Các đối tượng người nước ngoài (chủ yếu là Đài Loan, Trung Quốc, Tây Phi, Campuchia) lợi dụng chính sách mở cửa hội nhập, chính sách thuận lợi của Nhà nước đối với thủ tục hải quan và những kẽ hở trong công tác quản lý xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu với danh nghĩa du lịch, thăm thân, đầu tư kinh doanh… móc nối các đối tượng trong nước thành lập các doanh nghiệp, công ty bình phong để sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, thuê kho xưởng để ngụy trang mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn, nhiều đối tượng lợi dụng hoạt động của các doanh nghiệp để “núp bóng” tổ chức sản xuất trái phép chất MTTH.
Cũng theo Cục CSĐT tội phạm về ma túy, từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống ma túy cho thấy, trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm phía Nam đã hình thành nhiều đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Campuchia qua tuyến biên giới Tây Nam và từ Lào qua Bắc miền Trung vào TP Hồ Chí Minh.
Với sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong và ngoài nước, đặc biệt là hình thành đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia do người nước ngoài cầm đầu. Với số người nghiện lớn, TP Hồ Chí Minh là địa bàn tiêu thụ ma túy lớn nhất cả nước, mặt khác là trung tâm mà các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy lợi dụng, tập kết sau đó phân tán thành nhiều đường dây vận chuyển ma túy đi các tỉnh phía Nam và ra nước ngoài tiêu thụ.
Ma túy từ Campuchia qua biên giới Tây Nam về TP Hồ Chí Minh bị thu giữ vào tháng 4.
Trước tình hình tội phạm và tệ nạn ma tuý chuyển hướng hoạt động xuống địa bàn các tỉnh Bắc miền Trung và miền Nam, có nguy cơ trở thành “điểm nóng” về ma túy, Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an ban hành Kế hoạch số 486 về “Tập trung giải quyết tình hình phức tạp về tội phạm, tệ nạn ma túy tại địa bàn TP Hồ Chí Minh, tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia và các tỉnh trọng điểm phía Nam”.
Qua công tác nghiệp vụ, Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã phát hiện một đường dây mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn từ Campuchia qua biên giới Tây Nam về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ. Sau hơn 2 tháng áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, ngày 4/4, Cục phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an TP Hồ Chí Minh bắt quả tang hai đối tượng là Diệp Trọng Hiếu (33 tuổi) và Tăng Minh Trí (35 tuổi), cùng trú ở TP Hồ Chí Minh đang có hành vi mua bán trái phép chất ma túy, vật chứng thu giữ 5g ma túy tổng hợp dạng đá.
Khám xét nhà của Diệp Trọng Hiếu, tổ công tác thu giữ thêm 100 gram ma túy tổng hợp dạng đá. Cùng thời điểm trên, các tổ công tác khác đồng loạt bắt, khám xét khẩn cấp các đối tượng còn lại trong đường dây. Tại khách sạn Yến Trang, quận 10, TP Hồ Chí Minh bắt giữ Phan Thị Thanh Nhàn, 31 tuổi, trú tại Tân Phú, TP Hồ Chí Minh khi Nhàn đang chuẩn bị mang ma túy (cất giấu trong thú nhồi bông) đi giao cho các đối tượng khác.
Từ lời khai của Nhàn, Ban Chuyên án khám xét một nhà kho ở Lạc Long Quân, phường 5, quận 11, TP Hồ Chí Minh. Vật chứng thu giữ 49 bánh heroin, 13kg ma túy tổng hợp dạng đá, 8kg ma túy tổng hợp dạng ketamin, 11.000 viên ma túy tổng hợp, 1.000 lọ ma túy dạng nước (còn gọi là ma túy “nước biển”), 5.000 gói ma túy dạng bột (còn gọi là ma túy “trà ô long” và “đông trùng”) cùng nhiều vật chứng khác. Mở rộng điều tra, Ban Chuyên án bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Thịnh, 28 tuổi, ở TP Hồ Chí Minh.
Theo lãnh đạo Phòng Phòng, chống tội phạm ma túy có tổ chức và xuyên quốc gia (Cục CSĐT tội phạm về ma túy), thủ đoạn của các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy hoạt động hết sức tinh vi, khép kín, dựa trên cơ sở quan hệ có sẵn giữa các dân tộc, họ hàng, anh em trong gia đình, sử dụng mạng xã hội: Facebook, Wecchat, Zalo… điện thoại di động, bộ đàm để liên lạc và tiến hành các hoạt động giao dịch ma túy.
Các đối tượng người Campuchia móc nối với các đối tượng người Việt Nam thường xuyên qua lại biên giới làm ăn, buôn bán, đối tượng không nghề nghiệp, lao động tự do hoặc các đối tượng thường xuyên sang đánh bạc tại casino của Campuchia ở khu vực biên giới để vận chuyển ma túy vào Việt Nam tiêu thụ.
Các đối tượng thường xuyên móc nối với đối tượng đầu nậu tại Campuchia để thành lập đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Campuchia về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ.
Mỗi mắt xích trong đường dây phụ trách công đoạn chuyển trái phép chất ma túy một quãng đường nhất định, chúng không biết mặt nhau, chỉ nhận diện qua ám, tín hiệu đã thống nhất từ trước. Ma túy thường được giao tại nhà các đối tượng thứ cấp ở TP Hồ Chí Minh sau đó mang đi các tỉnh lân cận tiêu thụ.
Thủ đoạn cất giấu trái phép chất ma túy cũng thường xuyên được thay đổi nhằm che mắt các lực lượng chức năng. Ma túy được cất giấu chủ yếu là trong người, khoảng trống tự nhiên hoặc tự tạo của các phương tiện giao thông, mũ bảo hiểm, đồ mỹ nghệ, hoặc giấu lẫn trong các hàng hóa cồng kềnh như kiện hàng, máy móc khó kiểm qua các cửa khẩu, đường mòn, tiểu ngạch để vận chuyển vào Việt Nam.
Các đối tượng phạm tội chủ yếu là người Trung Quốc, Đài Loan, Tây Phi, Việt Nam và Campuchia lợi dụng địa bàn rộng, đường biên giới dài, có nhiều đường tiểu ngạch, lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy còn mỏng, phương tiện, trang thiết bị nghiệp vụ còn thiếu… nên tội phạm ma túy triệt để lợi dụng để hình thành nên các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy.
Trong thời gian tới, tình hình dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến các quốc gia, khu vực, đặt ra nhiều khó khăn thách thức đối với công tác đảm bảo ANTT các nước trong đó có Việt Nam. Trong khi đó, việc đi lại sẽ thuận tiện hơn do nhiều quốc gia thực hiện “Hộ chiếu vaccine” cho hoạt động thương mại, du lịch…
Đối tượng phạm tội về ma túy sẽ lợi dụng để hoạt động phạm tội. Cục CSĐT tội phạm về ma túy đưa ra giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch 486 của Bộ Công an…; làm tốt công tác vận động, tuyên truyền quần chúng nhân dân tham gia vào công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy; tập trung làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản nắm tình hình, kịp thời phát hiện các đường dây, tổ chức tội phạm ma túy hoạt động liên tuyến, liên tỉnh xuyên quốc gia có yếu tố nước ngoài.
Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Công an các đơn vị, địa phương với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển trong phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn ma túy tại khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển.
Tăng cường mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong phòng, chống và kiểm soát ma túy với Cục phòng chống ma túy, Tổng cục Công an quốc gia, Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia tiến hành các hoạt động tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường bộ, đường mòn, đường sông. Xác lập chuyên án chung phối hợp đầu tranh triệt phá tận gốc các đường dây tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia về ma túy ngăn chặn từ sớm, từ xa nguồn ma túy thẩm lậu vào Việt Nam.