Nhiều hãng bay nhưng hạ tầng kém thì lợi hay hại chưa biết

Lê Thanh Phong |

Vietstar Airlines vừa được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC). Đây là hãng hàng không đầu tiên được cấp AOC thương mại cho máy bay phản lực thương gia tại Việt Nam.

Thêm một hãng hàng không tham gia thị trường, người dân có thêm cơ hội lựa chọn. Cạnh tranh bắt buộc các hãng hàng không phải đổi mới để tồn tại.

Các hãng hàng không đương nhiên phải cung cấp dịch vụ tốt hơn, vì đó là sống còn của doanh nghiệp trong một thị trường cạnh tranh gay gắt hơn. Nhưng liệu các hãng hàng không có làm được điều đó không trong điều kiện hạ tầng hàng không không theo kịp với phát triển.

Sân bay Tân Sơn Nhất là "gót chân Achilles" của hàng không Việt Nam, cho nên một số hãng hàng không đặt cơ sở khai thác ở các địa phương để dễ dàng hơn trong xin cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Tân Sơn Nhất vẫn là địa chỉ khai thác của các hãng hàng không, tàu bay của các hãng góp mặt đầy đủ. Cái lý đương nhiên là vậy, khách hàng ở đâu thì khai thác kinh doanh ở đó. Cho dù có lập "căn cứ" ở Cà Mau thì thị trường cũng bắt đầu từ Tân Sơn Nhất. Chợ đông thì "mợ" phải đến.

Cho nên, khi có thêm hãng hàng không tham gia thị trường, điều đáng lo chính là ùn tắc ở Tân Sơn Nhất sẽ thê thảm hơn. Và chỉ cần một điểm này thôi, toàn bộ các sân bay khác sẽ bị ảnh hưởng, hoãn chuyến dây chuyền là điều không thể tránh khỏi.

Các hãng hàng không tư nhân chỉ có chiếc tàu bay, còn tất cả đều phụ thuộc vào hạ tầng và phần lớn là của nhà nước quản lý. Vậy thì có chắc là nhiều hãng bay sẽ tốt cho phát triển hàng không khi mà chất lượng hạ tầng và dịch vụ mặt đất còn rất hạn chế?

Năng lực giám sát của cơ quan quản lý đối với hàng không là một điều kiện bắt buộc, bởi vì liên quan tới an toàn, an ninh hàng không. Quản thêm vài hãng hàng không với nhiều đội tàu tăng hàng năm là một thách thức đối với Cục Hàng không và ngành Giao thông Vận tải.

Một thực tế khác, đó là Việt Nam đang thiếu hụt nguồn nhân lực đặc thù của hàng không như phi công, kỹ sư bảo dưỡng và sửa chữa tàu bay. Để có nguồn lao động này phục vụ cho các hãng hàng không thì không phải một sớm một chiều. Liệu có còn những cạnh tranh về phi công như từng xảy ra? Cạnh tranh không phải bao giờ cũng đem lại kết quả tích cực.

Hạ tầng hàng không kém chất lượng, nguồn nhân lực hàng không còn đang thiếu thì các hãng hàng không có phát triển bền vững hay không?

Ủng hộ tư nhân thành lập hãng hàng không thì cũng phải ủng hộ tư nhân đầu tư xây dựng hạ tầng hàng không, khi đó mới phát triển cân đối, đảm bảo phát triển bền vững.

Nhiều hãng hàng không với nhiều tàu bay, nhưng hạ tầng như hiện nay, lợi hay hại thì chưa biết.

theo Lao Động

Đọc tin tức mới báo Vietnamnet tại Soha. Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Trí Thức Trẻ
    Công ty Cổ phần VCCorp

    © Copyright 2010 - 2023 – Công ty Cổ phần VCCorp

    Tầng 17,19,20,21 Toà nhà Center Building - Hapulico Complex,
    Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội.
    Email: btv@soha.vn
    Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 2411/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 31 tháng 07 năm 2015.
    Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Thế Tân
    Điện thoại: 024 7309 5555

    Liên hệ quảng cáo:
    Hotline: 0794.46.33.33 - 0961.98.43.88
    Email: giaitrixahoi@admicro.vn
    Hỗ trợ & CSKH:
    Tầng 20, tòa nhà Center Building, Hapulico Complex,
    số 1 Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
    Tel: (84 24) 7307 7979
    Fax: (84 24) 7307 7980
    Chính sách bảo mật

    Chat với tư vấn viên