Vận chuyển vaccine ngừa Covid-19 tới mọi nơi trên thế giới là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Ảnh: KT
Vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech đã được phê duyệt để đưa vào sử dụng rộng rãi ở Anh và chính phủ nước này cũng đặt hàng hơn 40 triệu liều – đủ để tiêm chủng cho 20 triệu người.
800.000 liều vaccine đầu tiên dự kiến sẽ được vận chuyển tới Anh trong vài ngày tới.
Các vaccine của Moderna và Oxford/AstraZeneca cũng đang chờ các cơ quan chức năng cấp giấy phép lưu hành.
Vaccine Covid-19 là hy vọng của hàng tỷ người trên thế giới đang mong chờ được trở lại cuộc sống bình thường khi đại dịch chấm dứt.
Sau những nỗ lực lớn trong việc phát triển và thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19, một nhiệm vụ lớn vẫn còn ở trước mắt. Đó chính là khâu vận chuyển và phân phối vaccine.
Điều kiện bảo quản vô cùng ngặt nghèo
Việc vận chuyển và phân phối vaccine Covid-19 là nhiệm vụ thách thức nhất từ trước tới nay và chưa từng có tiền lệ. Các nhiệm vụ tương tự không diễn ra ở quy mô lớn như hiện nay.
Trước đây, việc phân phối vaccine Ebola dựa vào việc thiết lập chuỗi đông lạnh sâu ở những vùng xa xôi trên thế giới.
Bằng việc xâng dựng nhận thức và kinh nghiệm của cộng đồng cũng như lĩnh vực tư nhân và các tổ chức nhân đạo, chuỗi cung cấp thiết yếu đối với vaccine ngừa Covid-19 cũng có thể thành công.
Một số vấn đề chủ chốt cần phải được xem xét trong khâu hậu cần: các tiêu chuẩn vận chuyển quốc tế, điều kiện bảo quản, nhu cầu phân phối của địa phương và các địa điểm sản xuất. Những vấn đề này với mỗi loại vaccine lại khác nhau.
Vaccine ngừa Covid-19 của Moderna cần được vận chuyển và bảo quản ở nhiệt độ -20 độ C và chỉ có thời hạn trong vòng 6 tháng. Ở điểm đến cuối cùng, như bệnh viện hay nhà thuốc, nó có thể lưu trữ trong các tủ lạnh thông thường nhưng phải được sử dụng trong vòng 30 ngày.
Vaccine của Pfizer/BioNTech cần phải được bảo quản ở nhiệt độ -70 độ C và chỉ bảo quản trong tủ lạnh thông thường trong 5 ngày.
Nếu không có cơ sở hạ tầng đảm bảo, sẽ có rất nhiều liều vaccine bị lãng phí. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 50% vaccine bị lãng phí trên toàn cầu do cơ sở hạ tầng hậu cần không phù hợp.
Với vaccine Covid-19, cũng có khả năng hàng triệu liều bị lãng phí. Bất cử sai sót nhỏ nào từ việc lên kế hoạch cho tới việc thực hiện các khâu hậu cần cũng sẽ phải trả bằng cái giá rất đắt.
Việc nhiều người lưỡng lự tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cũng có thể dẫn tới sự lãng phí.
Một số loại vaccine ngừa Covid-19 đang được phát triển hiện nay đòi hỏi phải tiêm 2 mũi. Nếu một số người ngần ngại về vaccine và thay đổi quyết định sau khi tiêm chủng mũi thứ nhất, họ không quay lại để tiêm mũi thứ hai, điều đó sẽ khiến vaccine không đảm bảo hiệu quả - và tất nhiên, những liều vaccine này cũng trở nên lãng phí.
Vận chuyển vaccine là nhiệm vụ cực kỳ phức tạp
Đẻ vận chuyển và phân phối vaccine ngừa Covid-19, ước tính là cần khoảng 8.000 (theo IATA) đến 15.000 (theo DHL) chuyến bay. Con số cụ thể còn tùy thuộc vào các yêu cầu chính xác đối với quá trình lưu trữ, bảo quản, đóng gói và vận chuyển.
Ví dụ, việc sử dụng đá khô để duy trì nhiệt độ -80 độ C sẽ hạn chế khối lượng vaccine được vận chuyển trên máy bay.
Việc suy giảm các chuyến bay thương mại do đại dịch Covid-19 cũng là một vấn đề, bởi hầu hết hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không được để trong khoang hàng của máy bay chở khách.
Các yêu cầu bảo quản nhiều khả năng cũng sẽ ảnh hưởng tới hệ thống phân phối. Một số nước đã sẵn sàng thiết lập các trung tâm tiêm chủng lớn để đảm bảo cơ sở hạ tầng cần thiết và vaccine sẽ không bị hỏng do điều kiện bảo quản không đảm bảo ở các bệnh viện thông thường.
Ở Anh, một số chuyên gia đề xuất nên thiết lập một nhóm chuyên gia y tế phụ trách quản lý vaccine Covid-19 để các khâu bảo quản và hậu cần địa phương trên khắp mọi khu vực đều được phối hợp chặt chẽ.
Ở một số nước khác, địa điểm thiết lập các trung tâm tiêm chủng quy mô cũng là một vấn đề, đặc biệt là những khu vực ít dân cư, những nước có nhiều vùng núi hay có nhiều đảo. Cũng có lo ngại rằng nhiều người không có khả năng đi lại để được chủng ngừa, ví dụ như người cao tuổi và những người ở các khu vực chiến sự.
Bài học từ ngành công nghiệp ô tô
Một số vaccine ngừa Covid-19 như vaccine mRNA mà Pfizer và Moderna đã phát triển lại là loại “không ổn định”. Điều đó có nghĩa là chất lượng sẽ giảm đi sau mỗi lần vận chuyển và cuối cùng có thể không còn hiệu quả.
Một giải pháp cho vấn đề này là tái bố trí các cơ sở sản xuất tới gần hơn với các vùng cần được miễn dịch.
Điều này đã được thực hiện thành công trong ngành công nghiệp ô tô và nhiều ngành khác khi chuyển các nhà máy tới các nước có thị trường tiêu thụ lớn.
Cùng với nguy cơ vaccine bị mất hiệu quả do không được bảo quản đúng nhiệt độ cũng như khâu hậu cần không phù hợp, việc phân phối vaccine Covid-19 trở thành một công việc đầy rủi ro, mạo hiểm.
Covid-19 là đại dịch toàn cầu, và những lời kêu gọi phản ứng toàn cầu cũng rất mạnh mẽ.
Quả thực một số loại vaccine hứa hẹn đã được phát triển nhờ sự hợp tác quốc tế. Sự hợp tác cũng rất cần thiết để đảm bảo rằng những người có nguy cơ cao nhất sẽ được chủng ngừa, chứ không phải chỉ những nước giàu.
Tuy nhiên, trong số tất cả các câu chuyện truyền cảm hứng về sự hợp tác, có một điều vẫn cần phải nhớ là lợi ích quốc gia và thương mại cũng rất quan trọng và sẽ tiếp tục định hình các phản ứng quốc tế, đặc biệt là ở khía cạnh hậu cần./.