Ông Tillerson nói trong cuộc phỏng vấn với đài CNN, phát ngày 5/1: "Chúng ta đang cố gắng tập trung vào những vấn đề lớn thực sự giữa hai nước, đó là Syria và tình hình ở nước này, đó là tình hình ở Ukraine và... tạo dựng ổn định ở Đông Âu, và thừa nhận những gì nước Nga đang lo ngại."
Ngoại trưởng Mỹ cũng nói rằng song phương sắp có các cuộc gặp "quan trọng" về Hiệp ước Vũ khí Hạt nhân Tầm trung (INF) và Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược (START).
Sputnik News (Nga) nói rằng, từ năm 2014 Mỹ đã tăng cường hiện diện quân sự tại châu Âu, đặc biệt trong vai trò thành viên NATO, khi lợi dụng cuộc khủng hoảng ở Ukraine làm tiền đề triển khai thêm cơ sở quần sự gần các đường biên giới của Nga. Moskva gọi những động thái này là thách thức Nga, và cảnh báo dẫn đến bất ổn trong khu vực lẫn toàn cầu.
Năm 2015, Mỹ kích hoạt hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trên bờ Aegis tại Romania, được trang bị các bệ phóng Mk-41, khiến Nga quan ngại Mỹ vi phạm INF. Moskva cho rằng Mk-41 có khả năng phóng tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk.
Năm 2017, nhân chuyến thăm của tổng thống Mỹ Donald Trump tới Ba Lan, Bộ quốc phòng Ba Lan và Lầu Năm Góc ký thỏa thuận đưa lá chắn tên lửa Patriot tới Warsaw. Theo thỏa thuận ban đầu, các hệ thống Patriot sẽ được chuyển giao cho Ba Lan trước năm 2022.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (Ảnh: AP)
Nga đã nhiều lần thông báo với các đối tác của Mỹ về quan ngại của Moskva liên quan đến việc Mỹ "vượt rào" các cam kết quốc tế bằng cách mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa. Tuy nhiên, Washington không đáp lại.
Hồi tháng trước, tờ Air Force Times của Mỹ đưa tin nước này có kế hoạch chi khoảng 214 triệu USD để nâng cấp và xây mới các công trình quân sự và lắp đặt khí tài tại các căn cứ không quân ở Đông Âu, Na Uy và Iceland, như một phần của sáng kiến nhằm kiềm chế Nga. Bộ ngoại giao Nga đã phản ứng gay gắt trước thông tin này.