Nhiều dự án chống sạt lở tại TP.HCM... đình trệ

NGỌC ẨN |

Khi xảy ra sạt lở, các cơ quan thẩm quyền TP.HCM yêu cầu cấp bách phải triển khai ngay công tác chống sạt lở. Thế nhưng từ khi triển khai đến khi hoàn thành dự án chống sạt lở mất 5-7 năm vẫn chưa xong.

Công trình trọng điểm TP về xây dựng kè chống sạt lở bờ kênh Thanh Đa đoạn 1.4 ở P.27 (Q.Bình Thạnh) được khởi công vào năm 2012.

Nhưng hiện nay tại đây một đoạn sông Sài Gòn đã xây dựng kè được 220m, bờ sông vẫn còn ngổn ngang cọc bêtông và vật liệu xây dựng.

Cạnh đó, đoạn bờ sông dài 447m chưa thi công là hình ảnh loang lổ nhiều vạt đất trơ trụi nằm bên cạnh những lùm cây hoang dại.

10 năm chưa kè được 220m

Theo một cán bộ Khu đường thủy nội địa TP - chủ đầu tư dự án, nhà thầu đã rút lực lượng thi công khỏi công trường cách đây ba năm vì vướng giải tỏa.

Tính đến nay, dự án đã kéo dài 6 năm kể từ khi được Sở GTVT phê duyệt quyết định đầu tư.

Sở dĩ dự án chậm vì 28/133 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng và đang khiếu nại về đơn giá bồi thường. Vị cán bộ này cũng lắc đầu cho biết chưa xác định được thời gian khi chưa tháo gỡ xong công tác đền bù giải tỏa.

Có thể nói đạt kỷ lục “trì trệ” nhất là dự án chống sạt lở bờ gần cầu Phước Kiển (H.Nhà Bè) đã triển khai 10 năm nay vẫn thi công xây dựng 220m kè.

Năm 2006, Sở GTVT TP phê duyệt dự án. Năm 2007, chủ đầu tư ký hợp đồng với Ban bồi thường giải phóng mặt bằng H.Nhà Bè thực hiện đền bù giải tỏa 18 hộ.

Thế nhưng dự án chậm là do quy định sau ngày 1-7-2004, người dân đã có nhà ở nơi khác sẽ không được bồi thường hỗ trợ về cấu trúc nhà nên họ chưa bàn giao mặt bằng.

Năm 2016, ngân sách cấp kinh phí 4 tỉ đồng trong tổng vốn đầu tư dự án là 21,3 tỉ đồng, nhưng không giải ngân được vì vướng đền bù giải tỏa chậm.

Tương tự, dự án chống sạt lở bờ gần cầu Phước Lộc (H.Nhà Bè) đã triển khai gần 10 năm vẫn chưa thi công 247m kè. Theo chủ đầu tư, năm 2006 Sở GTVT phê duyệt dự án, năm 2007 đơn vị ký hợp đồng với Ban bồi thường giải phóng mặt bằng H.Nhà Bè thực hiện giải tỏa 21 hộ.

Đến năm 2013, H.Nhà Bè cho biết do dự án này nằm cạnh dự án xây cầu Phước Lộc (do Khu quản lý giao thông đô thị số 4 làm chủ đầu tư) nên phải chờ cấp thẩm quyền phê duyệt đền bù giải tỏa chung.

Năm 2016, dự án được ngân sách TP cấp 3 tỉ đồng trong tổng vốn đầu tư 85,2 tỉ đồng, nhưng chưa giải ngân được vì chưa đền bù giải tỏa.

Nhiều thiệt hại

Hầu hết các dự án chống sạt lở bờ sông sẽ đội vốn vì cấp thẩm quyền đã phê duyệt dự án đầu tư cách đây 10 năm.

Cụ thể, dự án xây dựng kè bảo vệ bờ sông khu vực ngã ba sông Bến Lức - kênh xáng Lý Văn Mạnh được phê duyệt năm 2006 có vốn đầu tư là 45,7 tỉ đồng, dự án chống xói lở bờ sông khu vực cầu Phước Lộc được phê duyệt năm 2006 là hơn 85 tỉ đồng và dự án cầu Long Kiểng được phê duyệt năm 2006 là 21,3 tỉ đồng.

Tiền lương tối thiểu năm 2006 là 350.000 đồng/tháng, đến năm 2016 đã tăng lên 1.210.000 đồng/tháng, nghĩa là tăng gần 3,5 lần so với cách đây 10 năm.

“Như vậy, dự kiến tổng mức đầu tư dự án sẽ tăng lên 2,5 lần so với hiện nay” - một lãnh đạo phòng kế hoạch đầu tư Khu quản lý đường thủy nội địa TP nói.

Theo cán bộ Khu quản lý đường thủy nội địa TP, ở dự án chống sạt lở bờ kênh Thanh Đa đoạn 1.4, nhà thầu đã dừng thi công công trình gần ba năm nay và đề nghị kết thúc công trình.

Thế nhưng đơn vị đã năn nỉ và cố níu kéo nhà thầu tiếp tục công trình vì lo ngại tổ chức đấu thầu lại mất nhiều thời gian.

Tuy nhiên khi công trình này triển khai lại chắc chắn phải điều chỉnh vốn xây lắp cho nhà thầu vì giá vật tư, nhân công đã tăng do thời gian dừng thi công quá dài.

Điều khó khăn nhất là người dân ở trong khu vực sạt lở có nguy cơ cao về tai nạn khi xảy ra sạt lở.

Do đó, Khu quản lý đường thủy nội địa đã kiến nghị Sở GTVT có văn bản gửi UBND Q.Bình Thạnh cảnh báo và di dời người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao ở dự án chống sạt lở bờ kênh Thanh Đa đoạn 1.4.

Tương tự, đơn vị đã có văn bản gửi các địa phương có dự án chống sạt lở cần vận động người dân di dời khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.

Gấp rút thực hiện khâu đền bù giải tỏa

Theo ông Lê Hoàng Minh - phó giám đốc Sở GTVT, sở rất mong muốn các dự án chống sạt lở bờ sông hoàn thành càng sớm càng tốt. Thế nhưng khó khăn nhất là công tác đền bù giải tỏa.

Sở GTVT đề nghị các địa phương giao ranh làm trước công tác đền bù giải tỏa ở những khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Để làm việc này phải có sự đồng thuận của người dân và chính quyền địa phương. Địa phương nào tích cực, sở phối hợp triển khai thi công ngay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại