Nhà vua Anh Charles III. (Ảnh: AP)
Sự kiện hào hoa, lộng lẫy và mang tính biểu tượng đã có từ hơn 1.000 năm trước, nhưng lễ đăng quang lần này sẽ có những nét mới về truyền thống và một số thay đổi so với lễ đăng quang của mẹ ông - Nữ hoàng Elizabeth II – cách đây 70 năm.
Kế hoạch cho lễ đăng quang tại Tu viện Westminster cho thấy sự giản lược so với lễ đăng quang trước đây, dù vẫn có sự góp mặt của hoàng gia các quốc gia khác, nguyên thủ quốc gia và hầu hết Hoàng gia Anh. Nhà vua Charles III sẽ mặc lễ phục giống như lễ phục của Nữ hoàng Elizabeth.
Lễ đăng quang là sự xác nhận chính thức về vai trò của Nhà vua Charles III với tư cách là nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính thức của Giáo hội Anh, nhằm thể hiện rằng quyền lực của nhà vua bắt nguồn từ Chúa.
Trong buổi lễ do Tổng giám mục Canterbury thực hiện, Nhà vua Charles sẽ được xức dầu, nhận các biểu tượng truyền thống của quốc vương, bao gồm quả cầu và vương trượng, và được đội Vương miện Thánh Edwards lần đầu tiên. Bà Camilla chính thức trở thành hoàng hậu.
Cỗ xe ngựa 260 năm tuổi
Nghi lễ đăng quang có từ thời trung cổ, và hầu hết các đặc điểm vẫn được giữ nguyên.
Tu viện Westminster là nơi thực hiện nghi thức này kể từ khi nhà chinh phạt William lên ngôi năm 1066.
Lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II diễn ra vào tháng 6/1953 là lễ đăng quang đầu tiên được truyền hình trực tiếp. Buổi truyền hình trực tiếp khi đó chỉ có hai màu đen trắng, được chiếu cho hàng chục triệu người dân Anh rồi sau đó được chiếu lại cho khán giả quốc tế. Trong thời đại của mạng xã hội ngày nay, mọi người khắp thế giới sẽ được theo dõi lễ đăng quang của Nhà vua Charles III trực tiếp với đủ sắc màu.
Lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth III năm 1953.
Vua Charles III cho biết ông muốn giảm bớt nghi thức của lễ đăng quang, cắt ngắn thời gian so với nghi lễ kéo dài 3 giờ đồng hồ của mẹ ông và chỉ mời chưa đến 2.800 khách, ít hơn nhiều so với 8.000 khách dự lễ đăng quang trước đây.
Nhằm thể hiện sự đa dạng tôn giáo ở Vương quốc Anh ngày nay, các lãnh đạo Phật giáo, Ấn Độ giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo và Sikh cũng sẽ có mặt tại buổi lễ, thể hiện mong muốn của tân vương để trở thành “người bảo vệ những đức tin”.
Chặng đường diễn ra lễ rước sau khi đăng quang ngắn hơn 8km so với con đường mà Nữ hoàng Elizabeth và Hoàng tế Philip đi qua ở London năm 1953. Nhà vua Charles và Hoàng hậu Camilla dự định sẽ ngồi trên xe ngựa qua tuyến đường dài 2km từ Cung điện Buckingham đến tu viện. Sau lễ đăng quang, họ sẽ đi bằng cỗ xe ngựa 260 năm tuổi, cỗ xe đã trải qua mọi lễ đăng quang kể từ năm 1831.
William - Hoàng tử xứ Wales và là người thừa kế ngai vị - sẽ quỳ trước mặt vua cha để thề trung thành, thể hiện sự tôn kính dòng máu hoàng gia.
Hoàng tử Harry dự kiến không tham dự phần lễ này, sau khi xảy ra hàng loạt chuyện không vui giữa vợ chồng anh với Hoàng gia Anh.
Theo AP