Vào năm 2022, các nhà chức trách vũ trụ Nga cho biết, quốc gia này sẽ rút khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) sau năm 2024 để có thể tập trung vào việc xây dựng một trạm vũ trụ riêng ở quỹ đạo thấp của Trái Đất.
Mốc thời gian mơ hồ này được đưa ra cho thấy khả năng Nga sẽ ở lại trạm ISS thêm vài năm nữa. Điều này quả thực đã xảy ra. Vào ngày 27/4/2023 vừa qua, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã thông báo rằng, nước Nga xác nhận sẽ tiến hành hỗ trợ hoạt động liên tục ở trạm ISS cho tới hết năm 2028.
NASA cũng cho biết, các đối tác lớn khác của trạm ISS bao gồm Cơ quan Vũ trụ châu Âu, Canada và Nhật Bản đã tiến hành ký thỏa thuận về việc hợp tác tới hết năm 2030, cho đến khi trạm ISS kết thúc thời gian hoạt động.
Trước đó, các cơ quan vũ trụ của Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản và 11 quốc gia châu Âu đã bắt tay xây dựng và vận hành Trạm Vũ trụ Quốc tế vào năm 1998. Kể từ tháng 11/2000, trạm ISS liên tục có các phi hành gia ở lại luân phiên tham gia nghiên cứu nhằm mục tiêu đưa con người có thể tiến xa vào không gian.
Theo các quan chức của NASA, từ đó đến nay, có 266 người từ 20 quốc gia khác nhau đã ghé thăm trạm ISS và tiến hành hơn 3.300 thí nghiệm trong điều kiện vi trọng lực độc đáo.
Đại diện của NASA cho biết: "Hiện nay, trong thập kỷ hoạt động thứ 3, Trạm Vũ trụ Quốc tế có thể tối đa hóa kết quả nghiên cứu khoa học và các lợi ích mới đang được hiện thực hóa".
Trên thực tế, dù trạm ISS vẫn còn khá nhiều thời gian để hoạt động, nhưng NASA đã chuẩn bị cho trạm kế tiếp tại quỹ đạo thấp của Trái Đất (LEO). Ngoài ra, cơ quan này cũng đang tài trợ cho nhiều dự án nhằm phát triển trạm vũ trụ tư nhân với hy vọng rằng ít nhất một trong số chúng sẽ hoạt động trước khi trạm ISS dừng hoạt động và rơi qua khí quyển Trái Đất.
Các quan chức của NASA nhấn mạnh, sự hiện diện của phi hành đoàn ở LEO trong dài hạn chính là chìa khóa để giúp loài người có thể chinh phục Mặt Trăng và Sao Hỏa.
Các trạm vũ trụ thương mại sẽ không những cho phép các chuyên gia tìm hiểu nhiều hơn về mức độ ảnh hưởng của cuộc sống ngoài Trái Đất tới cơ thể con người mà còn giúp kích thích nền kinh tế trên quỹ đạo.
Bài viết tham khảo nguồn: Space, NASA