Nhật Bản có 3 lý do để can thiệp vào biển Đông

Lưu Bình |

Nhật Bản không vu vơ khi tuyên bố can thiệp vào vấn đề biển Đông đúng thời điểm hiện tại.

Gần đây, bà Tomomi Inada - Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản nhân chuyến thăm chính thức đến Mỹ, bất ngờ đưa ra tuyên bố "sẽ tăng cường tần suất hoạt động trên Biển Đông".

Tuyên bố bao gồm việc Tokyo sẽ cùng Washington tiến hành các hoạt động tuần tra chung tại khu vực này và bắt tay với các quốc gia Đông Nam Á tiến hành diễn tập quân sự song phương hoặc đa phương nhằm giúp các quốc gia này tăng cường sức mạnh quân sự.

Theo Zaobao (Singapore), việc lựa chọn thời điểm hiện tại đưa ra tuyên bố can thiệp vào vấn đề biển Đông có thể khiến Trung Quốc tức giận nhưng đây chính là chiến lược "một mũi tên trúng ba đích" toàn diện và đặc thù của Tokyo.

Và Nhật Bản có đủ lý do để tiến hành chiến lược này bởi:

Thứ nhất, nhằm đảm bảo sự tồn tại và phát triển hiệu quả của một quốc đảo khan hiếm nguồn tài nguyên chiến lược, lãnh đạo Nhật Bản quyết định không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự, tạo ra sự thay đổi đột phá về bản hiến pháp hòa bình, nâng cao sức ảnh hưởng vào các khu vực nóng và các tuyến đường hàng hải thương mại quan trọng.

Mục đích chiến lược "trở thành quốc gia bình thường" của Nhật Bản chính là chủ động, tích cực bảo vệ lợi ích quốc gia..

Xác suất lấn sân sâu hoặc phát động xung đột tại các khu vực khác của Tokyo sẽ không cao nhưng Nhật Bản có khả năng lớn sẽ can thiệp quân sự tại các vùng biển tranh chấp và những điểm nóng quốc tế.

Thứ hai, khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ còn chưa đầy hai tháng và bất kể người đắc cử là ai, Nhật Bản đều sẽ tạo áp lực khiến vị tân Tổng thống và chính phủ mới của Mỹ khó có thể thay đổi chính sách "xoay trục châu Á" của chính phủ tiền nhiệm.

Phương thức hiệu quả nhất chính là Tokyo trực tiếp "ra trận", bắt tay chặt chẽ với các nước như Mỹ và Australia nhằm duy trì sự can thiệp của các quốc gia này đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thứ ba, tuyên bố can thiệp vào vấn đề biển Đông chính nhằm khôi phục hình ảnh và vai trò của Nhật Bản cũng như kiềm chế sức ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo Zaobao, Tokyo cũng như Washington đều tin rằng lực lượng hải quân của mình đang chiếm ưu thế trước Bắc Kinh và nếu xung đột xảy ra, phần thắng nhất định sẽ nằm trong tay Tokyo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại