Nhiều chính sách mới có lợi cho người sử dụng đất

Duy Quang - Mạnh Thắng |

Triển khai tinh thần Luật Đất đai (mới), TPHCM và Đồng Nai đang nghiên cứu, đề xuất và triển khai nhiều cơ chế, chính sách mới về sử dụng đất theo hướng có lợi cho người dân.

Gỡ vướng về cấp sổ đỏ

Sau khi Luật Đất đai 2024 được ban hành, TPHCM đã có nhiều động thái tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho người dân trong việc cấp sổ đỏ. Cụ thể, Sở TN&MT TPHCM vừa có văn bản khẩn gửi UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức về cấp sổ đỏ cho đất có trước ngày 15/10/1993.

Theo đó, trong quá trình thực hiện chính sách đất đai trước khi có Luật Đất đai năm 1993, TPHCM có nhiều loại giấy tờ có nội dung về việc tạo lập quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà đã được cấp hoặc chứng nhận với các tên gọi, nội dung hoặc cơ quan ban hành khác nhau tùy thuộc vào tình hình thực tiễn nhà, đất tại địa phương cũng như yêu cầu quản lý đất đai qua từng thời kỳ.

Do đó, để đảm bảo việc rà soát đầy đủ và phù hợp với thực tiễn quản lý đất đai tại các địa phương qua nhiều giai đoạn khác nhau, Sở TN&MT đã yêu cầu UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức rà soát, đề xuất các giấy tờ về quyền sử dụng đất được lập trước ngày 15/10/1993 làm cơ sở giải quyết cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân, ngoài các loại giấy tờ đã được quy định tại Luật Đất đai 2024.

Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai Hồ Văn Hà cho biết, theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, đất tại các khu vực thị xã, phường, quận, thành phố của đô thị loại đặc biệt, I, II, III sẽ không được chuyển nhượng quyền sử dụng cho các cá nhân tự xây dựng nhà ở (hay còn gọi là phân lô bán nền) từ ngày 1/8. Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 2 đô thị là thành phố Biên Hòa và thành phố Long Khánh thuộc đối tượng áp dụng các quy định này. Tuy nhiên, các xã của thành phố Long Khánh và xã Long Hưng của thành phố Biên Hòa vẫn thực hiện được các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật và chuyển nhượng để người dân xây nhà theo mẫu.

Đại diện Sở TN&MT TPHCM cho biết, khi đề xuất, các địa phương nêu tên gọi cụ thể loại giấy tờ (kèm bản chụp giấy tờ), lý do, bối cảnh, cơ sở pháp lý của các giấy tờ đó và gửi về Văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM trước ngày 25/7.

Liên quan đến việc cấp sổ hồng cho dân, theo đại diện Sở TN&MT TPHCM, từ năm 2015 đến nay, Văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM đã tiếp nhận giải quyết cấp sổ hồng cho 575 dự án nhà ở thương mại với 206.204 căn hộ. Cụ thể, TPHCM đã tiếp nhận hồ sơ là 137.545 căn, cấp sổ hồng cho 127.838 căn và chưa cấp sổ hồng cho 9.658 căn. TPHCM còn hàng chục ngàn căn hộ chưa nộp hồ sơ cấp sổ hồng.

Theo đại diện Sở TN&MT TPHCM, công tác cấp sổ hồng cho người mua nhà ở tại các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn thời gian qua chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Một số vấn đề tồn đọng ảnh hưởng tới tiến độ cấp sổ hồng bao gồm chủ đầu tư chậm nộp hồ sơ, vướng mắc liên quan đến nghĩa vụ tài chính bổ sung do thay đổi điều chỉnh quy hoạch.

Cho phép xây công trình trên đất nông nghiệp

Tại tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh này vừa hoàn thành dự thảo Nghị quyết quy định diện tích đất sử dụng để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Theo đó, điều kiện xây dựng công trình là không làm ảnh hưởng đến công trình thủy lợi, công trình đê điều, giao thông nội đồng và diện tích đất sản xuất nông nghiệp liền kề. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn hơn diện tích theo hạn mức giao đất đối với từng loại đất. Tỷ lệ diện tích công trình xây dựng tối đa chiếm 0,1% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp được giao nhưng không vượt quá 500m2 và chỉ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Đất để xây dựng công trình được thống kê là đất sản xuất nông nghiệp. Để được giải quyết, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp liên hệ thủ tục và gửi hồ sơ đến UBND cấp huyện.

Chính sách này xuất phát từ thực tế thời gian qua, nhiều trang trại, vườn mẫu gặp khó khăn trong xin phép xây dựng kho chứa vật tư, kho chứa nông sản, cơ sở sơ chế hoặc chỗ ở cho người làm vườn. Ông Nguyễn Ngọc Sáu (hộ nông dân tại huyện Xuân Lộc) phấn khởi cho biết, quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. "Thực tế nông dân làm nông nghiệp hiện nay từ sản xuất truyền thống đến sản xuất công nghệ cao đều rất cần có nhà xưởng sơ chế biến, kho bãi chứa đựng vật tư phục vụ sản xuất và nhà ở cho người làm việc…”, ông Sáu nói.

Ông Ngô Tấn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán, cho biết, lâu nay mới chỉ có quy định của ngành nông nghiệp về việc xây dựng nhà kho trên đất nông nghiệp, còn quy định của ngành tài nguyên môi trường thì không có. Theo ông Tài, việc có quy định xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp sẽ thuận lợi cho người dân và chính quyền trong công tác quản lý đất đai cũng như ngăn chặn tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại