Đường biến thành sông, hầm thành bể bơi
Mỹ Đình là khu vực tập trung nhiều dự án bất động sản, khu đô thị mới của Hà Nội với mức giá được cho là cao so với mặt bằng chung.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc cư dân sống ở khu vực này có thể di chuyển dễ dàng, nhất là vào những ngày mưa to gió lớn.
Tòa chung cư cao cấp Keangnam sau một hai tiếng mưa lớn bỗng trở thành “ốc đảo”. Dân cư khu chung cư cao cấp này phải lội nước bì bõm đi làm bởi bốn bề là nước.
Các tuyến đường xung quanh tòa nhà 72 tầng này như Phạm Hùng, Dương Đình Nghệ cũng trở thành những dòng sông.
Chị K.Thoa, một cư dân sống tại Keangnam không khỏi bức xúc vì bỏ ra số tiền lớn để sở hữu căn hộ ở đây nhưng lúc nào cũng lo ngay ngáy không về được nhà mỗi lúc trời mưa to. “Có lúc mưa to, nước ngập sâu hơn 60 cm, nhìn thấy cả cá bơi.
Hàng chục ô tô, xe máy bị chết máy la liệt ở đoạn đường này trong những ngày mưa lớn trong tháng 7 vừa qua”, chị Thoa chia sẻ.
Năm ngoái, khu vực này bị nước cô lập mấy ngày. Để đảm bảo sinh hoạt, người dân phải thuê xe ba gác vận chuyển người ra vào khu chung cư, chở đồ đạc, thức ăn thậm chí là chuyển rác ra ngoài.
Trong khi đó, cơn mưa ngày 13/7 đã khiến nhiều khu đô thị mới dọc theo Đại lộ Thăng Long (huyện Hoài Đức) ngập sâu cả mét nước.
Các phương tiện ùn ứ kéo dài do không thể di chuyển. Các khu chung cư Thăng Long Victory, An Khánh Golden, Geleximco... cũng rơi vào cảnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
“Chưa kịp hoàn hồn sau trận mưa ngày 13/7 thì những trận mưa lớn liên tiếp do ảnh hưởng của bão số 2 khiến cả khu nhà tôi tiếp tục ngập úng. Một khu đô thị hiện đại với những biệt thự triệu đô mà cứ mưa to lại lo ngập.
Tôi không hiểu nổi hệ thống thoát nước ở đây như thế nào?”, anh Minh Hoàng, khu B khu đô thị Geleximco bức xúc.
Năm ngoái, Geleximco cũng từng bị chìm trong biển nước, tầng hầm biến thành... bể bơi. Nhiều gia đình phải mua sẵn máy bơm để hút nước ở tầng hầm sau khi mưa to.
Không chỉ Geleximco mà mưa lớn cũng khiến nhiều khu đô thị mới như Sông Đà - Sudico, Khu đô thị Văn Quán, Khu đô thị mới Dương Nội, An Khánh... bị ngập lụt nghiêm trọng.
Quy hoạch chắp nối, hậu quả được báo trước
Giải thích việc hàng loạt các khu đô thị mới vừa đưa vào sử dụng nhưng đã bị ngập lụt, các chuyên gia xây dựng cho rằng, các chủ đầu tư đã chỉ quan tâm xây dựng nhà ở dự án để bán mà lơ là việc xây dựng kết cấu hạ tầng.
Trong các yếu tố hạ tầng thiết yếu của một dự án nhà ở thì cấp thoát nước quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, quy hoạch xây dựng manh mún, thiếu quy hoạch tổng thể đã dẫn tới hậu quả cho việc tiêu thoát nước.
Có thể thấy những năm qua, thị trường bất động sản khu vực phía Tây và Tây Nam Hà Nội phát triển rất nóng.
Hàng loạt dự án mọc lên như nấm dọc theo các tuyến đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông, Đại lộ Thăng Long, Tố Hữu.
Trong khi những bất cập về hạ tầng chưa kịp được xử lý thì mật độ người càng ngày càng đông, bê tông hóa càng ngày càng mạnh.
