Nhiều chương trình cũng bị phản ứng vì kỳ thị giới tính giống Táo quân

Phương Anh |

Nhiều chương trình truyền hình trên thế giới đã vấp phải sự phản đối khi động chạm đến vấn đề kỳ thị giới tính.

Nhật Bản

Kênh truyền hình Fuji TV, Nhật từng phải đưa ra lời xin lỗi vì nội dung một chương trình hài động chạm đến vấn đề kỳ thị giới tính thứ ba.

Tunnels vốn là một chương trình hài nổi tiếng trên kênh Fuji từ những năm 80. Trong dịp kỉ niệm 30 năm của chương trình này phát sóng hôm 28/9 năm ngoái, nam diễn viên Takaaki Ishibashi tết tóc hai bên và hóa trang má hồng để vào vai một nhân vật có tên Homoo Homooda (ám chỉ người đồng tính).

Các diễn viên hài khác trong chương trình cũng liên tục trêu chọc nhân vật này về giới tính của anh.

Nhiều chương trình trên thế giới cũng bị phản ứng vì kỳ thị giới tính giống Táo quân - Ảnh 1.

Nhân vật Homoo Homooda (bên trái) nhận nhiều chỉ trích vì chế nhạo người đồng tính.

Sau khi phát sóng, chương trình lập tức vấp phải làn sóng phản đối dữ dội từ dư luận và các nhóm bảo vệ quyền lợi cho LGBT.

Những người phản đối kết luận đây là hành động tảng lờ đi nhân quyền của nhóm giới tính thiểu số qua việc cười nhạo họ. Thậm chí một số người còn kêu gọi tẩy chay chương trình trên mạng xã hội.

Sau đó, giám đốc đài truyền hình Fuji TV đã phải chính thức xin lỗi khán giả qua bản thông cáo đăng trên trang chủ của đài: "Chúng tôi chân thành xin lỗi vì đã khiến các khán giả mang giới tính thiểu số và các khán giả khác thấy khó chịu với màn diễn trêu chọc những người đàn ông đồng tính".

"Chúng tôi vô cùng tiếc rằng hình ảnh của nhân vật này đã được trình chiếu và gây ảnh hướng đến trẻ em trong thời gian dài. Những cải cách và thay đổi điều kiện xã hội dành cho cộng đồng LGBT trong thời gian qua là vẫn chưa đủ", nhà đài Nhật Bản nói thêm, tuy nhiên họ cũng nhấn mạnh chương trình không có ý định chế nhạo người đồng tính.

Hàn Quốc

Năm 2016, nam ca sĩ người Mỹ gốc Hàn Eric Nam từng tham gia đóng một tập trong chương trình hài nổi tiếng SNL Korea. Trong chương trình, Eric Nam hóa trang thành một nhân vật trong bộ truyện tranh Dragon Ball Z để gây cười cho khán giả.

Tuy nhiên, sau đó cư dân mạng Hàn Quốc truyền tai nhau câu chuyện gây sốc về kịch bản thực sự được biên kịch viết cho nam ca sĩ.

Một khán giả tiết lộ nguồn tin từ người thực hiện chương trình cho hay Eric Nam được chương trình đề nghị vào vai Hong Suk Chun, một nghệ sĩ Hàn công khai đồng tính và phải chịu rất nhiều kỳ thị từ cộng đồng.

Nhưng sau cùng, Eric Nam từ chối đóng vì lý do anh không thể đem người đồng tính ra làm trò cười.

Nhiều chương trình trên thế giới cũng bị phản ứng vì kỳ thị giới tính giống Táo quân - Ảnh 2.

Chương trình SNL Korea cùng từng nhiều lần đề nghị các nghệ sĩ nam giả gái.

Ukraine

Mới đây, kênh truyền hình 1+1 TV của Ukraine bị buộc phải xin lỗi và xóa bỏ toàn bộ chương trình chiếu trong dịp nghỉ lễ vì có nội dung kỳ thị người chuyển giới.

Trong một chương trình dựng lại câu chuyện về Pinocchio hay còn gọi là Buratino, nhân vật cậu bé người gỗ được miêu tả là người chuyển giới và bị chế nhạo. Cụ thể là nhân vật hoạt hình nổi tiếng này muốn trở thành nữ và được gọi là Buratina. Trong tiểu phẩm cũng chế nhạo hình ảnh lá cờ cầu vồng của cộng đồng LGBT.

Nhiều chương trình trên thế giới cũng bị phản ứng vì kỳ thị giới tính giống Táo quân - Ảnh 3.

Tiểu phẩm gây tranh cãi của Ukraine.

Nhiều người phản đối đã xuống đường biểu tình mạnh mẽ sau khi chương trình phát sóng hôm 4/1. Một số người còn mang trước ngực dòng chữ "Tôi là Buratino" để thể hiện mình thuộc cộng đồng giới tính thiểu số.

Nhiều chương trình trên thế giới cũng bị phản ứng vì kỳ thị giới tính giống Táo quân - Ảnh 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại