Trả lời tờ Nhân dân nhật báo, chuyên gia quân sự Lý Kiệt thuộc Viện nghiên cứu khoa học quân sự Hải quân Trung Quốc vô cớ cho rằng, tuyên bố tổ chức tuần tra chung với Mỹ của nữ Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada chính nhằm đưa "mầm họa" đến Biển Đông.
Trong khi đó, tờ báo thuộc phe hiếu chiến của Trung Quốc Thời báo Hoàn Cầu, dù bà Inada giải thích đây chỉ là cuộc "diễn tập tuần tra liên hợp" chứ không phải "tuần tra chiến đấu liên hợp" nhưng động thái này thực chất muốn vượt qua "lằn ranh đỏ" mà Bắc Kinh đặt ra ở Biển Đông.
Lý Kiệt cho rằng, đây là động thái nhằm khiến Bắc Kinh sao nhãng việc can thiệp biển Hoa Đông, đặc biệt vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà tập trung tâm trí vào khu vực Biển Đông.
Trung Quốc lập mưu đối phó?
Theo các chuyên gia quân sự Trung Quốc, nhằm đối phó lại động thái nguy hiểm trên, Bắc Kinh cũng có vô vàn cách để "chơi bài ngửa" với Tokyo.
Thứ nhất, hải quân Trung Quốc cần thực hiện chiến lược "tiên phát chế nhân" - chủ động đi trước một bước nhằm khẳng định sự hiện diện tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tức Bắc Kinh sẽ chọc thủng, phong tỏa "chuỗi đảo thứ nhất" do Mỹ và đồng minh đặt ra tại các vùng biển ở khu vực này.
Chuỗi đảo là khái niệm do cựu Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulle đưa ra lần đầu vào năm 1951 nhằm gây áp lực lên Liên Xô và Trung Quốc.
Khái niệm này không phải là chủ đề quan trọng trong chính sách quân sự của Mỹ nhưng giới quân sự Trung Quốc lại coi đây như một định nghĩa chiến lược chính thức.
Chuỗi đảo thứ nhất bắt đầu từ "đầu đảo" - Nhật Bản, kéo dài đến "đuôi đảo" Philippines.
Chuỗi đảo thứ hai bắt nguồn từ phía Bắc Nhật Bản, đi qua đảo Guam và chạy dài xuống New Zealand.
Chuỗi đảo thứ ba do các khu căn cứ quân sự trên quần đảo Hawaii hợp thành.
Lý Kiệt đánh giá, hiện nay liên quân Mỹ - Nhật kiểm soát khá tốt tuyến "đầu đảo" nhưng khả năng kiểm soát tại "đuôi đảo" lại chưa đủ mạnh bởi sức mạnh hải quân Manila khá yếu.
Mỹ - Nhật muốn tăng cường sự kiên cố của mắt xích này, ngoài triển khai các căn cứ quân sự tại Philippines thì tuần tra chung là một phương thức khá hiệu quả.
Thứ hai, trung tâm của chiến lược "con đường tơ lụa trên biển" của Trung Quốc chính là Biển Đông. Can thiệp sâu vào Biển Đông chứng tỏ Nhật Bản muốn kiểm soát chặt chẽ khu vực này. Đây cũng là chiến lược mang tính lâu dài của chính phủ Abe.
Bắc Kinh có thể thực hiện chiêu "gậy ông đập lưng ông" để dằn mặt Tokyo. Ví như, Trung Quốc tăng cường tần suất tuần tra ở khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hoặc tiến hành thử nghiệm tên lửa ở những vùng biển đặc thù.
Thứ ba, Tướng diều hâu La Viện - phó Hội trưởng thường trực Hội xúc tiến văn hóa chiến lược Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh cần triển khai những "pháo đài kiên cố" trên các đảo đá mà nước này đang chiếm đóng (trái phép - PV) ở Biển Đông.
Đặc biệt, giữa các đảo đá, Trung Quốc cần thiết lập chuỗi liên kết hỏa lực nhằm ngăn chặn khả năng tấn công của hải quân Nhật Bản.
Ngoài ra, tướng diều hâu này cũng lên tiếng đe dọa chính phủ của Tổng thống Obama cần cảnh giác khi bắt tay với Tokyo bởi đây là đối tác "không đáng tin".
"Washington nên hiểu rõ vì sao Bắc Kinh lại nhạy cảm và cảnh giác trước sự can thiệp của Tokyo vào Biển Đông. Nếu Washington vụ lợi, 'thả hổ về rừng', rất có thể cuối cùng sẽ bị Tokyo lợi dụng mà thiệt thân", La Viện bình luận.