Do đó, tình trạng ngập úng được dự báo sẽ rất nan giải.Cụ thể, hầu hết các khu chung cư, khu đô thị mới đều nằm ở phía Tây, Tây Nam của thành phố, trước đây khu vực này là các hồ ao, ruộng lúa, không có cốt nền chuẩn, cũng không có hệ thống thoát nước hiện đại mà chủ yếu là hệ thống tiêu thoát nước thủy lợi cũ, thông qua các kênh mương.
Nhiều khu đô thị mới xây nên không có hồ điều hòa để giảm tải lưu lượng nước khi mưa to, dẫn đến ngập úng càng nghiêm trọng.
Đầu mùa mưa năm nay, trả lời tại buổi giao ban Thành ủy, ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội cho biết, các khu phố mới mở bị ngập đều nằm trong lưu vực hệ thống thoát nước chưa được cải tạo.
Chẳng hạn như các khu đô thị Văn Quán, Dương Nội, Văn Phú tại quận Hà Đông, thuộc lưu vực Hữu Nhuệ.
Theo ông Võ Tiến Hùng, sau khi đi kiểm tra các khu đô thị trên địa bàn quận Hà Đông, đặc biệt các khu đô thị từng bị ngập nặng năm ngoái, công ty đã phát hiện một số khu đô thị chưa đấu nối hệ thống thoát nước vào hệ thống chung của thành phố, trong khi đây là trách nhiệm của chủ đầu tư. Khi phê duyệt dự án, cơ quan có thẩm quyền đã xem xét các phương án đấu nối hạ tầng.
Để được phê duyệt thì phải có thỏa thuận đấu nối cấp thoát nước, điện, viễn thông.
“Chủ đầu tư phải thực hiện đúng quy định của Nghị định 80/2014/NĐ - CP về thoát nước và xử lý nước thải tại đô thị, khu công nghiệp và khu dân cư nông thôn tập trung.
Thực tế kiểm tra phát hiện chủ đầu tư không thực hiện đúng quy định, chúng tôi đều lập biên bản yêu cầu khắc phục”, đại diện ngành thoát nước cho hay.
Liên quan tới vấn đề này, một cán bộ đã về hưu của Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) chia sẻ với phóng viên, trong quy hoạch chi tiết 1/500 đã bắt buộc chủ đầu tư khu đô thị mới phải làm hệ thống thoát nước.
Tuy nhiên, việc đấu nối hệ thống thoát nước thế nào thì chưa được kiểm soát. Đây chính là lỗ hổng dẫn tới hậu quả ngập lụt.
Cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định về cốt nền
Lý giải về tình trạng cứ mưa lớn là ngập sâu ở các khu đô thị mới, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, người xây sau xây nền cao hơn người xây trước, dồn hết nước cho khu vực đã làm trước nên ngập úng là tất yếu.
Theo ông Phạm Sỹ Liêm, chuyên gia xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, ngập úng xảy ra tại nhiều khu đô thị mới là do các chủ đầu tư, nhà quản lý đô thị không tuân thủ nguyên tắc chuẩn cốt nền chung. Các dự án, khu đô thị mới cứ đua nhau mọc lên trong khi mỗi nơi lại áp dụng một kiểu cốt nền nơi cao nơi thấp, gây khó khăn trong tiêu thoát nước.
"Hà Nội thiếu quy hoạch cốt xây dựng thống nhất trên toàn thành phố, phát triển đô thị tuỳ tiện. Trong khi hệ thống sông hồ lại bị san lấp khá nhiều. Vì thế, những nơi chưa có kết nối hệ thống thoát nước như phía Tây, Hà Đông thì sẽ còn ngập úng nhiều", chuyên gia phân tích.
Các giải pháp khơi thông luồng lạch, cống rãnh, lắp đặt máy bơm tiêu thoát chỉ có thể mang tính tình thế. Về lâu dài, các khu đô thị xây mới sau này cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định về cốt nền, có hệ thống tiêu thoát nước riêng, đồng bộ và đấu nối vào hệ thống chung của toàn thành phố.
Bài viết được lấy tại địa chỉ: http://baotintuc.vn/xa-hoi/nhieu-khu-do-thi-moi-o-ha-noi-thanh-oc-dao-trong-mua-vi-dau-nen-noi-20170808114407207.htm