Sáng 10/5, Ban Tuyên giáo T.Ư, Ban Kinh tế T.Ư và Đảng Đoàn Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 41 ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới . Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến, đến hơn 4.000 điểm cầu, với hơn 200.000 cán bộ, đảng viên, đại biểu tham dự.
Phát triển doanh nghiệp dân tộc
Tại chương trình, Phó trưởng Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Đức Hiển đã trình bày một số nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 41. Theo ông Hiển, nghị quyết nhấn mạnh, đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, sẽ phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới ; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.
Đáng chú ý, nghị quyết nêu, cần phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp. “Đây là lần đầu tiên chúng ta nhấn mạnh đến việc hình thành phát triển doanh nghiệp dân tộc”, ông Hiển nêu.
Nhiều cán bộ vi phạm liên quan đến doanh nghiệp
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, hiện nay, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã, đang từng bước lớn mạnh; nhiều doanh nghiệp có thương hiệu ở tầm cỡ quốc gia, quốc tế.
Ông Nghĩa cũng cho rằng, đội ngũ doanh nhân, các doanh nghiệp có đóng góp rất lớn để Việt Nam phát triển, hiện nay đang thuộc tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới; vị thế, uy tín, sức mạnh kinh tế của Việt Nam được các nước trân trọng.
Dù thế, theo ông Nghĩa, phần lớn doanh nghiệp của Việt Nam còn ở quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế. Đặc biệt, đạo đức, văn hoá kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với dân tộc của một bộ phận doanh nhân chưa cao, thậm chí vi phạm pháp luật.
"Tình trạng doanh nghiệp, doanh nhân câu kết với cán bộ các cấp, nhất là cán bộ có chức có quyền để thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực , chiếm đoạt, gây thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản, nguồn lực của nhà nước, nhân dân, thậm chí tạo ra môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh, vẫn còn diễn ra", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Theo ông Nghĩa, theo báo cáo của các cơ quan chức năng, nhiều vụ án, nhiều địa phương, nhiều cán bộ cấp cao vi phạm khuyết điểm đều có vấn đề liên quan đến doanh nghiệp. "Đây là vấn đề nhức nhối, đau xót, phải kiên quyết khắc phục", ông Nghĩa nói thêm.
Phân tích thêm, ông Nghĩa cho rằng, nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, tồn đọng kéo dài xảy ra trong lĩnh vực chuyên môn sâu, khép kín, có tính hệ thống, có tổ chức, cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, gây thiệt hại rất lớn về tài sản , ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế, khiến dư luận nhân dân rất bức xúc. Có thể đề cập đến một số vụ án xảy ra tại các tập đoàn như: FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Việt Á, AIC, Xuyên Việt Oil, Ngân hàng SCB, Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An...
Nêu một số nhiệm vụ cụ thể trong thực hiện Nghị quyết 41, Bí thư T.Ư Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, cần đồng bộ hoá các quy định thể chế; hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật; các quy định cụ thể... để khơi thông nguồn lực cho các doanh nghiệp. Cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của doanh nhân trong phát triển kinh tế, xã hội; khuyến khích, động viên các tấm gương doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu; nêu cao trách nhiệm xã hội của giới doanh nhân Việt Nam…
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cũng gợi mở một số việc "nên làm" và "không nên làm" của doanh nghiệp, doanh nhân. Trong đó, theo ông Nghĩa, doanh nghiệp phải hiểu hậu quả khôn lường của việc tham nhũng, tiêu cực, từ đó kiên quyết thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kinh doanh.
"Ở đây có 2 mặt. Với những vụ việc xảy ra, rất tiếc có một số doanh nghiệp lớn mang tính dẫn dắt có vi phạm. Rồi tiếc vì có một bộ phận cán bộ bản lĩnh không vững vàng, rơi vào những tình huống như thế. Vi phạm, đổ vỡ, để lại hậu quả khôn lường", ông Nghĩa nêu.
Nhấn mạnh quan điểm phải thượng tôn pháp luật, ông Nghĩa nhắc lại việc kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực , sai phạm để tạo môi trường lành mạnh cho phát triển. "Các đồng chí thấy thầu này, thầu kia rất là khổ cực. Bao nhiêu doanh nghiệp đau khổ vì không lành mạnh trong đấu thầu, các hoạt động đi đêm với nhau", ông Nghĩa nói thêm, đồng thời cho rằng, doanh nghiệp cần tăng cường kiểm tra, rà soát, tích cực phản ánh đến các cơ quan chức năng các hành vi vòi vĩnh, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp, nhân dân trong giải quyết công việc của các trường hợp cán bộ suy thoái, biến chất...