề sở hữu các vùng lãnh thổ Primorsky không bao giờ được đặt ra trong chương trình nghị sự quan hệ Nga -Trung Quốc, do nó được quy định lâu dài bởi các thỏa thuận song phương và không phải là chủ đề tranh chấp lãnh thổ giữa Moscow và Bắc Kinh.
Bắc Kinh hiện cũng không thể nhắc lại điều này khi một loạt các thỏa thuận phân định đường biên giới dài hơn 4.200km biên giới giữa hai nước đã được ký từ năm 1991.
Năm 2005, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố sau khi phân định những hòn đảo cuối đang tranh chấp với Trung Quốc rằng "lần đầu tiên trong lịch sử của chúng ta, quan hệ song phương với Trung Quốc sẽ không bị hủy vì một vụ tranh chấp biên giới".
Không vị nào tại Trung Nam Hải chính thức nhắc lại chuyện này, nhưng sau nhiều năm tuyên truyền về cái gọi là "hiệp ước bất bình đẳng năm 1860", nhiều người dân Trung Quốc tin rằng phần lớn Siberia và Viễn Đông Nga là lãnh thổ của họ và bị Nga cướp mất.
Sự tin tưởng này bất chấp một thực tế là vùng đất trên chưa bao giờ thật sự là của người Hán, nó thuộc sự kiểm soát của các bộ tộc Mông Cổ. Vùng Viễn Đông của Nga ngày ngay được "nhập" vào Trung Quốc từ thế kỷ thứ 12 khi nước này bị người Mông Cổ xâm lược và thành lập triều đại nhà Nguyên.
Ngay nay, chính quyền Trung Quốc không còn chĩa mũi dùi dân tộc cực đoan về hướng Nga, một đối tác ngày càng quan trọng với Bắc Kinh mà tập trung sự chú ý đến Biển Đông, quần đảo Senkaku và vấn đề Đài Loan.
Tất cả các vùng trên, theo dư luận Trung Quốc, đều là những lãnh thổ của nước này bị các nước nhỏ hơn "chiếm đóng" khi Trung Quốc rơi vào thời kỳ yếu kém.
Thế nhưng, rõ ràng là chiến dịch tuyên truyền dài hơi từ những năm 60 không thể nhanh chóng xóa đi kết quả và vẫn có người thường xuyên lên mạng internet "than thở" về những vùng đất bị mất vào tay Nga.
Ông Victor L.Larin, Giám đốc Viện Sử học, Khảo cổ học và Dân tộc học vùng Viễn Đông tại Vladivostok, nói rằng ông thường gặp các quan chức và học giả Trung Quốc và "họ không bao giờ đặt câu hỏi" về quyền sở hữu Vladivostok.
Nhưng ông Larin cũng nói thêm rằng ông biết nhiều người Trung Quốc bình thường vẫn phản đối "hiệp ước bất bình đẳng" và mơ sẽ có ngày Vladivostok trở về với Trung Quốc.
Niềm tin "điên rồ" này đã kích động cuộc chiến ngắn ngủi nhưng đẫm máu dọc theo biên giới phía bắc Vladivostok vào năm 1966, sự kiện này suýt chút nữa đẩy Trung Quốc và Liên Xô vào một cuộc chiến tranh toàn diện.
"Lịch sử luôn được sử dụng bởi những kẻ đầu cơ chính trị", ông Larin nói, đồng thời nhấn mạnh là việc đòi lại Vladivostok phi thực tế như việc có ai đó ở Nga muốn đòi Alaska từ Mỹ.
Ông Larin cũng cho biết quan điểm về việc Vladivostok đã từng là một thị trấn Trung Quốc trước khi người Nga tới là một "huyền thoại" dựa trên những chứng lý sai lầm là có một số người Trung Quốc đã đến đây câu cá và săn tìm hải sâm nhưng họ không thật sự định cư.
Ông Larin cũng cho biết Nga đã xây dựng Vladivostok là "một sự kiện lịch sử không cần nhắc lại".
Trung Quốc dùng tên "Haishenwai" (Hải Sâm Uy) để nói về Vladivostok, một số sử gia cho biết điều này chứng tỏ cái tên này chỉ mới được đặt sau này vì khu vực này nằm trong đất Mãn Châu, vốn sử dụng tiếng Mãn để đặt tên cho các địa danh.
Bất chấp thực tế ấy, hướng dẫn viên du lịch của Trung Quốc và các sách hướng dẫn du lịch bằng tiếng Trung vẫn cam đoan rằng "Haishenwai" mới là tên gốc của Vladivostok.