Vào khoảng thế kỷ XIX dưới thời Vãn Thanh, ở Trung Hoa không ai không biết tới danh xưng của đại gia Hàng Châu nức tiếng lúc bấy giờ - Hồ Tuyết Nham (1823 - 1885)
Cuộc đời của ông được biết đến như một "truyền kỳ" với giai thoại từ một chân chạy việc tay trắng lập nên sản nghiệp bạc triệu, trở thành một trong những thương nhân có tầm ảnh hưởng không thể thay thế trong giới thương gia Giang Nam thời bấy giờ.
Thiên hạ tin rằng, nhà họ Hồ giấu một thứ "bí kíp" giúp ông chủ Hồ Tuyết Nham buôn gì cũng phất. Vậy nhưng, sự phát đạt của vị thương nhân ấy lại chỉ nhờ vào một hành động – che ô cho người khác.
Chân dung thương nhân huyền thoại thời nhà Thanh - Hồ Tuyết Nham. (Ảnh: Nguồn Baike).
Chuyện kể rằng, năm xưa có một thương nhân làm ăn thua lỗ, cần khoản tiền lớn để lô nhập hàng vớt vát. Vì quá bí bách, túng quẫn, người thương nhân này chủ động tìm tới Hồ Tuyết Nham để rao bán sản nghiệp của mình với một mức giá vô cùng thấp.
Nhưng Hồ Tuyết Nham chẳng những không mua với mức giá bèo bọt, mà còn trả cho người thương nhân số ngân lượng xứng tầm.
Khi đó, người kia vừa mừng rỡ, lại vừa ngờ vực, không hiểu vì sao Hồ đại gia lại chấp nhận từ bỏ món hời mà mình đã đưa ra. Bấy giờ, người thân tín bên cạnh cũng hỏi ông chủ Hồ: "Thịt béo đã dâng tới miệng, vì sao lão gia lại bỏ qua?"
Hồ Tuyết Nham chỉ mỉm cười, thong thả trả lời:
"Khi còn trẻ, ta chỉ là một kẻ làm 'chân chạy' quèn trong tiệm vàng, thường xuyên được Đông gia sai đi đòi nợ khắp nơi.
Có lần, khi ta đang trên đường tới nhà con nợ, trời bất chợt đổ mưa rất lớn. Lúc đó, có một người lạ đi gần ta bị mưa xối ướt, mà ta bấy giờ lại vừa khéo lại mang theo một chiếc ô, ta liền đưa ô ra che cho người đó.
Sau này, ta vẫn thường mang theo bên mình một chiếc ô, khi trời mưa thì che ô giúp vài người. Cứ như vậy, một thời gian sau, những người quen biết, thân thiết với ta ngày càng nhiều.
Từ ấy, mỗi khi ra ngoài hành sự, ta có quên mang ô cũng không sợ trời mưa, bởi sẽ luôn có người tình nguyện che ô giúp ta."
Nói xong, Hồ Tuyết Nham nhấp ngụm trà, cười một tiếng:
"Ngươi chịu hy sinh vì người khác, người khác mới có thể nguyện vì ngươi mà hy sinh.
Sản nghiệp của vị thương nhân vừa rồi rất có thể là gia sản mấy đời tích cóp. Nếu ta ra tay chiếm đoạt, người ta rất có lẽ cả đời cũng không gượng dậy nổi. Đây vốn không phải là chuyện mua bán, mà là việc cứu người".
Mọi người nghe xong đều trầm ngâm trong im lặng.
Che ô cho người khác là hành động cao đẹp tượng trưng cho lòng nhân nghĩa, cao thượng và bao dung của người quân tử. (Tranh minh họa).
Tiếng lành đồn xa, nghĩa cử cao đẹp của Hồ lão gia chẳng mấy chốc đã được mọi người biết đến. Ngay tới quan phủ cũng vô cùng kính trọng ông.
Chuyện làm ăn của Hồ Tuyết Nham kể từ ngày đó cũng càng thêm phát đạt. Bất kể là đầu tư vào ngành nghề gì, ông luôn có người tương trợ, giúp đỡ, khách hàng cũng đông không đếm xuể.
Vậy mới nói, nhân sinh vốn đã nhiều khổ ải, cớ chi loài người phải tàn hại lẫn nhau?
Kẻ bon chen sẽ gặp nhiều thương tổn. Mà người cao thượng, bao dung ắt sẽ được hưởng giàu sang, phú quý. Sống ở trên đời, gia tài bạc triệu hay quyền lực tối cao cũng không đáng giá bằng nghĩa cử cao đẹp – che ô cho người khác.