Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 19/3 tới Đức, bắt đầu chuyến thăm chính thức châu Âu và chủ trì vòng đàm phán thứ 20 của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine. Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh phương Tây ngày một chia rẽ về việc hỗ trợ Ukraine khi cuộc xung đột tại nước này đã bước sang năm thứ 3 và vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Trong khi đó, gói hỗ trợ bổ sung của Mỹ dành cho Ukraine theo yêu cầu của Tổng thống Joe Biden tới nay vẫn bị mắc kẹt tại Quốc hội.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Bộ trưởng Lloyd Austin, cùng các bộ trưởng quốc phòng và quan chức quân sự cấp cao của gần 50 quốc gia sẽ thảo luận về cuộc xung đột tại Ukraine, cũng như tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc dành cho nước này.
Được thành lập ngay sau khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022, Nhóm Liên lạc quốc phòng Ukraine thường xuyên tổ chức các cuộc họp định kỳ nhằm điều phối các nỗ lực viện trợ quân sự và tài chính cho Kiev.
Mỹ ước tính đã chi khoảng 44 tỷ USD để hỗ trợ an ninh cho Ukraine, trong khi các đồng minh và đối tác cũng đã cam kết một khoản tương tự để giúp Kiev gia tăng lợi thế trong cuộc xung đột với Nga.
Tuy nhiên, ngân sách dành cho Ukraine đang cạn kiệt. Để “xoay xở” viện trợ cho Ukraine trong khi chờ Quốc hội bật đèn xanh, Chính phủ Mỹ đã phải huy động tiền tiết kiệm từ các hợp đồng mua sắm vũ khí của Lầu Năm góc. Song điều này chỉ giúp Ukraine giải tỏa "cơn khát" đạn dược trong một thời gian ngắn.
“Khoản viện trợ mới này gần như không đủ để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của Ukraine. Quốc hội cần ngay lập tức thông qua dự luật an ninh quốc gia lưỡng đảng, bao gồm tài trợ khẩn cấp cho Ukraine. Chúng ta phải hành động trước khi quá muộn”, Tổng thống Joe Biden thừa nhận.
Một số quốc gia đồng minh đã đặt câu hỏi về cam kết của Mỹ. Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thời gian gần đây không ngừng kêu gọi châu Âu tăng cường năng lực phòng thủ nhằm ứng phó tốt hơn với môi trường an ninh nhiều biến động.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola thậm chí còn đề cập đến khả năng “châu Âu phải đi một mình mà không có Mỹ”.
“Liên minh châu Âu vẫn cần phải làm nhiều hơn về chi tiêu quốc phòng và gửi đi thông điệp rõ ràng rằng, chúng ta đủ mạnh để bảo vệ lẫn nhau. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải kiên định với quan điểm rằng, châu Âu cần phải làm nhiều hơn nữa, đề phòng trường hợp chúng ta phải đi một mình”, bà Metsola nói.
Cuộc xung đột tại Ukraine đang ngày càng trở thành một cuộc chiến tiêu hao. Cả Mỹ và các đồng minh châu Âu ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương đang phải đối mặt với áp lực chính trị ngày càng tăng liên quan tới việc duy trì các khoản tài trợ lớn cho Ukraine.
Áp lực được dự báo sẽ trở nên rõ ràng hơn khi cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu diễn ra vào tháng 6 tới và bầu cử Mỹ vào tháng 11, cũng như các cuộc thăm dò quốc gia ở nhiều nước châu Âu, trong đó có Anh, một đối tác quan trọng của Ukraine.